Cồng chiêng, loại nhạc cụ cổ xưa mang diện mạo văn hóa của cộng đồng, bao đời lấp lánh giá trị như viên ngọc quý giá của vùng đại ngàn đất đỏ bazan. Giữ được không gian văn hóa cồng chiêng chính là giữ được mạch nước ngầm, lan tỏa và nuôi nấng bền vững những giá trị văn hóa cốt lõi ở Tây Nguyên.
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Tuyên giáo
Theo nhiều nhà nghiên cứu cổ sử và âm nhạc thì cồng chiêng có từ rất sớm. Căn cứ hình ảnh trên những chiếc trống đồng Đông Sơn thì loại nhạc cụ này ít nhất cũng có tuổi đời trên 2000 năm. Tính về niên đại, cồng chiêng chỉ xếp sau đàn đá. Cũng là điều dễ hiểu, ở vào thời chưa có kim khí, người ta đã nhận ra tiếng gõ từ các thanh đá khác nhau có thể tạo ra chuỗi âm thành hình thành giai điệu. Đến khi người ta tìm ra kim loại, biết sử dụng chúng thì cồng chiêng ra đời.
Vậy đàn đá hay cồng chiêng hay nói chung các loại nhạc cụ hình thành từ đâu? Theo nhiều nhà nghiên cứu, có thể bắt đầu từ những tiếng động để xua đuổi thú dữ đe dọa cuộc sống của người nguyên thủy. Có thể bắt đầu từ nhu cầu giải trí khi con người đủ ăn, đủ mặc. Cũng có thể bắt đầu bằng những nghi lễ tôn giáo, khi con người còn mông muội, có niềm tin tâm linh vào thế giới vô hình. Cho dù nguồn gốc ra đời bằng cách nào thì các loại nhạc cụ cổ xưa trong đó có cồng chiêng mang diện mạo văn hóa của cộng đồng, của xã hội thời kỳ đó. Xuyên theo thời gian, cồng chiêng phát triển theo cộng đồng các dân tộc, phát triển về điệu thức, kỹ năng biểu diễn…, trở thành một thiết chế, nghi thức biểu diễn văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên.
Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (Sau đó, năm 2008 được chuyển sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Như vậy, cồng chiêng là một bộ phận cấu thành “không gian văn hóa cồng chiêng”. Vì vậy khi nói đến cồng chiêng với tư cách một loại nhạc cụ được công nhận kiệt tác văn hóa, chúng ta không nên hiểu máy móc cồng chiêng là loại nhạc cụ kim khí độc lập. Đi liền và không thể tách rời cồng chiêng là cả phức hợp không gian văn hóa bao gồm các nghi lễ (cúng chiêng), biểu diễn (người đánh cồng chiêng), các giai điệu (nội dung của các bài biểu diễn), địa điểm (buôn làng, rừng núi, sông suối), thành tố gắn kết (rượu cần, bếp lửa, trang phục)... Tổng hợp những yếu tố đã kể, cồng chiêng thực sự mang ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần, phản ánh diện mạo văn hóa độc đáo, riêng có của Tây Nguyên nói chung và mỗi dân tộc trên vùng đất cao nguyên này.
Nhiều người nói rằng âm thanh cồng chiêng đơn điệu. Xét về mặt thang âm, cồng chiêng không có nhiều “nốt”, mỗi chiếc cồng hoặc chiêng chỉ có một âm chính. Tuy nhiên, khi diễn tấu, tùy vào động tác tỳ, chập, gõ, vỗ… của đôi bàn tay mà người nghệ sĩ có thể tạo thêm âm phụ, âm kép. Chính điều này làm nên sự “đa âm” của dàn cồng chiêng khi trình diễn.
