Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa mang nhiều ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, khẳng định hơn nữa vai trò gia đình như một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia đình hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình.
Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội. Ảnh: Internet
20 năm ngày gia đình Việt Nam
Gia đình là tế bào của xã hội, sự tồn tại và phát triển của gia đình luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của kinh tế - xã hội. Nhưng gia đình không chỉ là nhân tố thụ động chịu ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại “gia đình là một yếu tố năng động: nó không bao giờ đứng yên một chỗ”[[i]]. Khẳng định điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”[[ii]].
Kế thừa quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Mình về gia đình, Đảng ta không những quan tâm đặc biệt đến vấn đề gia đình mà còn quan tâm tới “nguồn hạnh phúc của gia đình” là trẻ em. Trong Chị thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Đảng ta khẳng định: “Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cần được ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Để phát triển phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục trẻ em, Đảng yêu cầu phải: “Tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em” từ 15-5 đến 30-6 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội”[[iii]]. Đảm bảo cho thế hệ trẻ Việt Nam được phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu được những tinh hoa của thế giới, phải coi “xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng” trong chiến lược quốc gia. Năm 2000, Đảng yêu cầu “hàng năm, tổ chức "Ngày gia đình" trong tháng hành động vì trẻ em (từ 15-5 đến 30-6) nhằm thúc đẩy phong trào toàn xã hội xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt”[[iv]].
Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: “Lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam”[[v]]. Và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống, có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi chúng ta. Năm 2021 là dịp kỷ niệm 20 năm Ngày gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề: “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”.
Mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh[[vi]]
Gia đình “no ấm” là gia đình được đảm bảo an toàn về lương thực và có điều kiện kinh tế tối thiểu bằng điều kiện kinh tế trung bình tại địa bàn cư trú; đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần cho mọi thành viên trong gia đình.
Gia đình “tiến bộ” là gia đình mà mọi thành viên đều yêu thương, tôn trọng lẫn nhau; cùng nhau chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm; tạo điều kiện và cơ hội như nhau cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, đồng thời mỗi cá nhân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội trong việc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước và quy định của pháp luật. Mỗi gia đình tiến bộ sẽ góp phần tạo nên xã hội tiến bộ.
Gia đình “hạnh phúc” được xây dựng trên cơ sở gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Gia đình hạnh phúc là mọi thành viên trong gia đình phải được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất và tinh thần; được hưởng bầu không khí cởi mở, yêu thương, cùng chia sẻ, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Mọi thành viên trong gia đình đều có quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm với nhau, với gia đình và với xã hội; được bình đẳng, tôn trọng; có điều kiện để học tập vươn lên; các thành viên trong gia đình cùng đồng cam cộng khổ, tự giác cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình. Gia đình “văn minh” là gia đình tiếp thu được đầy đủ các yếu tố tiên tiến của thời đại (bình đẳng, dân chủ, tôn trọng lợi ích chính đáng của cá nhân...) để duy trì, xây dựng và phát triển gia đình.
Xây dựng gia đình Việt Nam với đầy đủ những tiêu chí trên sẽ làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần xây dựng quốc gia hạnh phúc. Gia đình cũng là cội nguồn khơi dậy khát vọng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc để “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[[vii]].
[[i]] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 1995, tập 21, tr.57
[[ii]] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, t.12, tr.300.
[iii]] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chị thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chị thi Ban Bí thư, số: 38-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 1994.
[[iv]] Đảng Cộng sản Việt Nam, Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Số: 55-CT/TW, ngày 28 tháng 6 năm 2000.
[[v]] Thủ tướng Chính phủ, Về ngày gia đình Việt Nam, Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 5 năm 2001.
[[vi]] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2021, tr.263
[[vii]] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2021, t.1, tr.112.
Anh Đặng