Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ngày 23-11-1940 và nhanh chóng bị đàn áp, dẫn đến thất bại. Vào thời điểm hiện nay, khi 80 năm đã qua kể từ khi diễn ra cuộc khởi nghĩa đó, nhìn nhận giá trị của nó như thế nào, nghĩa là nó có ích gì không cho hiện tại? Lịch sử là một chuỗi các bài học kế tiếp nhau. Chắc chắn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cho chúng ta nhiều giá trị khi đất nước đang đi trên con đường đổi mới vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ được viết trong các sách giáo khoa cũng như được phản ảnh lại ở các công trình nghiên cứu khoa học khác đều đưa lại thông tin thống nhất, đó là cuộc khởi nghĩa này nổ ra khi các điều kiện chưa được chín muồi, tức là thời cơ cho cuộc khởi nghĩa vũ trang chưa xuất hiện.
Điều này không sai.
Nhưng, trong lịch sử cách mạng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có nhiều cuộc đấu tranh liệu phải chờ đến thời điểm chín muồi rồi mới nổ ra? Thực tế trả lời: Không phải như vậy! Các cuộc đấu tranh vẫn cứ diễn ra, như chúng cần phải thế, mặc dù bộ phận lãnh đạo có khi đã biết được hoàn cảnh chưa đủ điều kiện, hoặc là cuộc khởi nghĩa cứ diễn ra mà không có cách gì ngăn cản được theo kiểu "có áp bức thì có đấu tranh", "tức nước vỡ bờ". Trước đó, ở thế kỷ XIX, Công xã Pari năm 1871, một Pari công nhân với khí thế xông lên chọc trời, một cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới diễn ra trong điều kiện cũng như vậy. Ở Việt Nam, cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh xét cho đến cùng, nổ ra cũng chưa đủ điều kiện. Một loạt các cuộc đấu tranh khác cũng thế. Đó là khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940), rồi cuộc Binh biến Đô Lương (1-1941), mà chúng nằm trong một "bộ ba" sát với cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Bộ ba: Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ, Binh biến Đô Lương), đã thể hiện tinh thần đấu tranh rất anh dũng của nhân dân Việt Nam, mặc dù những cuộc đấu tranh đó không cân sức.
Tuy cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra chưa trong điều kiện chưa chín muồi, làm cho lực lượng cách mạng bị tổn thất lớn, song những giá trị của nó vượt lên trên tầm của khu vực, không đơn thuần là của một bộ phận mà nó hợp thành bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ lịch sử hào hùng, oanh liệt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một, nó chứng tỏ sự vận hành một cách mạnh mẽ, không gì ngăn cản nổi, của một quy luật vận động của xã hội bị áp bức, một xã hội bị các thế lực ngoại bang cùng bè lũ tay sai nắm quyền. Khi càng bị áp bức, càng bị đè nén thì sức vùng lên của nhân dân càng trở nên mạnh mẽ hơn. Sự dồn nén đó như chiếc lò xo chỉ chờ dịp là bùng lên.
Năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Chính phủ của lực lượng Mặt trận Bình dân ở Pháp đổ. Chính phủ phản động lên thay. Đông Dương bị cuốn theo tình hình đó. Thực dân Pháp gia tăng sự đàn áp các phong trào cách mạng và yêu nước ở Đông Dương. Thời kỳ đấu tranh công khai, nửa công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, thời kỳ của mặt trận dân chủ Đông Dương bị chấm dứt. Trong khi đó, tháng 9 năm 1940, quân phát xít Nhật Bản tràn vào Đông Dương, khoác lên cổ nhân dân Việt Nam một cái tròng nữa thành "một cổ hai tròng". Một tình thế xã hội nghẹt thở. Nhiều chính sách phản động, hà khắc được từ thực dân Pháp ban hành và nhanh chóng thực thi. Ách áp bức của phát xít Nhật lại chồng lên ách cai trị hà khắc của thực dân Pháp làm cho xã hội Việt Nam lúc này ở vào tình trạng căng thẳng tột cùng. Đó là sự căng nén trong xã hội Việt Nam nói riêng, ở Đông Dương nói chung mà Nam Kỳ lúc này là một trong những địa bàn điển hình của sự căng nén đó.