Nhưng trên hết, thưởng thức trình diễn cồng chiêng là phải “nghe” bằng mắt, “xem” bằng tai. Cồng chiêng chỉ tồn tại trong không gian văn hóa cồng chiêng thì khán giả phải “lắng nghe” những thanh âm từ chính không gian ấy. Hãy hình dung bóng cây nêu nghiêng ngả, ngọn lửa bập bùng, chiếc ghế kpan ấm áp hơi người, gió thổi qua dọc dài buôn làng, những chiếc lá rừng lang thang chân cột nhà dài… Tất thảy đều là thứ thanh âm vô hình cộng hưởng vào giai điệu cồng chiêng, khiến chúng như dòng chảy cuộc sống, thăm thẳm và miên man. Hay như màu sắc trang phục thổ cẩm của những chàng trai Ê Đê, cô gái M’Nông…, bước chân nhún nhảy vòng quanh bếp lửa, đôi mắt người đàn ông sáng lên trong bóng tối, đôi má người phụ nữ say men rượu cần hồng lên trong ánh lửa, tất cả là những “phụ gia” để người xem nghe được những tiếng thì thầm bí ẩn của con người và hơi thở đại ngàn hoang vắng xa xưa.
“Xem” bằng tai cũng vậy. Hãy lắng nghe trong từng thanh âm rộn rã hoặc day dứt của giai điệu cồng chiêng, lắng nghe thật kỹ, người nghe có thể nhìn thấy một đời sống đang hiện ra. Đó là những con suối róc rách đầu nguồn, dáng núi cao vời níu vào mây trắng, Đó là chiếc lao phóng ra từ đôi tay dũng mãnh của chàng dũng sĩ, là khung cửi lách cách đầy ắp những hoa văn đan nối vào nhau… Cũng là hình ảnh về một đời sống đó thôi nhưng là đời sống để lại dáng hình trong thanh âm, trong giai điệu đã được “mã hóa”. Nói như Giáo sư Trần Văn Khê, người có công lớn trong việc giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng ra với nhân loại: “Cồng chiêng Tây Nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… Cồng chiêng Tây Nguyên dính dáng đến dân tộc học sâu sắc”.
Rất nhiều nhà nghiên cứu viết về cồng chiêng. Dù chưa đến Tây Nguyên hoặc am hiểu về cồng chiêng, người ta vẫn có thể hiểu được cồng là loại có núm, chiêng thì không. Người ta có thể biết dàn cồng chiêng của mỗi dân tộc khác nhau ra sao, những giai điệu, khúc thức nào thì đi với nghi lễ nấy. Người ta cũng biết rất rõ rằng, với đồng bào Tây Nguyên, âm vang cồng chiêng sinh ra và chết đi cùng với họ. Từ âm thanh đầu tiên trong lễ “Thổi tai” đánh dấu con người gia nhập cộng đồng và được thần linh che chở cho đến khi về với thế giới “Atâu” đầy bóng tối vẫn là tiếng cồng chiêng đưa tiễn, chở che.
Hiểu chỉ là cảm giác của trí óc chạm vào tri thức. Còn để yêu lại là chuyện khác. Với Tây Nguyên, nói như một nhà dân tộc học nổi tiếng, hãy yêu đi rồi mới hiểu. Cồng chiêng cũng vậy, chưa cần hiểu nhiều, chưa cần hiểu sâu, hãy yêu đi rồi cánh cửa tâm hồn đồng bào Tây Nguyên sẽ mở ra và mời gọi.
Không gian văn hóa cồng chiêng ở đây thực sự là viên ngọc quý giá nếu không muốn nói là quý nhất. Cồng chiêng vương vấn hồn người vì sâu thẳm nó là cội nguồn đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên. Giữ được không gian văn hóa cồng chiêng chính là giữ được mạch nước ngầm, lan tỏa và nuôi nấng bền vững những giá trị văn hóa cốt lõi ở cao nguyên bazan, điều không dễ dàng trong một thế giới đang ngày càng văn minh, không khéo sẽ trượt dần đến chỗ hòa tan. Trong khi cái cần nhất để người ta nhận ra mình là ai không gì khác hơn “bản lai diện mục”, là căn cước văn hóa mà mình duy nhất sở hữu.
Triều Nguyễn