Câu chuyện này đáng lẽ không nên nhắc lại nữa nhưng rồi lại vẫn phải nhắc lại bởi nó vẫn còn nóng trên mạng xã hội và có lẽ nó sẽ còn tiếp tục đầu độc không ít người, nhất là giới trẻ. Mỗi khi chúng ta tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người có công với nước, nhắc lại câu chuyện này tưởng cũng không thừa
Tên tuổi Võ Thị Sáu đã trở thành bất tử
Trên internet hiện vẫn còn đó video-clip với sự có mặt của một số trí thức, văn nghệ sĩ xuyên tạc về nữ Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Họ cho rằng Võ Thị Sáu bị điên (!?). Bởi chỉ có người bị điên mới không biết gì về tính mạng của mình bị đe dọa cả nên khi ra pháp trường vẫn hái bông hoa dại dọc đường cài lên mái tóc (!?). Câu chuyện tưởng cũng đã mấy năm có lẽ không còn ai nhớ nữa. Nhưng không! Nó trở thành câu chuyện để cho những người không có thiện chí mang ra đùa cợt lúc “trà dư, tửu hậu”. Nếu như vậy thì cũng chẳng sao, đằng này, nó đã làm cho một số người, nhất là những người nhẹ dạ, cả tin đã ngay lập tức tin vào những thông tin xuyên tạc ấy.
Nếu như trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều phát ngôn: “Kiều rằng: những đấng tài hoa/ Thác là thể phách còn là tinh anh” thì Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu chính là một con người như vậy. Những con người đã đem chính thân mình hiến cho Tổ quốc như Võ Thị Sáu mãi mãi là những bậc anh hùng, họ chính là những người mà “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Những người anh hùng như liệt sĩ Võ Thị Sáu và biết bao anh hùng liệt sĩ của đất nước và dân tộc sẽ muôn đời được tôn vinh, tưởng nhớ, sẽ sống mãi trong tâm khảm, trong lòng kính trọng của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bị thực dân Pháp xử bắn ngày 23/01/1952 tại Côn Đảo, năm 1993, Liệt sĩ Võ Thị Sáu được Chủ tịch Lê Đức Anh thay mặt Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bao nhiêu năm qua, cái tên Võ Thị Sáu đã trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm vô song và khí phách hiên ngang trước kẻ thù, trước cái chết.
Hình tượng Anh hùng Võ Thị Sáu trong một tác phẩm điện ảnh
Nếu chị Võ Thị Sáu bị điên (!?)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan trong bài viết “Không được xúc phạm liệt nữ Võ Thị Sáu” cho biết những ai đã hoạt động cách mạng (hoặc hoạt động chống phá cách mạng) đều phải tuân thủ nguyên tắc gọi là 5 bước công tác tuần tự, đó là: Điều tra, tìm hiểu đối tượng; Tuyên truyền, giáo dục lý tưởng; Vận động, kết nạp vào tổ chức; Huấn luyện kỹ năng; Giao công tác cụ thể. Tác giả - là người hoạt động bí mật nội thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cho biết những ai được kết nạp ai vào tổ chức, hoạt động vũ trang bí mật ở vùng địch hậu càng phải tuân thủ triệt để 5 nguyên tắc này bởi nếu không sẽ phải trả giá đắt. Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan khẳng định rằng: “Nếu chị Sáu là một cô bé có biểu hiện tâm thần thì ngay trong bước đầu tiên (điều tra, tìm hiểu) đã bị tổ chức từ chối. Chị Sáu có mấy người anh ruột đã thoát ly, tham gia cách mạng. Chính họ đã giới thiệu và kết nạp chị Sáu vào tổ chức vũ trang. Có lẽ nào những ông anh ấy, biết em gái mình bị khùng điên mà lại kết nạp vào tổ chức và giao lựu đạn cho Sáu đi ném chỗ này chỗ khác? Một con bé khùng điên thì đừng nói làm cách mạng, đến chơi nhảy dây, nhảy lò cò cũng bị con nít cho ra rìa ngay”.
