Quyết tâm bảo về độc lập, tự do trong “hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo”!
Đúng như tiên lượng của Đảng ta, nước Việt Nam giành độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã bất chấp những nguyên tắc dân tộc bình đẳng, trái với nhân đạo và chính nghĩa, đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trong bối cảnh đất phải đối diện với những khó khăn và trở lực chồng chất, thế nước chông chênh bởi nạn thù trong, giặc ngoài, trên nguyên tắc bất di bất dịch về vấn đề độc lập và chủ quyền của dân tộc phải được giữ vững bằng mọi giá, ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc Việt Nam là nguồn lực tinh thần to lớn và chính yếu, là một nhân tố quyết định đưa đến những thắng lợi của quân và dân ta.
Ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập tự do được thể hiện rõ nét, tập trung nhất trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố tại Lễ Độc lập ngày 2-9-1945 phát đi một thông điệp với thế giới về quyết tâm, bản lĩnh và khả năng bảo vệ quyền tự do, độc lập của nhân dân ta: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ban hành “Chỉ thị Kháng chiến, Kiến quốc”. Chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ cốt lõi, có tính chất sống còn là bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng” và tiếp tục đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu với khẩu hiệu “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”. Chỉ thị chỉ rõ phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ to lớn là kháng chiến và kiến quốc. Hai nhiệm vụ này có quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau. Thực tiễn năm đầu xây dựng và bảo vệ độc lập, tự do, xây dựng chế độ mới của nhân dân ta đã cho thấy sự đúng đắn, sáng tạo và bản lĩnh của Đảng, thể hiện qua Chỉ thị “Kháng chiến, Kiến quốc”.
Khi mà hiệu quả những cố gắng hoà bình của nhân dân ta không ngăn được dã tâm và hành động xâm lược của thực dân Pháp, nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn quốc đang đến gần, ngày 5-11- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết văn kiện quan trọng “Công việc khẩn cấp bây giờ”, nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc của cách mạng nước ta để bảo vệ và giữ vững độc lập, tự do của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ý chí, quyết tâm vảo vệ độc lập, tự do đã thôi thúc nhân dân ta hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu kháng chiến và kiến quốc.
Trên phương diện “kháng chiến”, đối đầu với họa xâm lăng, với tính thần “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ đã vùng lên chống quân xâm lược. Ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, nhân dân Nam Bộ với gậy tầm vông, giáo búp đa đã anh dũng tạo nên “Thành đồng Tổ quốc” ngăn bước quân thù, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến. Tiếng súng kháng chiến anh dũng của nhân dân Sài Gòn vang dội khắp cả nước. Cả nước hướng về Nam Bộ anh hùng. Bảo vệ độc lập, tự do cũng là nguồn động lực thôi thúc các đội quân “Nam tiến” từ thủ đô Hà Nội, căn cứ Việt Bắc, vùng duyên hải, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung, nô nức lên đường chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Bảo vệ nền độc lập tư do cũng là động lực để đồng bào Việt Nam sinh sống ở Thái Lan, Campuchia tự động tập hợp thành các đội quân mang tên “Việt kiều giải phóng quân” vượt ngàn dặm khó khăn, trở về về sát cánh cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Cũng trên tinh thần và ý chí bảo vệ độc lập, tự do, quân và dân miền Bắc, miền Trung, một mặt hỗ trợ Nam Bộ, một mặt chuẩn bị cuộc chiến tranh tổng lực với kẻ thù.
Trên phương diện “kiến quốc”, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do được thể hiện qua những nỗ lực lớn lao của nhân dân trong xây dựng chế độ mới dân chủ cộng hòa về mọi mặt. Về mặt chính trị, nhân dân ta đã không ngừng tăng cường xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc; tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân ở các địa phương, kiên quyết đấu tranh chống các thế lực phản quốc; xây dựng Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức,…; Về kinh tế – tài chính, nhân dân ta đã phát huy các nguồn lực nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, phát triển thương nghiệp,…Về văn hoá- xã hội, các tầng lớp nhân dân đã hăng hái tham gia bài trừ nạn mù chữ, xây dựng nền giáo dục mới, xây dựng nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá; thành lập các quỹ cứu tế, cứu đói, thực hiện “sẻ cơm nhường áo”…; Về xây dựng thực lực, nhân dân tham gia và đóng góp công sức, tiền của xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân. Về ngoại giao, Việt Nam mong muốn thiết lập các quan hệ bang giao, làm bạn với các nước dân chủ trên thế giới và “không gây thù oán với một ai”, các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ” nhằm thêm bạn bớt thù. Đặc biệt, các tầng lớp nhân dân đã tích cực bảo vệ Đảng, tích cực thực hiện các chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng đối với sự nghiệp kiến quốc.
Ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do là động lực thôi thúc, là chất keo cố kết cộng đồng, gia tăng sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, để nhân dân ta, trước hết là nhân dân Nam Bộ, thực hiện nhiệm vụ “kháng chiến” kịp thời đánh trả quân xâm lược; đồng thời, là động lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu của nhiệm vụ “kiến quốc” xây dựng chế độ mới, để trên cơ sở đó, Đảng quyết định phát động cuộc “Toàn quốc kháng chiến”.
Ngày 19 - 12 - 1946, “Từ Nam Bộ kháng chiến” chuyển lên “Toàn quốc kháng chiến”!
Trước hình hình quân Pháp ngang nhiên vi phạm những hiệp định, tạm ước đã được ký kết, đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của ta, trên thực tế đã chuyển sang giai đoạn tăng cường hành động chiến tranh xâm lược, ngày 12-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Đây là một văn kiện rất quan trọng, bao gồm những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến của Đảng. Chỉ thị nêu rõ mục đích cuộc kháng chiến của nhân dân ta là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng ở Vạn Phúc, Hà Đông khẳng định rằng khả năng đàm phán không còn nữa, thời kỳ hoà hoãn đã qua, chúng ta càng nhân nhượng, kẻ thù sẽ càng lấn tới. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước.
Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước. Tiếp nối ý chí, quyết tâm trong lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa giành quyền tự do và độc lập phát đi từ Tân Trào, Tuyên Quảng vào giữa tháng 8-1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định ý chí, quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ tự do và độc lập. Người viết: “Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!…”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thể hiện nổi bật và rạng rỡ ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về bảo vệ độc lập, tự do.
Thực hiện chủ trương của Đảng, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đi vào cuộc chiến đấu tổng lực với thực dân Pháp xâm lược. Trong toàn bộ cuộc toàn quốc kháng chiến, ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do là nhân tố quan trọng để nhân dân ta phát huy trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm, là cơ sở để Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra và lãnh đạo, tổ chức thực hiện những quyết sách chiến lược, đưa đến thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới hiện nay, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vấn đề có tính nguyên tắc trong định hướng mục tiêu của công cuộc đổi mới, được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), ghi rõ: “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (…) xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia- dân tộc”. Đó cũng chính là sự tiếp nối ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, là sự phát huy lên tầm cao mới động lực và quan điểm chỉ đạo đã làm nên cuộc “Toàn quốc kháng chiến” năm xưa./.
Trần Đoàn