Tư tưởng khoan dung, hòa bình, hòa hiếu là truyền thống nhân văn được hun đúc từ ngàn năm lịch sử của nhân dân Việt Nam. Truyền thống đó xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại, là hòa bình, hòa hiếu và chính nghĩa, kết tinh trong con người Hồ Chí Minh
Trong Binh thư yếu lược, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết: “ Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”[1].
Phan Huy Chú đã đúc kết từ trong lịch sử: “ Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”[2].
Đối với nhân dân: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước" (Trần Hưng Đạo).
Đối với kẻ thù đã quy hàng: "Lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh", (Nguyễn Trãi).
Khoan dung Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống khoan dung của dân tộc kết hợp với tinh hoa thời đại. Sự kế thừa và kết hợp đó đã làm thắm đượm thêm truyền thống khoan dung của con người Việt Nam và nâng truyền thống đó lên một tầm cao mới. Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh là một nét đặc sắc trong tư tưởng nhân văn của Người.
Tư tưởng khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây. Các tố chất căn bản ấy được phát huy cao độ khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận Mác-xít. Những nội dung của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam theo thời gian, năm tháng từng bước được đúc kết, hình thành một hệ thống các nguyên lý với các tư tưởng của những vị hào kiệt tiêu biểu như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa sáng tạo những truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc. Nhân cách văn hóa cũng như cách ứng xử của Người trong các môi trường quốc tế, trong các thời điểm lịch sử cam go, hết sức đa dạng, tinh tế, đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam, nhân dân Việt Nam.
Từ một người yêu nước, ra đi tìm đường cứu nước, mang trong mình nỗi đau vô hạn của người dân nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu và kế thừa những giá trị tinh hoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Trên hành trình ấy, Người tiếp nhận chọn lọc mọi giá trị của các nguồn tư tưởng, lý luận khác nhau: từ tư tưởng nhân nghĩa, đề cao sự tu dưỡng cá nhân,…của Nho giáo; sự từ bi, vị tha, …của Phật giáo; tư tưởng dân chủ, bình đẳng, dám nghĩ, dám làm,…của Phương Tây, đến tư tưởng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Ái Quốc tôn trọng những điểm khác biệt của các tư tưởng ấy, đồng thời phát hiện ra điểm tương đồng của các nhà tư tưởng thế giới như Khổng tử, Giê Su, Thích Ca Mâu Ni, Lê nin, Tôn Trung Sơn,…là đều mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại.
Trong những tháng năm dừng chân tại nhiều nước châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, hòa mình trong cuộc sống của những người lao động, từ nỗi đau đồng bào, Người thấu hiểu thêm nỗi đau nhân loại. Người viết: dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái mà thôi: tình hữu ái là thật vô sản. Giải phóng dân tộc, giải phóng con người trở thành mục tiêu cao cả trong suốt cuộc đời hoạt động, đấu tranh cách mạng của Hồ Chí Minh. Người thấu hiểu sâu sắc giá trị của con người, trước hết là con người Việt Nam. Đối với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mục tiêu và sự nghiệp giành độc lập dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu là tấm gương sáng, là nguồn cổ vũ, khích lệ để họ đứng lên giành và giữ vững độc lập của dân tộc mình. Người khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái” và chính Người là tiêu biểu, là tinh hoa của tinh thần khoan dung, nhân ái đó.
Bác Hồ với đồng bào và chiến sĩ miền Nam (Ảnh tư liệu)
Khoan dung Hồ Chí Minh biểu hiện ở lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, ở cái nhìn rộng lượng đối với những giá trị khác biệt, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác, không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, rất xa lạ với mọi thái độ kỳ thị, cuồng tín, giáo điều.