Đúng là như vậy! Chúng ta đều biết khi bị thực dân Pháp xử tử hình, chị Võ Thị sáu chưa đủ 18 tuổi. Nếu quả thật Nữ anh hùng Võ Thị Sáu “bị điên” thì tại sao thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn vẫn phải mở phiên tòa đại hình để xét xử và tuyên án tử hình một người chưa đủ 18 tuổi? Một đất nước luôn tự hào với câu khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” chả lẽ sợ một người con gái “bị điên” và chưa tới tuổi thành niên đến vậy hay sao? Cũng vậy, khi liệt sĩ Võ Thị Sáu bị thực dân Pháp xử tử hình, những người tù chính trị ở Côn Đảo đã nhiều lần bí mật lập bia cho chị với đầy đủ họ tên, quên quán, ngày mất và dù đã bị đập phá nhiều lần nhưng tấm bia mộ vẫn đã được giữ gìn cẩn thận tới ngày nay. Nếu Võ Thị Sáu là người điên thì những người lập bia, tôn tạo, bảo vệ mộ phần người nữ anh hùng suốt bao nhiêu năm, chẳng lẽ tất cả họ…đều điên (!).
Còn nói rằng “chỉ những người bị điên mới không sợ chết” thì lại càng sai. Trong lịch sử nhân loại, chuyện về những con người hy sinh vì nghĩa lớn, vì lý tưởng mà coi cái chết “nhẹ như lông hồng” là hiện tượng rất phổ biến. Ở Việt Nam, mọi người đều biết tới câu nói nổi tiếng của Trần Bình Trọng (1259-1285): “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”; và câu nói đầy khí phách của Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”...Đến Nguyễn Thái Học (1902 - 1930), ở tuổi 28 khi hiên ngang bước lên máy chém của chính quyền thực dân Pháp đã ngẩng cao đầu đọc bốn câu thơ tiếng Pháp: “Mourir pour sa patrie - C’est le sort le plus beau - Le plus digne... d’en vie...” (Chết vì tổ quốc - Chết vinh quang - Lòng ta sung sướng - Trí ta nhẹ nhàng...). Không chỉ thế, sau khi giơ tay chào mọi người với lời nhắn “Thế nào cách mạng cũng thành công”, Nguyễn Thái Học còn yêu cầu ông phải là người cuối cùng bước lên đoạn đầu đài để có dịp nhìn đủ 12 cái đầu của đồng chí mình rơi xuống. Và phu nhân của ông là Nguyễn Thị Giang - Cô Giang (1906 - 1930) cũng vậy. Sau khi đến tận nơi thực dân Pháp hành quyết chồng mình, bà trở về quê chồng ở Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lấy khẩu súng lục mà sinh thời Nguyễn Thái Học tặng bà, để tự bắn vào đầu. Cũng phải nhắc tới một đồng chí của Nguyễn Thái Học là Phó Đức Chính. Vì cũng muốn được nhìn đầu các đồng chí của mình rơi xuống, ông là người thứ 12 bước lên đoạn đầu đài trong buổi thực dân Pháp tử hình 13 lãnh tụ của khởi nghĩa Yên Bái. Phó Đức Chính còn giật băng bịt mắt và yêu cầu được nằm ngửa để xem máy chém rớt xuống như thế nào.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, biết bao chiến sỹ cộng sản trung kiên đã sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng trước khi lên máy chém vẫn cất tiếng gọi “Việt Nam” và hát “Quốc tế ca”, anh đã giữ vững ý chí chiến đấu đến phút cuối của đời mình. Ngày 28/8/1941, những chiến sĩ lỗi lạc là Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu,… đã ung dung đón nhận cái chết tại trường bắn Hóc Môn của quân thù, mà điều họ ân hận nhất là đại sự chưa thành, Tổ quốc và nhân dân vẫn bị đô hộ lầm than mà họ đã phải ra đi khi chưa đánh đuổi được quân xâm lược, quân cướp nước…
Mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo
Những xuyên tạc vẫn chỉ là…xuyên tạc
Để xuyên tạc về sự hi sinh của Võ Thị Sáu, người ta viện cớ cho rằng Võ Thị Sáu bị điên bởi khi ra pháp trường đã hái hoa cài lên mái tóc. Chỉ có người bị điên mới không sợ chết mà có hành động ấy. Trời ạ! Hình tượng Võ Thị Sáu ngắt hoa cài lên mái tóc không phải là lịch sử, đó là hình tượng văn học. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong “Bài thơ chị Võ Thị Sáu” đã viết những câu thơ: “Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đoá hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất/ Ngay trong phút hy sinh/ Bây giờ dưới gốc dương/ Chị nằm nghe biển hát”. Đó là hình tượng văn học, đó không phải là lịch sử. Chắc hẳn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã thi vị hóa sự hi sinh của Anh hùng Võ Thị Sáu để cho sự hi sinh ấy thật đẹp với người con gái chăng? Ai cũng biết rằng những tử tù “nguy hiểm” như Võ Thị Sáu thì ra pháp trường có nước chân cũng bị cùm và khiêng quẳng lên xe tù chứ làm sao có thể tung tăng hái hoa cài lên mái tóc. Có lẽ bởi hành động hiên ngang của Võ Thị Sáu trước họng súng quân thù nên nhà văn đã thi vị hóa, lãng mạn hóa cái chết của người con gái trẻ tuổi, vậy thôi.