Một biểu hiện của tình hình khắc nghiệt trong xã hội nữa là, sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 không lâu, các ủy viên Trung ương Đảng và nhiều cán bộ chủ chốt, kể cả Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai, v.v. bị địch bắt. Phát xít Nhật Bản gây sức ép với thực dân Pháp đóng cửa biên giới Việt-Trung, đặt nền kinh tế Đông Dương vào vòng cương tỏa của kinh tế Nhật. Một giọt nước làm tràn ly là quân Pháp huy động lực lượng quân sự, chủ yếu là binh lính người Việt ra biên giới chống quân Xiêm khi quân Xiêm, theo sự xúi dục của phát xít Nhật Bản, tiến công vùng biên giới Cao Miên và Ai Lao. Thực chất binh lính Việt Nam bị đưa ra làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Sự phản kháng trong xã hội đã lên tới cực điểm.
Hai, Nam Kỳ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những quyết định đúng đắn của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939. Đây là Hội nghị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược ở tầm Trung ương Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Tín hiệu mạnh nhất của Hội nghị Trung ương Đảng phát đi từ đất Bà Điểm (huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nay là thành phố Hồ Chí Minh) là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, lập mặt trận dân tộc thống nhất phản đế thay cho mặt trận dân chủ. Tinh thần này đã đặt cơ sở cho Xứ ủy Nam Kỳ soạn thảo Đề cương Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó đặt nhiệm vụ khởi nghĩa vũ trang vào chương trình nghị sự của hành động. Chủ trương đó trong bản Đề cương được Xứ ủy Nam Kỳ thảo luận nhiều lần và được thông qua tại Hội nghị Xứ ủy từ ngày 21-7-1940 đến ngày 27-7-1940 (Lúc này gọi là Khoáng đại hội nghị toàn xứ). Điều này chứng tỏ ảnh hưởng to lớn của Đảng cũng như năng lực nắm bắt tình hình và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong quần chúng nhân dân.
Ba, khi cuộc khởi nghĩa đã nổ ra rồi, tuy nổ ra không đúng thời cơ, chưa có điều kiện chín muồi, thì thái độ của những người cách mạng là phải ủng hộ nó, thậm chí cần trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh đó. Cần học tập tinh thần của Các Mác đối với Công xã Pari năm 1871. Các Mác đã thấy được tính chưa có đủ điều kiện của cuộc cách mạng vô sản này ở Pari, nhưng khi không thể ngăn cản được, cuộc cách mạng ấy vẫn nổ ra. Các Mác đã ra sức ủng hộ cuộc cách mạng đó, và bắt tay vào tổng kết kinh nghiệm khi cuộc cách mạng diễn ra, làm cơ sở để bổ sung, phát triển học thuyết cách mạng vô sản của mình. Đối với Hồ Chí Minh sau này cũng thế. Từ ngoài nước, khi Xô viết Nghệ-Tĩnh nổ ra, Người cũng đã nhìn thấy rõ tương quan lực lượng không có lợi cho cách mạng và không có gì ngăn cản được. Đã nổ ra rồi, thì Hồ Chí Minh đã ủng hộ, điều này thể hiện trong nhiều bài viết của Hồ Chí Minh lúc đó được đăng trên một số báo, tạp chí của Quốc tế Cộng sản.
Khởi nghĩa Nam Kỳ, thêm một tín hiệu cho sự quật khởi làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940 là bài học cho sự lãnh đạo của Đảng. Và, một trong những giá trị lớn nhất là nó góp phần thổi bùng cao trào kháng Nhật, cứu nước, tạo ra tình thế và thời cơ cách mạng về sau. Cuộc cách mạng Tháng Tám có được tạo khí thế mạnh mẽ từ các cuộc đấu tranh trước đó, trong đó đặc biệt là từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, để đúc thành khối quật khởi giành lấy chính quyền. Đúng như lời văn trong trong Sắc lệnh số 163/SL ngày 14-4-1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Huân chương Quân công Hạng Nhất cho "Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ": Khởi nghĩa này "là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương"[1]
Những chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, tỉnh Gia Định, tháng 11/1940. Trong ảnh từ trái sang phải:
Lê Hồng Cờ, Nguyễn Oắng, Bùi Văn Xòm, Trịnh Thị Múng, Lê Văn Chiếu, Phát, Võ Văn Soi, Hoa, Hà Hạnh Phúc (Ảnh tư liệu Bảo tàng lịch sử quốc gia).
Sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam đã ở vào thời kỳ mới, sau 80 năm năm kể từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đất nước đã tiến hành đổi mới được 30 năm, kể từ mốc thời gian Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12 năm 1986. Giá trị của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn đi cùng năm tháng trong hành trang đổi mới đất nước vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo.
1. Khởi nghĩa Nam Kỳ cho chúng ta suy nghĩ về năng lực nhận thức tình hình của Đảng. Lòng nhiệt tình phải đi đôi với sự tính toán cẩn thận, đặc biệt là đối với những vấn đề an ninh-quốc phòng. Nhận thức của một tổ chức chính trị phải đặt trên cơ sở tầm nhìn cụ thể ở địa phương kết hợp với tầm nhìn về toàn quốc và tầm nhìn trong khu vực và thế giới. Phải tính toán đủ các yếu tố chủ quan và khách quan.
Một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là bởi cuộc khởi nghĩa đó chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc. Cuộc khởi nghĩa nổ ra trên địa bàn rộng, mà lại đồng loạt tại hầu hết các tỉnh, thành phố từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Đó là ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Bến Tre, Tân An, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, và mạnh nhất là ở Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định), Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Vũng Liêm, Cái Ngang, Tam Bình (Vĩnh Long). Bấy nhiêu cũng là đã rộng lớn, lại được đông đảo nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Rồi ở một số vùng, cũng giống như kiểu ở Xô viết Nghệ-Tĩnh năm 1930-1931, nhiều vùng nông thôn lực lượng khởi nghĩa đã phá tan chính quyền của địch, lập chính quyền cách mạng. Nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ, vì cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra trong một vùng mà chưa có sự hưởng ứng của toàn quốc. Đó là chưa kể những hạn chế, sai sót khi chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa.
Thời, thế và lực của cách mạng Việt Nam hiện nay khác xa những năm 30-40 của thế kỷ XX, nhưng vẫn còn đó những hình thái của sự vận động. Sức mạnh của một lực lượng, dù to lớn đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ là sức mạnh của một bộ phận riêng lẻ nếu sức mạnh đó không được đặt vào tổng lực của cái thế gài nhau ở trong nước cũng như ở khu vực và trên thế giới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay cũng như thế. Việt Nam hiện đang đứng trước thời cơ lớn và thách thức lớn của sự phát triển. Sức mạnh để phát triển là sự hợp lực, sự tổng hợp từ sức mạnh của từng bộ phận hướng tới một véc tơ lực. Thời đại ngày nay càng chứng tỏ một cách rõ ràng nhất cho tình thế vừa hợp tác vừa đấu tranh, đặt sự phát triển của mỗi địa phương, vùng miền, của cả nước vào một thế chung nhất trong khu vực và thế giới. Sự cát cứ, địa phương chủ nghĩa trong bố trí cơ cấu đầu tư về mặt kinh tế sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, làm phân tán lực lượng và ngay điều này thôi thì cũng không thể chứa đựng khả năng phát triển nhanh và bền vững. Một nước Việt Nam đứng riêng lẻ theo nghĩa độc lập cực đoan (cô lập) thì sẽ thành một Việt Nam bị mất hết năng lực phát triển. Chính vì thế, Việt Nam hiện nay đã tạo được một sự hợp tác đa phương, đa dạng hóa, là bạn với tất cả các nước, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chưa bao giờ Việt Nam lại đạt được nhiều kết quả tốt trong quan hệ đối ngoại như lúc này. Việt Nam đã có quan hệ với khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sức mạnh đó đúng là sức mạnh từ sự kết hợp nội lực và ngoại lực, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế. Cuối năm 2015, Việt Nam cùng các nước ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng chung ASEAN. Việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cũng vậy, nó phải được đặt trong một tổng thể của các thế gài nhau trong một phạm vi rộng lớn.
