Tháng 4 năm 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương công bố bức thư ngỏ, chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ, đấu tranh chống chế độ thuộc địa của thực dân Pháp tại Đông Dương, đòi các quyền tự do dân chủ, chống chiến tranh đế quốc. Chủ trương đúng đắn của Đảng đã tạo nên cao trào đấu tranh dân tộc, dân chủ rộng lớn và mạnh mẽ trong những năm 1936-1939
Vào giữa những năm 30 thế kỷ XX, trước nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chủ trương tập hợp mọi lực lượng dân chủ, hoà bình chống chế độ phản động, chống chủ nghĩa phát xít. Nhiều nước trên thế giới đã hình thành mặt trận dân chủ rộng rãi (Pháp, Tây Ban Nha,...). Ở Pháp, năm 1935, Mặt trận Bình dân Pháp được thành lập và giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử đã đứng ra thành lập chính phủ (5-1936). Thực hiện nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, tranh thủ việc Mặt trận Bình dân Pháp giành được thắng lợi ở Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương bao gồm các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tổ chức chính trị xã hội và tôn giáo khác nhau, cùng nhau thực hiện mục đích chung là đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ và giải phóng dân tộc.
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” được Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành vào tháng 4-1936, là một trong những văn bản thể hiện sự tiếp nối mạch nguồn xây dựng mặt trận từ khi thành lập Đảng cho đến khi mặt trận được hiện thực hóa trong thực tiễn phong trào cách mạng sôi nổi những năm 1936-1939.
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” xác định rõ mục tiêu của những người cộng sản là đoàn kết, thống nhất, tǎng cường và củng cố tất cả các lực lượng chống đế quốc ở Đông Dương[1], bởi “Nhìn thấy cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong nước ta đi tới thắng lợi cuối cùng”[2]. Đảng Cộng sản Đông Dương và các tổ chức, mỗi đảng có một chương trình và một chính sách khác nhau. Mặc dù có sự khác nhau về cương lĩnh, song tất cả các tổ chức đều có một mục đích chung, đều thực hiện chung một nhiệm vụ: đánh đổ đế quốc Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc từ ách đô hộ của đế quốc, thực dân. Đây là điều kiện cơ bản để liên kết, thống nhất các tổ chức khác cùng Đảng Cộng sản Đông Dương đấu tranh vì sự nghiệp chung của dân tộc.
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” nêu rõ lý do phong trào đấu tranh cách mạng hiện còn yếu và phân tán, mặc dù tình hình quốc tế và trong nước có những điều kiện khách quan thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng, là bởi “do thiếu những điều kiện chủ quan”[3]. Nguyên nhân phong trào cách mạng Đông Dương còn yếu là do “các đảng và các tổ chức cách mạng ở Đông Dương không biết đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung, chủ nghĩa đế quốc Pháp”[4].
Vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương các Đảng phái và lực lượng chính trị tại Đông Dương “quên đi những sự hiểu lầm trong quá khứ”[5] để tập trung mọi lực lượng đấu tranh chống đế quốc và không ngừng khuyến khích việc thành lập mặt trận duy nhất để đấu tranh chống đế quốc Pháp.
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” nêu rõ cách thức, biện pháp để liên minh “với nhau một cách chân thành”[6] để nhằm thành lập mặt trận nhân dân duy nhất đấu tranh chống đế quốc.
Đồng thời, thấy rõ, nếu các tổ chức liên minh lại thì cuộc đấu tranh của quần chúng bị áp bức ở Đông Dương mau chóng thống nhất lại, thì các lực lượng của họ càng triển nhanh chóng. Đảng Cộng sản Đông Dương hy vọng, tất cả các đảng ở Đông Dương, “vì lợi ích của quần chúng cần lao, vì lợi ích của cách mạng Đông Dương”[7], khẩn trương đáp lại lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương về vấn đề thành lập Mặt trận nhân dân phản đế, để “Tất cả nghị lực của chúng ta hướng vào cuộc đấu tranh!”[8].