Có lẽ nhân câu chuyện này cũng cần nhắc lại là hiện nay, việc dựa vào câu chữ của văn chương, nghệ thuật để xuyên tạc, bóp méo lịch sử hình như đang là “mốt”, là xu thế. Chẳng hạn về sự hi sinh của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hiện cũng bị bép méo bằng “mô típ” này. Chả là trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi”, nhà thơ Tố Hữu đã viết về sự hi sinh lẫm liệt của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi “Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ./ Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy./ Anh hãy còn hô: Việt Nam muôn năm!/ Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm”. Vin vào những câu thơ này, những người không có thiện ý vội vàng xuyên tạc khi cho rằng đó là “nói láo” bởi đã bị đạn bắn vào người gục xuống thì sao mà “thẳng dậy” rồi hô “Việt Nam muôn năm”… Thực ra hình ảnh Võ Thị Sáu ngắt hoa cài lên mái tóc hay Nguyễn Văn Trỗi gục xuống chỉ là trí tưởng tượng và sự thi vị hóa của văn học, nghệ thuật, đó là những hành động trong tâm tưởng. Lấy hình tượng văn học để phê phán, thậm chí so sánh với sự thật lịch sử để rồi lên tiếng phỉ báng thì quả là trật lất bởi nó không cùng hệ quy chiếu.
Đổi trắng thay đen để xuyên tạc lịch sử không phải điều hôm nay mới xảy ra, cũng không phải chuyện riêng ở Việt Nam mà đã có từ lâu và diễn ra ở nhiều nước. Yêu ai, ghét ai là quyền của mỗi người, yêu thích giai đoạn lịch sử này, không thỏa mãn với giai đoạn lịch sử khác cũng là quyền của mỗi người, nhưng xuyên tạc lịch sử, phỉ báng các hành động lịch sử đã từng diễn ra của con người là điều không thể chấp nhận. Hơn thế nữa, xuyên tạc, vu khống, nhẫn tâm lăng nhục một người anh hùng đã xả thân vì đất nước như chị Võ Thị Sáu càng là điều mà lương tâm, trí tuệ, danh dự cũng như đạo lý, phẩm giá con người đều không được phép. Bởi vậy, tác giả Trần Vọng Ngữ trong một bài viết trên “Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh” khẳng định rằng: “Tôi yêu cái gì của Xêda trả lại cho Xêda vì sự thật của chị Võ Thị Sáu là người anh hùng yêu nước, yêu dân tộc này, chị đã góp phần để còn có quê hương Việt Nam hôm nay và đến những muôn đời sau”.
Nhà văn, người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc Jiliut Phuxich trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” đã để lại lời nhắn nhủ thống thiết: “Hỡi nhân loại, ta yêu người, nhưng hãy cảnh giác”. Khi những người Anh hùng như liệt sĩ Võ Thị Sáu bị “bôi đen”, bị phỉ báng, bị xuyên tạc thì ngay từ lúc này, tất cả chúng ta, những người Việt Nam chân chính “hãy cảnh giác”. Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan trong bài viết “Không được xúc phạm liệt nữ Võ Thị Sáu” đã viết: “Nếu để các thế hệ con em chúng ta đánh mất lòng ái quốc thì sẽ có thể lại đối diện với nguy cơ mất nước. Sau cả trăm năm tranh đấu, nay đất nước đã đứng lên được rồi. Đừng mất cảnh giác để lọt vào quỹ đạo của thù trong giặc ngoài, không khéo đất nước lại phải…ngồi xuống một phen nữa đấy các bác ạ!”.
Phước Vĩnh