Khoan dung Hồ Chí Minh biểu hiện ở niềm tin của Người vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ có lầm lạc, nhỏ nhen, thấp kém... Người đã truyền cho chúng ta một cách nhìn lạc quan về con người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”[3]. Người tin rằng, với sức cảm hóa của giáo dục, những con người nhất thời lầm lạc vẫn có thể cải tạo, vươn lên, trở thành có ích cho xã hội, như Người quan niệm: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Sự khoan dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện ở lý tưởng cách mạng của Người. Giành độc lập dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu, là khát vọng cháy bỏng của Người. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[4] Đồng thời, Người nhấn mạnh: “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.[5]
Trong suốt cuộc đời, Người chỉ mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Những phẩm chất cao quý ấy được hội tụ và tỏa sáng trong tư tưởng, cử chỉ, lời nói và việc làm của Người, mà bất cứ ai, bất cứ người nào, khi gặp, tiếp xúc với Người đều yêu mến, ngưỡng mộ. Nhà báo Xôviết Ô xíp Manđenxtam đã viết: “ …dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngổi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị…Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.” [6]
Để tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người chủ trương thức tỉnh cả đến phần ít ỏi của lương tri còn sót lại trong những con người tội lỗi. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người tha thiết kêu gọi đồng bào cả nước tham gia xây dựng đất nước, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để giữ vững và củng cố những thành quả cách mạng đã giành được. Trong bài Khoan hồng mà không nhu nhược, ký bút danh Chiến Thắng, Người viết: Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm. Người mời những quan chức trong chế độ cũ tham gia điều hành công việc quốc gia. Người đề nghị Vĩnh Thụy (Bảo Đại) - một ông vua đã gắn bó sâu nặng với chế độ thực dân, và giám mục Lê Hữu Từ, người vẫn âm thầm nuôi dưỡng tư tưởng chống cộng, làm cố vấn cho Chính phủ.
Bác Hồ với khách quốc tế và các cháu thiếu niên, nhi đồng (Ảnh tư liệu)
Trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc, trong thư từ, điện văn, lời kêu gọi đồng bào cả nước, Người đều dành những lời tâm huyết nhắn gửi tới tất cả những ai còn chưa tham dự vào công việc chung. Ngày 31/5/1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Fontainebleau, Người viết: Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang. Đối với những người đối lập, những người lầm đường lạc lối, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì giáo dục, cảm hóa họ trở về với lẽ phải, với chính nghĩa. Người đã tỏ rõ một tinh thần khoan dung, đại lượng, nhắc nhở chúng ta phải vượt qua những thiên kiến hẹp hòi, không nên đào bới những chuyện cũ ra để làm án mới: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ”[7] và “Chỉ sợ lòng mình không rộng chứ không sợ người ta không theo mình”.
Tấm lòng khoan dung, đại lượng đó đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức có danh vọng của chế độ cũ, một lòng, một dạ đi với cách mạng, như Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Luật sư Bộ trưởng Phan Anh, Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai,...
Tinh thần nhân ái, khoan dung của Hồ Chí Minh không phải là một sách lược tạm thời mà là sự kế tục và phát triển truyền thống nhân ái, khoan dung của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Đối với Hồ Chí Minh, khoan dung chính là biểu hiện sức mạnh của cách mạng, bởi chỉ có những cuộc cách mạng chân chính, được lòng dân mới có sức thuyết phục, cảm hóa đối với trái tim và khối óc của quần chúng, bao gồm cả những người chống đối và lầm lạc.
Tư tưởng khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp của truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hóa thế giới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhà sử học Ba Lan Hêlen Tuốcmêrơ đã viết về Người : "Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của V.I.Lênin, tình cảm của người chủ gia tộc. Tất cả đều hòa hợp trong một dáng dấp tự nhiên"[8].
Dương Minh
[1] Học viện Ngoại giao – Phạm Bình Minh chủ biên: Đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới ( sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 10,11.
[2] Phan Huy Chú: Lịch triều Hiến chương loại chí – Bang giao chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, t. 4, tr 135.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 558.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 1.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 4, tr. 64.
[6] Nguyễn Dy Niên (Chủ biên): Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 56.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 644.
[8] Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Nxb. Chính trị-Hành chính, Hà Nội, 2010, tr. 654.