Trước hết, đoàn kết để cùng nhau trong cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1936. Đảng Cộng sản Đông Dương đề nghị tất cả các đảng phái, cùng Đảng Cộng sản phân phát truyền đơn, giương cờ đỏ, biểu tình trên toàn Đông Dương; tổ chức và cùng Đảng Cộng sản lãnh đạo quần chúng bị áp bức; tổ chức trong tất cả các thành phố và ở những nông thôn các cuộc hội họp, những cuộc đình công, những cuộc biểu tình chống đế quốc và phong kiến, chống chiến tranh đế quốc.
Phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 tại khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị)
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng thời, thể hiện tinh thần thân ái, gác lại mọi hiềm khích và bất đồng trong quá khứ, chủ động liên minh vì mục tiêu chung: đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập hoàn toàn cho Đông Dương.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các tổ chức trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước.
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” là sự kết nối mạch nguồn về xác định lượng cách mạng từ khi Đảng ra đời, đó là phát huy sức mạnh đoàn kết của mọi giai cấp, tầng lớp, sức mạnh toàn dân để đặng cùng nhau đem sức ta mà giải phóng cho ta: công nông là nền tảng đoàn kết các giai cấp, tầng lớp yêu nước, tiến bộ: tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt… Những định hướng về xây dựng một mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng không tách rời những nguyên tắc chiến lược về đại đoạn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[9].
Luận điểm xây dựng mặt trận tiếp tục được thể hiện tại Hội nghị tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Án nghị quyết về vấn đề phản đế, chỉ ra những vấn đề trực tiếp về xây dựng công tác mặt trận. Đồng thời, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội “Phản đế Đồng Minh” – hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Năm 1936, trước sự chuyển biến của tình hình quốc tế và trong nước, “Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” đánh dấu bước chủ động trong việc xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng, do đó “Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi tất cả các đảng phái, tất cả các tổ chức quần chúng, tất cả các hội từ thiện, tất cả các liên đoàn các nhà văn, các nghệ sĩ… để thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất hành động[10]”.
“Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” là sự kết nối từ chủ trương thành lập “Hội Phản đế Đồng Minh” tháng 11 năm 1930, để đến tháng 7/1936, trước tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương. Đây là sự sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sự thay đổi sách lược kịp thời, chính xác và phù hợp với trào lưu chung của cách mạng thế giới cũng như tình hình cụ thể ở Đông Dương. Đảng đã triệt để lợi dụng những điều kiện thuận lợi của tình hình chính trị nước Pháp đem lại, huy động “quảng đại nhân dân từ thành thị cho tới thôn quê, từ các dân tộc tiền tiến cho tới các bộ lạc hậu tiến, từ các phần tử có giác ngộ cho tới những tầng lớp dân chúng mấy lâu nay còn yên tĩnh rụt rè, nay trở ra tham gia Mặt trận thống nhất”[11]. Hội nghị nhấn mạnh: “Một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương, vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản. Vậy Đảng phải mật thiết với các đảng quốc gia hơn nữa”[12] và Đảng Cộng sản ở đó “không những phải thâu phục đa số thợ thuyền mà còn phải thâu phục quảng đại quần chúng nông dân và tiểu tư sản ở thành thị. Đồng thời trong lúc lập Mặt trận rộng rãi chúng ta lại phải thâu phục hết các lớp trong nhân dân”[13].
Trải qua những chặng đường lịch sử, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam với những tên gọi khác nhau đã đảm đương xuất sắc vai trò tập hợp, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở những thời kỳ lịch sử. 85 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Thư ngỏ của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương”, các kỳ đại hội của Đảng, đặc biệt Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tốt hơn sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, “vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[14].
Chi Nguyễn
[1] Gửi Việt Nam Quốc dân Đảng và gửi tất cả các nhóm và các tổ chức cách mạng quốc gia, các nhóm chống đế quốc, các tổ chức cải lương và phản động và các phần tử cách mạng biệt lập ở Đông Dương.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.7.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,tập 6, tr.9.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,tập 6, tr.9.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,tập 6, tr.9.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,tập 6, tr.9.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.12.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.12.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 15.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.94.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.147.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.224.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 6, tr.155.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, Tập 1, tr.11.