Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về dùng người của cha ông ta. Nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm đó vào công tác cán bộ hiện nay sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế
Bất kỳ dân tộc nào trong quá trình tồn tại của mình đều hình thành nên những truyền thống quý báu. Bản thân sức mạnh truyền thống của mỗi dân tộc không tự nhiên trở thành sức mạnh hiện thực, mà cần phải được nhận thức phát huy và vận dụng phù hợp trong thời đại mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân phải coi trọng và hiểu biết về truyền thống lịch sử dân tộc, Người nhắc nhở: “Bây giờ do cuộc chống Mỹ, cứu nước của ta có một vị trí rất lớn đối với thế giới, ta lại đánh thắng đế quốc Mỹ, nên ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm hiểu rất kỹ về Việt Nam. Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài”[1] và “Dân ta phải biết sử ta”.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống dân tộc, nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm dùng người của cha ông ta, trong đó có có kinh nghiệm dùng người của Vua Lê Thánh Tông vào công tác cán bộ hiện nay là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, triều vua Lê Thánh Tông được đánh giá là giai đoạn hưng thịnh nhất, nhà vua lên ngôi năm 1459, trong 38 năm trị vì, nhà vua đã ban hành nhiều chính sách cải cách về chính trị, kinh tế, văn hóa…, trong đó có những chính sách về đánh giá, tuyển chọn, sử dụng, luân chuyển và khen thưởng, xử lý vi phạm của quan lại mang tư tưởng rất tiến bộ, mở ra thời kỳ “vua sáng, tôi hiền”.
Sách Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục đã ghi lại nhận xét: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được”[2].
Được triều thần suy tôn lên ngôi vua sau khi dẹp loạn Nghi Dân, để củng cố vương triều, vua Lê Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách cải cách tiến bộ, trong đó, chính sách về quan lại được nhà vua thực hiện khá toàn diện để xây dựng bộ máy cai trị trung thành, thực thi chính sách hiệu lực, hiệu quả, những chính sách đó có ý nghĩa tham khảo đối với công tác cán bộ hiện nay.
Trong những năm qua, Đảng đã có nhiều chủ trương đổi mới công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là “nhiệm vụ then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, đã đem lại nhiều tiến bộ ở tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, công tác cán bộ nói chung và ở từng khâu nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đạt yêu cầu và mang lại hiệu quả như mong muốn. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ khuyết điểm, hạn chế ở từng khâu:
Về đánh giá cán bộ, Đảng cho rằng: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất”[3].
Về sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Đảng nhận thấy “Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín”[4] và “nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”[5].
Về chính sách và xử lý vi phạm cán bộ chưa thực hiện tốt: “Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc”[6] và “việc thi hành kỷ luật Đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm”[7].
Chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay
Để thực hiện tốt công tác cán bộ hiện nay, chúng ta có thể tham khảo bài học dùng người của vua Lê Thánh Tông vào các giải pháp đó là:
Một là, về công tác đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ
Công tác đánh giá cán bộ cần phải coi đây là khâu quan trọng hàng đầu, là tiền đề thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ, như vua Lê Thánh Tông đã khẳng định “Cách chấn chỉnh quan trường tất phải khảo công để xét rõ người hơn, người kém mà thăng giáng cho rõ ràng”. Năm 1498, vua Lê Thánh Tông ban hành thực thi chính sách đánh giá, sử dụng quan lại một cách quy củ, tiến bộ góp phần xây dựng bộ máy cai trị ổn định.
Năm 1488, vua Lê Thánh Tông cho ban hành Lệ khảo khóa với nội dụng cụ thể:
“1. Phép khảo khóa, 3 năm khảo đầu, 6 năm khảo lại, 9 năm khảo suốt, rồi mới làm việc thăng giáng.
2. Phàm các hoàng thần và con cháu các khai quốc công thần cùng là quan võ trước đã bổ quan sau có quân công, tại chức đủ hạn khảo được xứng chức, lệ được thăng lên nhất nhị phẩm, thì bộ Lại làm bản tâu lên xin chỉ, cho thăng như lệ. Nếu là con nhân dân từ trước làm quan, hoặc chân trắng vì chiến công được làm quan, tại chức đủ hạn khảo được xứng chức, lệ được thăng trật, thì chỉ cho thăng đến tam phẩm thôi, không được thăng lên nhất nhị phẩm.
3. Trong 9 năm đã lấy công khác được thăng trật, đến khi khảo suốt lại được xứng chức đáng được thăng đến nhị phẩm trở lên, thì bộ Lại làm bản tâu lên xin chỉ, còn từ tam phẩm trở xuống thì cứ theo lệ mà thi hành.
