Về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, có quan điểm cho rằng đó là do có “khoảng trống quyền lực”.Vậy sự thật lịch sử là như thế nào? Sự luận giải của bài viết tham góp thêm một nguồn tư liệu để chúng ta có những nhìn nhận khách quan, thấu đáo hơn về thắng lợi vĩ đại đầu tiên của đất nước sau 15 năm có Đảng lãnh đạo
1. Trong Lời giới thiệu của cuốn Cách mạng Việt Nam năm 1945- Rudơven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một thế giới chiến tranh[1] nêu luận điểm: “… sự vắng mặt của người Pháp và quân Đồng minh, sự thiếu quyết đoán của người Nhật trong việc duy trì sự cai trị cho đến khi quân Đồng minh tới, và sự bất lực của giới quan lại cùng chính quyền của họ trong việc tự phục vụ quyền lợi của họ”[2] và “khoảng trống quyền lực sau sự đầu hàng của Nhật ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn… là chủ yếu trong bất cứ sự giải thích nào về cách mạng Việt Nam”[3]. Bởi thế, việc tạo ra khoảng trống quyền lực các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và đã “mời” Việt Minh giành chính quyền”[4]. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở những mức độ khác nhau, đã xuất hiện những luận điệu dựa vào quan điểm trên của Stein Tonesson - tác giả cuốn sách và của một số nhà nghiên cứu khác nói về khoảng trống quyền lực để đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, không đúng với sự thật lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, giá trị của Cách mạng tháng Tám.
Đội "Con nai"" chuẩn bị nhảy dù xuống căn cứ địa Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
2. Theo nghiên cứu của chúng tôi, không có khoảng trống quyền lực trong Cách mạng tháng Tám và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám không phải do có khoảng trống quyền lực vì:
Thứ nhất, khoảng trống quyền lực mà Stein Tonesson đề cập tới là sự thống trị của chính quyền thực dân tại Việt Nam
Thực tế lịch sử cho thấy khi Cách mạng tháng Tám diễn ra và thắng lợi, Việt Nam không thiếu vắng sự cai trị của chính quyền thực dân. Từ năm 1940, phát xít Nhật đã vào Việt Nam, từ đó nhân dân Việt Nam chịu sự thống trị của Pháp - Nhật. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm đảo chính lật đổ sự cai trị của thực dân Pháp và ngay lập tức đã thay Pháp cai trị Việt Nam, Đông Dương. Việc Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh hợp tác với quân đồng minh chống phát xít Nhật và được quân Đồng minh giúp đỡ từ tháng 4 đến tháng 8/1945 để đánh Nhật ở Việt Nam, Đông Dương là một minh chứng tiêu biểu. Điều này được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945): Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập![5].
Thứ hai, thời điểm Tháng 8/1945, ở Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh, còn có các lực lượng, đảng phái chính trị khác
Trong Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5/2010, nhà báo người Mỹ Lady Borton nêu quan điểm: “Khi nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền, các lực lượng chính trị và quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình”[6]. Đó là sự tồn tại của vua Bảo Đại với nội các Trần Trọng Kim[7] (gồm 10 bộ) - một bộ máy chính quyền do người Nhật lập ra sau khi Nhật đảo chính Pháp với sự góp mặt của nhiều nhân vật trí thức Việt Nam, từng có ảnh hưởng, uy tín trong nhân dân. Bên cạnh đó, dù rằng Nhật Hoàng Horohito đã tuyên bố đầu hàng Đồng minh từ ngày 15/8/1945, nhưng thực tế quân Nhật ở Việt Nam vẫn chưa nhận được lệnh đầu hàng và vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát an ninh. Theo ông Lê Trọng Nghĩa[8] “… phải đến ngày 21, tập đoàn quân 38 của Nhật với hơn một vạn quân đóng giữ vùng quanh Hà Nội mới nhận được lệnh ngừng bắn. Vì vậy, trước đó, trong những ngày 17, 18, 19, quân đội Nhật vẫn có đủ lý do để nổ súng can thiệp, hoặc để tự vệ, hoặc để giữ an ninh… mà họ chịu trách nhiệm cho đến khi quân đội Đồng minh đến tiếp quản”[9].
Mặt khác, phía Nhật còn thực hiện một cuộc “dàn xếp thoả hiệp”, cho người vào gặp Bảo Đại và Trần Trọng Kim với ý định quân đội Nhật còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi quân Đồng Minh đến thay và nếu Chính phủ Việt Nam công nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật có thể giữ trật tự. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình là không thể cứu vãn nên Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã khước từ lời đề nghị của quân Nhật[10]. Cùng với đó, trên chiến trường, số lượng quân chính quy Nhật còn khoảng 90.000, gây nhiều khó khăn cho cách mạng như ở Thái Nguyên, từ ngày 16-24/8, quân Nhật vẫn kiên quyết kháng cự, ở Hà Nội ngày 17, 18/8/1945, vẫn có xe tăng, các đơn vị quân Nhật bố trí ở nhiều vị trí trung tâm thành phố với tâm thế sẵn sàng nổ súng chiến đấu...
