Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra ngày 27-9-1940, kéo dài đến ngày 29-10-1940 thì cơ bản chấm dứt. Mặc dù chỉ tồn tại hơn 1 tháng, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là mốc son chói lọi trong lịch sử trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc thời kỳ 1930-1945 của dân tộc ta
Bắc Sơn - lời cảnh báo đanh thép các thế lực xâm lược ngoại bang
Đối với thực dân Pháp, từ sau cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào đấu tranh của nhân dân ta tạm thời lắng xuống. Trong cao trào đấu tranh dân chủ những năm 1936-1939, tuy phong trào đấu tranh diễn ra công khai khá sôi nổi nhưng chủ yếu diễn ra ở địa bàn thành thị, trên lĩnh vực nghị trường, trên báo chí...đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đòi các quyền tự do, dân chủ. Khởi nghĩa Bắc Sơn thực sự là một sự kiện gây chấn động ở thượng du Bắc Kỳ, đe dọa trực tiếp ách cai trị của thực dân, phong kiến. Quyết tâm và tinh thần chiến đấu của nghĩa quân cho thấy nhân dân ta không cam chịu ách áp bức, bóc lột, sẵn sàng đứng dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đối với phát xít Nhật, kẻ thù mới của nhân dân Việt Nam, vừa mới đặt chân lên mảnh đất Việt Nam đã chứng kiến tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân ta. Đối tượng của cuộc khởi nghĩa không phải là quân đội Nhật, nhưng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là lời cảnh báo đanh thép, một sự bày tỏ thái độ rõ ràng nhất đối với bất kỳ kẻ thù xâm lược nào khi chúng xâm lược và đặt ách cai trị trên dải đất Việt Nam.
Có thể nói rằng, ngay từ khi phát xít Nhật đặt chân lên mảnh đất Việt Nam, với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn đã xứng đáng đại diện cho tinh thần và ý chí độc lập dân tộc, chống kẻ thù ngoại bang xâm lược.
Xây dựng được một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng
Trong cao trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh (1930-1931), đã xuất hiện lực lượng vũ trang nhân dân. Từ những cuộc biểu tình của công nông Vinh-Bến Thủy đã xuất hiện những đội tự vệ, những đội xích vệ đỏ đầu tiên. Chính những xích vệ ấy đã đi đầu trong việc bảo vệ các làng “đỏ” trong quá trình tồn tại Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là những manh nha đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam .
Sau khi cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn nổ ra, Xứ ủy Bắc Kỳ nhanh chóng cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn lãnh đạo phong trào. Ngày 14-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp tại rừng Tân Hương, quyết định xây dựng đội du kích Bắc Sơn, thành lập Ban Chỉ huy do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu, xây dựng căn cứ du kích ở địa bàn thuộc các xã Ngư Viễn, Vũ Lăng thuộc Bắc Sơn.
Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940, Trung ương Đảng quyết định phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn mà mấu chốt là duy trì và phát triển đội du kích Bắc Sơn.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 14-2-1941, Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập trong một buổi lễ tổ chức tại khu rừng Khuổi Nọi thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Đội du kích vũ trang Bắc Sơn (Ảnh Tư liệu)
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941 chủ trương xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang để chuẩn bị thời cơ, đi từ “khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “mở đường cho một cuộc khởi nghĩa to lớn giành chính quyền trong cả nước”. Hội nghị chủ trương tổ chức “Việt Nam nhân dân cách mạng quân”, “võ trang dân chúng”, xây dựng các “tiểu tổ du kích”, “chiến thuật du kích”, định ra “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc” là một tổ chức quân sự rộng rãi của quần chúng có khả năng tiến hành chiến tranh du kích.
Sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đơn vị Du kích Bắc Sơn đổi tên là Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất, để làm nòng cốt phát triển lược lượng vũ trang và mở rộng căn cứ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trong cả nước. Trung đội gồm có 37 người được biên chế thành 3 tiểu đội. Ban chỉ huy trung đội gồm: Phùng Chí Kiên, ủy viên Trung ương Đảng - Chỉ huy trưởng, Lương Văn Tri - Chính trị viên, Chu Văn Tấn - Chỉ huy phó. Ngay sau khi thành lập, trung đội vừa tổ chức huấn luyện, vừa tham gia những hoạt động quân sự, nhằm bảo vệ căn cứ địa cách mạng và không ngừng phát triển lực lượng.
Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập với lực lượng nòng cốt là đội du kích Bắc Sơn, đặt nền móng cho sự ra đời của Cứu quốc quân II và Cứu quốc quân III, lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Đội du kích Bắc Sơn, dù phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách khốc liệt, nhưng cuối cùng nhờ tinh thần gan dạ, anh dũng của các chiến sĩ, nhờ sự giúp đỡ, che chở của nhân dân và quyết tâm của Đảng, đã được duy trì và trở thành một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng, đóng góp vào sự ra đời và trưởng thành của quân đội ta.
Tinh thần chủ động, linh hoạt và quyết tâm phát động khởi nghĩa của Đảng bộ địa phương
Ngày 25-9-1936, chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn được thành lập ở thôn MỏTát, xã Vũ Lăng. Qua phong trào đấu tranh cách mạng, cơ sở Đảng ở Bắc Sơn ngày càng được củng cố, mở rộng, uy tín và vai trò của chi bộ Đảng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và các vùng lân cận.
Đến tháng 5-1938, Châu uỷ Bắc Sơn được thành lập, các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kể từ đây, nhân dân các dân tộc Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lập nên nhiều thành tích và chiến công vang dội, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng ta dự đoán trước sau gì phát xít Nhật cũng vào Đông Dương.
Ngày 22-9-1940, quân đội Nhật vượt biên giới Việt-Trung tiến vào Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy. Các tri châu Điềm He, Na Sầm, Tràng Định đều chạy trốn. Trước tình hình đó, một số đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn về Bắc Sơn là các đồng chí Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún đã cùng đảng bộ địa phương nhóm họp. Đảng bộ phân tích tình hình bạc nhược của thực dân Pháp và chính quyền tay sai cũng như tình thế quân Nhật vứa chân ướt chân ráo tiến vào nước ta, chưa thể kiểm soát tình hình ngay được để từ đó quyết định phát động và lãnh đạo nhân dân địa phương khởi nghĩa, thành lập ban chỉ huy khởi nghĩa, tiến công đồn mỏ Nhài, tuyên bố xóa bỏ chính quyền đế quốc, đốt sổ sách giấy tờ của địch, phục kích các toán quân Pháp di chuyển trên các tuyến đường....
Xét trên phạm vi cả nước chưa có thời cơ cách mạng, nhưng xét trên phạm vi địa phương, đây là thời cơ hết sức thuận lợi cho Đảng bộ địa phương phát động cuộc đấu tranh nhằm vào chính quyền thực dân, phong kiến.
Đảng bộ địa phương đã phân tích tình hình một cách khoa học, chớp thời cơ nhạy bén, chủ động, linh hoạt và thể hiện quyết tâm cao trong việc phát động khởi nghĩa, mở ra một hình thức đấu tranh mới là khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Cơ sở thực tiễn để Trung ương Đảng bổ sung, hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc
Trước những biến chuyển của tình hình thế giới, trong nước, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 chỉ rõ: "Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dộc lập".
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940, Trung ương Đảng cho rằng “Cuộc khởi nghĩa báo hiệu một cao trào cách mạng sẽ tới. Đảng ta phải chuẩn bị để gánh lấy sứ mạng thiêng liêng, lãnh đạo nhân dân vũ trang bạo động giành lấy chính quyền, giành lấy tự do, độc lập, không thể bỏ lỡ cơ hội nghìn năm có một”.