Quan các nha môn tại chức đủ 3 lần khảo thì khai đủ những công việc đã làm qua trong nhiệm kỳ, có phạm lỗi hay không, trình lên cho trưởng quan nha môn theo công bằng xét lại, tính bắt đầu từ ngày bổ nhiệm. Quan bổ thử đủ 3 năm được thực thụ thì cho là khảo lần đầu. Trong khi tại chức mà có phạm lỗi không được khảo khóa; cùng là người không có quân công mà đặc cách được thăng, thì từ sau khi phạm lỗi và đặc thăng ấy, lại định làm khảo lần đầu. Kể đủ người xứng chức, người bình thường, người không xứng chức, theo hạng mà định mức khảo khóa; lại khai rõ công việc đã làm qua, không có phạm lỗi, trình lên quan phụ trách nha môn xét lại, rồi gửi cho bộ Lại giữ để xét, đợi đủ 9 năm khảo suốt. Trưởng quan nha môn gửi lên đem tất cả công việc trước sau của viên ấy đã làm qua trong nhiệm kỳ về mỗi lần khảo và lời lẽ xét định. Tùy theo quan chức lớn nhỏ, hoặc gửi để tâu lên, hoặc gửi để lưu lại. Bộ Lại tham xét các lần khảo trước sau, tại nơi phiên hay giản, theo đúng như lệ, làm bản tâu lên để thi hành. Nha môn nào có kẻ gian dối, tự biên công năng, ẩn giấu tội phạm, quan phụ trách không biết kiểm xét ra, hay che giấu cho nhau, bộ Lại tra kỹ để tự xét hỏi. Nếu có người tài năng kỳ dị được chỉ đặc cách thăng bổ thì không câu nệ lệ này. Định lệnh quan lại thuyên thăng đổi giao cho nhau”[8].
Lệ khảo khóa quan lại dưới triều vua Lê Thánh Tông được xây dựng quy củ và thực hiện nghiêm minh công bằng đã có tác dụng củng cố bộ máy hành chính nhà nước, hạn chế sự tha hóa của đội ngũ quan lại. Trong Lệ khảo khóa, việc đánh giá quan lại được quy định một cách rõ ràng và thực hiện bằng xem xét, đánh giá một cách công bằng, quan lại, nha môn làm sai sẽ bị trị tội. Từ kinh nghiệm này có thể tham khảo trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay.
Xây dựng cơ chế, chính sách định kỳ kiểm tra, đánh giá, sát hạch cán bộ một cách công khai, minh bạch, tạo áp lực buộc cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, phấn đấu tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Các quy định trong đánh giá cán bộ phải đặt tiêu chí cụ thể, định lượng được để mọi cán bộ đứng trước tình thế luôn có nguy cơ sa thải nếu không “xứng chức” để họ phải thay đổi nếp nghĩ bấy lâu nay cho rằng khi đã vào cơ quan nhà nước thì cứ yên tâm suốt đời, lương bổng tăng theo định kỳ, giữ nếp “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Đề cao vai trò người đứng đầu trong đánh giá cán bộ, người đứng đầu phải có cái “tâm”, cái “tầm”; mục đích và động cơ của người đánh giá phải trong sáng, khách quan, dân chủ; “phê bình việc” chứ không “phê bình người”. Đánh giá cán bộ cần coi trọng yêu cầu hàng đầu là “lấy hiệu quả hoàn thành công việc làm thước đo phẩm chất và năng lực” và phải xem người cán bộ đó có thật sự được cán bộ cấp dưới yêu mến không và thực lòng yêu thương cán bộ cấp dưới không?
Công tác đánh giá cán bộ phải xem xét cả quá trình, xét kỹ toàn bộ công việc. Trong lệ khảo khóa đã chỉ rõ “trải qua đủ kỳ khảo khóa kỹ lưỡng rồi mới quyết định thăng hay giáng, khen hay chê”. Đối với cán bộ có tài năng, thành tích đặc biệt phải đặc cách xét đặc biệt. Để công tác đánh giá cán bộ thực chất, có hiệu quả, ngoài việc có các quy định, tiêu chí rõ ràng đối với cán bộ, cần có quy định trách nhiệm của người đánh giá, bảo đảm nguyên tắc quyền đi đôi trách nhiệm, vua Lê Thánh Tông từng chỉ dụ “Những viên quan đánh giá người hay, kẻ dở sai sự thật thì phải bị trừng trị”.
(Còn tiếp)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 671.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2013, tr.610
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chhinsh trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.196.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc XIII, Sđd, tr.196.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc XIII, Sđd tr.197.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đaiị biểu toàn quốc XIII, Sđd, tr.196.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc XIII, Sđd, tr.201.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.712-713.