Hai là, về tuyển dụng cán bộ.
Tuyển dụng cán bộ (quan lại) là một khâu rất quan trọng, là khâu đầu tiên để có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ (quan lại) hoàn thành nhiệm vụ. Việc tuyển dụng quan lại của vua Lê Thánh Tông đề ra có rất nhiều điểm tốt phù hợp với công tác cán bộ hiện nay. Trong tuyển dụng quan lại nhà vua đề ra các quy định có tính nguyên tắc: không sử dụng kẻ nịnh thần, kẻ không làm được việc, kể cả là người thân.
Trong sắc dụ (năm 1463) cho các quan lại, nhà vua đã nhấn mạnh việc dùng người phải dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân. “Nghe Tư Mã Quang có nói rằng: Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn. Ta và các ngươi thề với trời đất dùng người quân tử bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ lãng quên”[1].
Dụ thượng thư Hộ bộ Nguyễn Cư Đạo rằng: “Ta lúc còn ít tuổi, làm bạn vơi ngươi, khi lên làm vua, ngươi làm quan Kinh diên. Nói về thần hạ thì ngươi đối với ta là bạn tri kỷ, là bạn học thức; nói về vua tôi thì ngươi đối với ta là duyên cá nước, là hội gió mây. Ngươi nên hết lòng hiệp sức, gắng sức báo đền ơn nước, chí công vô tư, ngăn lấp hối lộ. Được như thế thì ta được tiếng là vua biết người, ngươi được tiếng là tôi hết trung, vinh hiển cha mẹ, vẻ vang danh tiếng, rạng rỡ trong sử sách, nghĩ lại chẳng khoái lắm sao! Nếu không làm được như thế, thì ta là vừa không biết người, mà ngươi là tôi làm vì”[2].
Hiện nay, công tác tuyển dụng có nhiều tiến bộ, việc tuyển dụng cán bộ ngày càng đi vào nền nếp, Đảng và Chính phủ ban hành nhiều quy định cụ thể, tiêu chuẩn ngày càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, như Đảng nhận định vẫn còn nhiều hạn chế bất cập như: tuyển dụng người thân, bạn bè, hiện tượng chạy chọt xin việc, hạ thấp tiêu chuẩn, báo cáo gian dối việc thiếu biên chế cán bộ cơ quan… Vì vậy, công tác tuyển dụng cần có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn và phải có quy định, chế tài xử lý vi phạm một cách nghiêm minh đối với những cán bộ lãnh đạo chịu trách nhiệm, báo cáo gian dối. Bài học kinh nghiệm của người xưa là phải xét thiếu thì bổ sung, việc tuyển dụng phải qua sát hạch, nếu sát hạch chưa đúng thì phải sát hạch lại nếu người được tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn, sau khi tuyển dụng không làm được việc thì trị tội tất cả những người sát hạch. Chỉ xét đặc cách người tài thực sự. Người được tuyển dụng sau khi vào làm việc đều phải sát hạch lại “Sau 1 năm làm việc, cấp sự trung sáu khoa công đồng sát hạch, đem công việc đã làm tâu lên đợi chỉ. Người nào dùng được thì để lại, người nào không dùng được thì đổi bổ chức khác. Cấp sự trung sáu khoa xét không công bằng thì cho đô ngự sử sát hạch lại những việc đã làm, đều tâu lên đợi chỉ. Người nào dùng được thì để lại, người nào không dùng được thì đổi bổ chức khác. Nếu đô ngự sử xét hạch không công thì quan sáu khoa đem việc tâu hặc lên. Nếu bộ Lại chọn bổ không được người tốt hay Khoa Đài dung ẩn cho nhau, thì đều giao xét để trị tội cả”[3] và “Từ nay trở đi, các quan thủ lĩnh các nha môn phủ huyện châu bên ngoài có thăng bổ lên chức khác thì bộ Lại tư cho nha môn ấy xét kỹ người ấy quả thực là liêm khiết siêng năng làm được việc, việc công nơi trị nhậm không việc gì bỏ thiếu cả, thì mới được thăng lên chức khác”[4].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị về đổi mới công tác cán bộ (Ảnh TTXVN)
Ba là, về công tác luân chuyển cán bộ.
Công tác luân chuyển cán bộ được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm thực hiện thời gian qua; công tác luân chuyển đã dần đi vào nền nếp với các quy định rõ ràng cụ thể hơn; những cán bộ luân chuyển đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trong luân chuyển cán bộ hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập về thời gian luân chuyển cán bộ còn ngắn, chưa đủ để cán bộ bộc lộ phẩm chất, năng lực và đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ; việc đánh giá cán bộ do địa phương, cơ sở đánh giá, nên cán bộ nhiều khi để giữ mình sau thời gian luân chuyển trở về đơn vị, cơ quan cũ giữ nguyên vị trí hoặc thăng chức. Vì vậy, những cán bộ luân chuyển thường xuyên giữ im lặng không dám nêu ý kiến sợ trái ý kiến tập thể, chấp nhận sai theo tập thể.