Ngoài ra còn các lực lượng, đảng phái từng thân Pháp hay hoạt động dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, không ủng hộ Mặt trận Việt Minh… cũng tìm cơ hội, thời cơ chống phá cách mạng.
Cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của quá trình 15 năm Đảng lãnh đạo nhân dân kiên cường đấu tranh, chuẩn bị mọi điều kiện cho cách mạng
Ngay khi thành lập (1930), Đảng xác định rõ con đường, nhiệm vụ, tính chất của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, Đảng dứt khoát đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và tập trung chuẩn bị mọi điều kiện cho công cuộc giải phóng đất nước. Đó là xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, nhận định thời cơ, kịp thời hoạch định đường lối, sách lược phù hợp với thực tiễn cách mạng trong từng thời điểm… Đây là điểm khác biệt của Đảng, Mặt trận Việt Minh đối với các lực lượng, đảng phái chính trị khác khi đó. Bởi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các lực lượng, đảng phái chính trị khác nhau ở Việt Nam, các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới (ở Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á) đều có chung cơ hội khách quan như nhau. Song, ở Việt Nam, tháng Tám năm 1945 chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trở thành một trong số rất ít quốc gia có Cách mạng tháng Tám và giành được độc lập[11].
3. Trong nghiên cứu của tác giả William. J. Duiker về Cách mạng tháng Tám có nêu: “…chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người Cộng sản. Họ đã có thể chớp lấy thời cơ được mở ra vô cùng thuận lợi vào lúc kết thúc cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương. Ở các xứ thuộc địa khác, khoảng trống có thể được lấp đầy bởi lực lượng dân tộc chủ nghĩa không Cộng sản. Nhưng ở Việt Nam, các phần tử dân tộc chủ nghĩa đã không thể đứng lên chấp nhận thách thức… Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới là quan trọng”[12]. Đánh giá trên minh chứng thêm cho việc có hay không khoảng trống quyền lực đối với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả sự hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, trái ngọt của quá trình 15 năm Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện, đánh đổi cả bằng xương máu của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam, chứ không phải là một thắng lợi ngẫu nhiên như một sự “ăn may” hay nhờ có một khoảng trống quyền lực nào đó mang lại. Thắng lợi đó khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, vai trò lãnh tụ của Hồ Chí Minh và niềm tin của nhân dân với Đảng, lãnh tụ cũng như khát vọng độc lập của toàn dân tộc. Đồng thời khẳng định vai trò quyết định của sức mạnh nội lực, có nội lực đủ mạnh thì khi thời cơ đến mới đón nhận được và thành công. Đây cũng là bài học, kinh nghiệm vẫn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đúng như Hồ Chí Minh nói: “… thắng lợi của cách mạng phụ thuộc vào lực lượng của nhân dân. Cá nhân sẽ không làm nên chuyện gì nếu không có nhân dân”[13]. Tư tưởng ấy hoàn toàn đúng đắn, thể hiện đúng nhân cách, trí tuệ của Hồ Chí Minh, bản lĩnh của Đảng và vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân.
[1]Đây là một công trình nghiên cứu khá công phu của tác giả về cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhà Việt Nam học người Na uy Stein Tonesson. Xem: Tonnesson, Stein, The Vietnamese Revolurion of 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh and de Gaulle in a World at War, PRIO, Oslo, 1991
[2] Tonnesson, Stein, sđd, p.6
[3] Tonnesson, Stein, sđd, p.412
[4] Tonnesson, Stein, sđd, p.415
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.436
[6] Ngô Vương Anh, 67 năm Cách mạng tháng Tám: Về khoảng “chân không chính trị” tháng 8/1945, Báo Thanh Niên điện tử, ngày 20/8/2012. Link: https://thanhnien.vn/van-hoa/67-nam-cach-mang-thang-8-ve-khoang-chan-khong-chinh-tri-thang-81945-58042.html.
[7] Chính phủ Trần Trọng Kim tồn tại từ ngày 17/4 /1945 đến ngày 25 /8/1945
[8] Nguyên Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ, người trực tiếp đi gặp đại sứ Nhật Tsukamoto tối 19/8/1945
[9] Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu, Nxb. Lao động, Hà Nội,1999, tr.338, 334
[10] Trần Trọng Kim: Một cơn gió bụi, Nxb. Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 93-94.
[11] Tháng 8/1945, cùng với Việt Nam, có Indonesia cũng tuyên bố độc lập (17/8/1945).
[12] Duiker, William J., sđd, p.100-101
[13] Hoàng Quốc Việt: Đường Bác Hồ chúng ta đi, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1990, tr. 93