2. Cách mạng là sự thử thách khắc nghiệt cho lòng trung thành với cách mạng, cho tinh thần đấu tranh vì lý tưởng của Đảng, vì sự phát triển của dân tộc. Gương sáng đấu tranh anh dũng, lòng quả cảm, khí tiết của cán bộ, đảng viên, nhất là của những cán bộ chủ chốt trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, là bất diệt. Đứng trước sự sống còn của Đảng, của vận mệnh Tổ quốc, những đảng viên, cán bộ, nhất là những ủy viên Trung ương Đảng, những Xứ ủy viên đã một lòng vì cách mạng, sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng bản thân mình cho độc lập, tự do, không hề run sợ trước kẻ thù.
Cách mạng là sự dấn thân. Ở đây, quyền lợi cá nhân nằm trong và chịu sự chi phối từ quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc. Trong cơ chế thị trường, sự thử thách ngặt nghèo đối với quyền lợi của cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt, không phải ở mũi tên hòn đạn mà nặng nhất là ở lợi ích. Sự đàn áp của kẻ thù đối với Khởi nghĩa Nam Kỳ là vô cùng khắc nghiệt. Một chiến dịch khủng bố trắng của địch đã làm cho hàng ngàn người chết. Chúng đã bắt hàng ngàn người đày ra Côn Đảo - địa ngục trần gian - và đày đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá. Hàng ngàn người bị tàn sát, thủ tiêu không qua xét xử. Chúng cho máy bay ném bom tàn sát cuộc khởi nghĩa. Đặc biệt là ngày 26-8-1941, địch đã xử bắn các chiến sĩ cách mạng, kể cả những cán bộ cách mạng của Đảng bị bắt trước đó vì chúng quy tất cả trách nhiệm vào việc lãnh đạo và tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đó là Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…
Tuy lợi ích cá nhân không phải bị thử thách như thời kỳ của khởi nghĩa vũ trang như Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng thử thách vẫn không mất đi tính khắc nghiệt của nó. Những cán bộ, đảng viên phải là những "hạt gạo cội", đứng mũi chịu sào, tiên phong xung trận, biết và chịu hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho Đảng. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới cần lắm đội ngũ của những cán bộ tận tâm tận lực với Đảng, biết từ bỏ lợi ích cá nhân của mình khi xét thấy lợi ích cá nhân của mình không phù hợp với lợi ích chung của Đảng, của Tổ quốc.
3. Giá trị của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cho thấy một vấn đề nữa rằng, cách mạng đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay phải là một Đảng mang trong lòng mình vừa cả trí và dũng, tức là vừa phải có phẩm chất và vừa phải có năng lực, vừa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa phải có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Điều này phải thể hiện ở trong đường lối, chủ trương phải đúng đắn, trong cách lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương đó. Cách mạng đòi hỏi Đảng cầm quyền phải có trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân, và thậm chí phải có trách nhiệm trước cả sự tiến bộ xã hội trên thế giới nữa. Chúng ta không quy trách nhiệm gây ra tổn thất lực lượng cách mạng trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cho Xứ ủy Nam Kỳ, cho những cán bộ chủ chốt thời đó. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám nổ ra trong vòng khoảng hai tuần lễ về cơ bản không đổ máu là kết quả của nhiều yếu tố đưa lại. Song, sự đổ máu của các cuộc đấu tranh trước đó, từ các phong trào đấu tranh yêu nước trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt sự đổ máu của cuộc "tổng diễn tập lần thứ nhất", tức là cao trào cách mạng 1930-1931, của sự khôi phục phong trào 1932-1935, của cao trào cách mạng 1936-1939 - cuộc "tổng diễn tập lần thứ hai" - đã góp phần làm cho sự không đổ máu của hai tuần lễ Tổng khởi nghĩa. Máu của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã đóng góp xứng đáng cho sự ra hoa, kết trái của Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp cách mạng về sau.
Sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, về giá trị của tiến trình đi lên trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để đạt mục tiêu chủ nghĩa cộng sản nêu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng khi thành lập đầu năm 1930, có cả từ giá trị của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Với ý nghĩa đó, tinh thần và giá trị của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ sống mãi trong các bước phát triển của dân tộc Việt Nam và là chúng kết thành những viên ngọc quý trong kho tàng các giá trị làm nên sức sống của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Lê Miên
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.7, tr.109.