Sau 30 năm bôn ba, ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới Việt - Trung về nước để “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”. Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc đã trở thành một trong những dấu ấn quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân mới. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả thành công sự kiện này trong câu thơ "Kìa ! bóng Bác đang hôn lên hòn đất. Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai"
Hành trình trở về Tổ quốc
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện, với nguy cơ, thách thức lớn đối với vận mệnh các dân tộc Đông Dương. Tháng 9-1940, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn. Thực dân Pháp phản ứng yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Nhật và Pháp nhanh chóng câu kết, tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, đàn áp các hoạt động yêu nước của nhân dân, tiến hành vơ vét sức người, sức của để phục vụ chiến tranh. Với chính sách cai trị cực kỳ phản động của đế quốc Pháp – Nhật, nhân dân Việt Nam đã nổi dậy chống lại cả Nhật và Pháp. Cách mạng Đông Dương ngày càng phát triển theo chiều hướng có lợi, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra như khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, binh biến Đô Lương... Nhìn thấy sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tranh thủ thời cơ giành chính quyền.
Năm 1933, sau khi được trả lại tự do trong “vụ án” ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mátxcơva và được Quốc tế Cộng sản bố trí công việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, thuộc Trường Đại học Phương Đông.
Mùa đông năm 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Diên An (Trung Quốc) với nhiệm vụ đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương, qua đó tìm cách bắt liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong nước, tìm cơ hội trở về nước hoạt động.
Đầu năm 1940, với các bí danh “Hồ Quang”, “ông Trần”, Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) để bắt liên lạc với các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đang hoạt động tại đây, nhằm chuẩn bị điều kiện về nước. Lúc đầu, Người dự kiến trở về nước theo tuyến đường sắt Côn Minh nối với Lào Cai, nơi có nhiều gia đình công nhân người Việt Nam làm việc và sinh sống thành từng làng mà Người đã chứng kiến qua cuộc khảo sát do đồng chí Phùng Chí Kiên tháp tùng. Tuy nhiên, ý định trở về nước theo hướng này không thể thực hiện được, khi cầu Hồ Kiều - chiếc cầu lớn trên tuyến đường sắt Việt - Điền nối hai nước Việt Nam - Trung Quốc bị máy bay Nhật Bản đánh sập ngày 10-9-1940. Cửa khẩu lớn giữa hai nước bị đóng lại. Cuối cùng, Người quyết định về nước theo hướng Cao Bằng- nơi mà theo đánh giá của Người hội tụ đủ các yếu tố, các điều kiện để ươm mầm và phát triển cách mạng.
Cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đặt chân về quê hương sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước
Ngày 5-01-1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ Việt Nam sang Tĩnh Tây -Trung Quốc để báo cáo Nguyễn Ái Quốc kết quả chuẩn bị Hội nghị Trung ương. Đồng thời, đề nghị Người về nước qua Cao Bằng vì trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân dọc biên giới tương đối cao, cán bộ ở đây vững vàng, kiên định. Ngày 6-01-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên…được đồng chí Hoàng Sâm dẫn qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (Tĩnh Tây – Trung Quốc) để lập kế hoạch cụ thể, chuẩn bị cho việc về nước.
Sau khi nắm bắt tình hình, thời cơ đến, ngày 28-01-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt biên giới qua cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt cơ quan tại làng Pắc Bó để trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc; chuẩn bị mở hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về chủ trương cứu nước, giải phóng dân tộc. Xa rời Tổ quốc 30 năm, cuối cùng, Cao Bằng đã trở thành chỗ đứng chân đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc trở về nước. “Bao năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, Pác Pó trở nên đại bản doanh của chúng ta[1].
Nguyễn Ái Quốc về nước chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (5-1941), bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc
Ngay sau khi về nước, trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy sự cần kíp phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Với danh nghĩa đại diện của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, tại Khuổi Nậm, Pác Pó, Cao Bằng.
Hội nghị đã phân tích rõ tình hình thế giới và trong nước; trên cơ sở sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng được đề ra tại Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và Hội nghị Trung ương tháng 11-1940, Hội nghị lần này quyết định cần phải “thay đổi chiến lược”, phải xem nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương. Hội nghị khẳng định: Cách mạng Đông Dương không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền mà là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Vì vậy, “trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”[2]. Như vậy, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941 có một bước tiến mới trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, trong đó nhấn mạnh vấn đề dân tộc được đặt lên trên hết và trước hết.
Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Đông Dương và quyết định thành lập ở mỗi nước một Mặt trân riêng nhằm đề cao tinh thần dân tộc, sự chủ động, sáng tạo cách mạng của từng nước riêng lẻ trên toàn Đông Dương. Ở Việt Nam, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Đồng thời, Đảng và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập Đồng minh, Ai Lao độc lập Đồng minh. Đây là bước tiến trong việc giải quyết vấn đề dân tộc giữa các quốc gia dân tộc trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.
Hội nghị quyết định xúc tiến ngay công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ở giai đoạn hiện tại. Đảng chủ trương “phát huy tính tích cực, chủ động cách mạng, phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, để khi thời cơ đến, với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[3]. Đây chính là sự phát triển sáng tạo về phương thức khởi nghĩa vũ trang cách mạng trong điều kiện cụ thể ở nước thuộc địa.
Coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng. Hội nghị khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc,. Do vậy, phải chú trọng xây dựng Đảng “đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”[4].
Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941 đã bổ sung và hoàn chỉnh “chính sách mới của Đảng” được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939, khẳng định dứt khoát chủ trương “thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu[5]. Sự thay đổi căn bản nhận thức hiện thời của cách mạng Đông Dương chính là nguồn gốc, nền tảng để Đảng đặt ra những quyết sách lớn, dẫn đường cho dân tộc ta tiến lên giành thắng lợi. Sự thay đổi chiến lược cách mạng thực chất là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam đã được nêu ra trong Chánh cương, Sách lược vắn tắt từ đầu năm 1930, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển nhanh chóng. Thành công của Hội nghị cảng thấy rõ vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã cùng với các đồng chí lãnh đạo ưu tú của Đảng, từng bước “chuyển xoay vận nước”[6], giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Hang Cốc Bó trong quần thể Di tích lịch sử Pác Bó, nơi Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến giữa tháng 3 năm 1941
Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền
Ngay sau Hội nghị ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc xúc tiến xây dựng lực lượng mọi mặt, trước hết là xây dựng các đoàn thể Việt Minh trên toàn quốc. Ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư kêu gọi toàn dân phát huy tinh thần tự lực tự cường, đem sức ta tự giải phóng cho ta. Cũng tại Pác Bó - Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở lớp huấn luyện cán bộ, sáng lập và trực tiếp phụ trách báo Việt Nam độc lập; tham gia viết bài tuyên truyền trên bào Việt lập để động viên quần chúng nhân dân tham gia các tổ chức cứu quốc, trở thành vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc
Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình , Điều lệ với mục tiêu làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dân Việt Nam được hưởng sung sướng tự do. Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp sức mạnh quần chúng cả nước để đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Từ cuối năm 1941, ở Cao Bằng đã xuất hiện “Xã hoàn toàn”, “Tổng hoàn toàn” tham gia Việt Minh.
Cùng với việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, căn cứ địa Cao Bằng được thành lập, trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào trong nước cũng như tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài; tiếp tục củng cố và phát triển căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai.
Cùng với việc xây dựng, nhân rộng đoàn thể cứu quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang với những hình thức từ thấp đến cao, từ tự vệ đến tự vệ chiến đấu, tiến lên xây dựng tiểu tổ du kích và đội du kích tập trung. Tham gia huấn luyện chính trị và quân sự cho dọi du kích tập trung này. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ tháng 6 đến tháng 8-1941, Ðảng bộ Cao Bằng đã cử 70 cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài. Ðây là những hạt giống quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và khu giải phóng trong tổng khởi nghĩa. Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Người, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, đã tạo ra một cục diện mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng.
Có thể nói, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước đã kết thúc chặng đường dài sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, “tạo thời, lập thế”, đã đưa nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đem lại những mùa xuân cho dân tộc. Sự kiện lịch sử này cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài trong việc lựa chọn thời điểm, lựa chọn điểm đặt chân đầu tiên khi về Tổ quốc, để từ đó, tạo đà cho những hoạt động cách mạng có tính bước ngoặt, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cùng nhân dân đứng lên đấu tranh, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Hường Mỹ
[1] Đường Bác Hồ cứu nước, Nxb Thanh niên, H, 1995, tr 268-269
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.129
[3] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, quyển I (1930-1945), Nxb CTQG Sự thật, H, 2018, tr 521-522.
[4] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, quyển I (1930-1945), Sđd, tr 470.
[5] Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, quyển I (1930-1945), Sđd, tr 523.
[6] Phạm Xanh, Nguyễn Ái Quốc về nước cùng với Trung ương Đảng chuyển xoay vận nước, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1-2016