Thực tế cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, sau đó là khởi nghĩa Nam Kỳ và binh biến Đô Lương là những cơ sở thực tiễn để Đảng hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, gương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tích cực xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị chờ đợi thời cơ thuận lợi cho cách mạng cả nước tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chứng minh đường lối đó hoàn toàn đúng đắn và khởi nghĩa Bắc Sơn tự hào đóng góp những kinh nghiệm về thực tiễn và lý luận cho đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng.
Khởi nghĩa Bắc Sơn đánh dấu sự chuyển hướng trong hình thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ đấu tranh chính trị tiến đến kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang và những kinh nghiệm sinh động của cuộc khởi nghĩa đã góp phần tạo ra khả năng cho một cuộc vận động cách mạng sôi nổi tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
Mít tinh kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn (Ảnh Báo Lạng Sơn)
Khởi nghĩa Bắc Sơn để lại những kinh nghiệm quý báu cho sự lãnh đạo của Đảng
Đó là kinh nghiệm phải chuẩn bị thật đầy đủ và chu đáo cho cuộc khởi nghĩa, dự báo tình hình, định hướng sự phát triển của phong trào cách mạng, tránh rơi vào thế bế tắc. Tuy chớp được thời cơ và giành những thắng lợi đầu tiên như chiếm đồn Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn nhưng do chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho nên ta chưa thành lập được chính quyền cách mạng và phát huy được thắng lợi của cuộc khởi nghĩa nên địch nhanh chóng đàn áp cuộc khởi nghĩa, lập lại chính quyền tay sai.
Đó là kinh nghiệm phải luôn luôn nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, luôn đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh chủ quan, khinh địch. Đối với một kẻ thù lắm mưu mô xảo quyệt, nhiều kinh nghiệm đàn áp phong trào cách mạng như thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai thì những sơ hở chủ quan của ta là cơ hội cho địch tập trung lực lượng đánh úp ta, đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Những kinh nghiệm nói trên có ý nghĩa hết sức quý báu đối với Đảng bộ Bắc Sơn nói riêng và Đảng ta nói chung trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ chính quyền, kháng chiến, kiến quốc về sau. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Đảng ta đã biết khắc phục những hạn chế và phát huy những ưu điểm của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.
Khởi nghĩa Bắc Sơn là tiếng súng đầu tiên báo hiệu cao trào cách mạng giải phóng dân tộc
Từ sau cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào cách mạng Việt Nam bị dìm trong biển máu và bị đàn áp khốc liệt, lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.
Đến giai đoạn 1936-1939, trước tình hình thuận lợi do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp đem lại, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi với cao tráo đấu tranh dân chủ, nhất là ở địa bàn đô thị. Nhưng sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương quay lại siết chặt các quyền tự do dân chủ, Đảng chuyển hướng vào hoạt động bí mật, phong trào cách mạng lại tạm thời lắng xuống.
Tuy nhiên, phong trào lắng xuống chưa được bao lâu thì nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Lúc này, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng đang có những chuyển hướng và thay đổi hết sức quan trọng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận định“Riêng mấy tháng cuối năm 1940 và đầu năm 1941 ấy, những tia sét của cao trào cách mạng đã lóe sáng ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương. Kẻ thù khủng bố ác liệt, lực lượng ta bị sứt mẻ, nhưng lửa vẫn âm ỷ cháy không gì dập tắt được”.
Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cho thấy tinh thần đấu tranh luôn âm ỷ cháy trong lòng nhân dân ta dưới ách áp bức của thực dân, đế quốc, chỉ chờ cơ hội là bùng phát mạnh mẽ.
Cùng với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và binh biến Đô Lương, khởi nghĩa Bắc Sơn biểu hiện tinh thấn đấu tranh quật khởi của nhân dân ta trên khắp ba miền đất nước và đó là những “tiếng súng” mở đầu cho một giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc- chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân, lật đổ ách cai trị của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa.
Bình Thi