Về luân chuyển quan lại, vua Lê Thánh Tông đã có chỉ dụ “Quan viên làm việc ở nơi biên viễn độc địa mà vỗ nuôi dân có phương pháp, thu thuế không nhiễu mà đủ, làm việc đầy 6 năm, thì cho đổi đi nơi tốt. Nếu thác ốm để tránh, nộp thuế thiếu nhiều thì lại bổ đi nơi biên viễn, đầy 6 năm mới được định đoạt lại…”[5]. Như vậy, luân chuyển cán bộ cần có những quy định cụ thể, có cơ chế để những cán bộ luân chuyển phát huy đc năng lực, sở trường của mình, dám nói, dám làm không sợ trù dập, sợ mất lòng tập thể; có hình thức xử lý những cán bộ luân chuyển không hoàn thành nhiệm vụ, không phát huy vai trò của mình, không dám nói, không dám làm; tập thể nơi cán bộ luân chuyển bị kỷ luật… bằng những hình thức, biện pháp cụ thể như: Không cho chuyển về cơ quan, đơn vị cũ, không được thăng chức, tiếp tục kéo dài thời gian luân chuyển và chuyển đến những nơi khó khăn để cán bộ luân chuyển có thể bộc lộ bản lĩnh.
Bốn là, về chính sách khen thường và xử lý cán bộ.
Một trong những di sản có giá trị to lớn cho hậu thế của vua Lê Thánh Tông là Bộ luật Hồng Đức. Theo vua Lê Thánh Tông, pháp luật là thượng tôn mọi người phải tuân theo kể cả nhà vua: “Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi phải cùng theo”[6]. Theo nhà vua, đối với việc dùng người phải có xử phạt công minh, có công thì thưởng, có tội thì phạt. “Trẫm nghe: nước mà không có thưởng phạt thì dù là Đường Ngu cũng không thể trị được thiên hạ”[7]. Việc xử phạt quan lại phạm tội cũng như thứ dân, không có sự phân biệt, năm 1468 nhà vua sắc dụ quan lại trong triều: “Xem như Trần Phong xin cho Lê Bô phạm tham tang phải tội kềnh[8] được chuộc tội, thế là người giàu nhiều của thì khỏi tội, người nghèo không có tiền thì chịu tội, dám làm trái phép của tổ tông lập ra để trị tội kẻ không biết răn chừa; vả lại, cho kẻ bị tội kềnh được chuộc là ơn riêng của triều đình thương người có tài. Lại dám làm uy làm phúc để hại nước. Đại lý tự phải chiểu luật trị tội”[9]. Theo quy định pháp luật mọi người từ dân đến quan kể cả nhà vua đều bình đẳng trước pháp luật, nghiêm cấm việc dùng tiền để thay thế tù tội của người có điều kiện.
Ngay cả việc quan lại đề cử không đúng người, người được đề cử phạm tội thì người đề cử cũng phải chịu tội. “Từ nay trở đi, quan các nha môn trong ngoài có khuyết, mà vâng lệnh bảo cử, người nào từng biết người nào, quả có tài năng kiến thức, thanh liêm, đáng bổ làm chức gì, thì các quan Khoa Đài công đồng biên chép, chữa sổ rõ ràng. Đến sau người được bảo cử hoặc có bỉ ổi tham nhũng, không làm nổi việc, làm quan không công trạng gì, thì tra xem viên quan nào đã bảo cử người bậy ấy, tâu hoặc tra xét”[10].
Tháng 6 năm 1481, vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ phải tinh gọn bộ máy quan lại cồng kềnh và kiên quyết điều trị tham nhũng. “Phàm quan viên nhiều quá, phí hại lương lộc, sáu khoa nên tra xét từ năm Quang Thuận thứ 2 đến nay, quan viên nào đã từng phạm các tội hối lộ mà đã nghị các tội biếm giáng, cùng là các tướng hiệu quản áp để thiếu ván thuyền, gỗ lạt, củi gạch các thứ, vụng trộm bắt quân nộp tiền, đến nỗi thiếu nhiều những thứ phải nộp, giá tiền từ 10 quan trở lên mà người ấy hãy còn tại chức, thì bắt phải thôi việc, để triệt những quan tham nhũng, cho bớt hưởng lộc”[11].
Có thể nói, công tác cán bộ là vấn đề được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật để nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa ngăn chặn được các khuyết điểm của công tác cán bộ, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ luôn được nhấn mạnh qua các kỳ đại hội, hội nghị, nhưng kết quả chưa thật sự được như mong muốn.
Để công tác cán bộ thật sự đổi mới Đảng và Nhà nước cần có những quy định, luật hóa những chính sách khen thưởng và xử lý cán bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu theo hướng vừa có quyền vừa có trách nhiệm, tránh việc tập thể quyết định xong không ai chịu trách nhiệm; cán bộ làm công tác tổ chức phải chịu trách nhiệm khi tham mưu không đúng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong công tác cán bộ.
Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cần phát huy những giá trị truyền thống, trong đó có những bài học về dùng người của cha ông để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ “nhiệm vụ then chốt” của công tác xây dựng Đảng, để Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.620-621.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.649.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.730.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.730.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.648.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.622.
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.646.
[8] Kềnh: Tội phải thích chữ vào mặt.
[9] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.650.
[10] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.701-702.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.693.