Trên hành trình vĩ đại của C.Mác, có rất nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt nhưng có lẽ bước ngoặt lớn nhất là hành trình ông đến với chủ nghĩa cộng sản.
Ngày 5-5-1818, C.Mác sinh ra tại Triơ (Trier), tỉnh Ranh nước Đức. Cha của C.Mác - ông Heinrich Mác là một luật sư, học rộng và có hiểu biết khá rõ về những tác phẩm của các nhà tư tưởng Pháp thế kỷ XVIII. Mẹ của C.Mác - bà Henrieta Pơretbơt là người gốc Hà Lan, tuy chỉ làm công việc nội trợ nhưng luôn là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho C.Mác.
C.Mác (1818-1883). Ảnh: Nguồn internet
Trong gia đình, C.Mác luôn là “linh hồn” của các anh chị em vì trí óc thông minh, biết bày ra các trò chơi hấp dẫn, biết sáng tác ra đủ mọi thứ chuyện tưởng tượng.
Từ năm 1830, khi bắt đầu học trung học, C.Mác may mắn được học những thầy giáo giỏi về lịch sử và triết học, toán học và vật lý. Đây là những người thầy theo chủ nghĩa duy vật, có xu hướng tự do và đã có ảnh hưởng nhất định đến việc hình thành tư tưởng của C.Mác sau này.
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, C.Mác đã có ý tưởng lựa chọn một nghề nghiệp nào đó có thể mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Điều đó được thể hiện rõ trong bài luận văn thi tốt nghiệp trung học với tựa đề Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề. C.Mác viết: “Nếu con người làm việc chỉ vì bản thân mình thì may ra có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái vĩ đại, một nhà thơ ưu tú, nhưng không bao giờ có thể trở thành con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại. Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người”.
Đây chính là những tư tưởng ươm mầm cho việc lựa chọn nghề nghiệp của C.Mác sau này.
Mùa thu 1835, C.Mác học khoa luật Đại học Tổng hợp Bon nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn (đầu năm 1836), C.Mác quay sang học triết học và lịch sử tại Đại học Tổng hợp Béclin. Trong thời gian này, C.Mác đã tập trung nghiên cứu tư tưởng của nhiều nhà triết học trong lịch sử, đặc biệt là Hêghen - một giáo sư triết học nổi tiếng của Đức lúc bấy giờ. Điều này cho thấy lí do tại sao, ban đầu C.Mác là một trong những thành viên tích cực của Phái Hêghen trẻở Đức.
Năm 1842, sau khi tốt nghiệp đại học, C.Mác làm biên tập ở báo Sông Ranh. Trong thời kỳ này, C.Mác đã viết những bài báo tranh luận về những vụ “ăn cắp gỗ” nhằm vạch trần bản chất vụ lợi của giai cấp thống trị, sự lừa gạt của luật pháp Phổ và bản thân nhà nước Phổ đối với những người lao động. Những bài báo đó cũng thể hiện sự cảm thông sâu sắc của C.Mác với tình cảnh khổ cực của những người nông dân trồng nho xứ Môden.
Năm 1843, sau một thời gian nghiên cứu triết học Hêghen C.Mác đã viết tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hêghen”. Tác phẩm đã đánh dấu bước chuyển biến bước đầu của C.Mác từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa, từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan duy vật biện chứng. Trong tác phẩm này, C.Mác đã phê phán chủ nghĩa duy tâm nói chung và học thuyết duy tâm về nhà nước pháp quyền của Hêghen nói riêng.
Từ năm 1844, C.Mác cùng Ph.Ăngghen đã viết một số tác phẩm nổi tiếng như “Bản thảo kinh tế - triết học” (năm 1844); “Gia đình thần thánh” (năm 1845); “Hệ tư tưởng Đức” (năm 1845 - 1846), “Sự khốn cùng của triết học” (năm 1847) và đặc biệt là “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848).
C.Mác và Ph.Ăngghen. Ảnh: Nguồn internet
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnkhông chỉ là một văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa Mác mà còn là tác phẩm đánh dấu bước chuyển hoàn toàn của C.Mác từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa. Đúng như V.I.Lênin nhận xét, tác phẩm đã trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo một xã hội mới, xã hội cộng sản.
Hành trình đến với chủ nghĩa cộng sản của C.Mác do rất nhiều yếu tố tác động nhưng yếu tố đóng vai trò quyết định nhất là tư duy độc lập, sáng tạo và sự rung cảm của C.Mác đối với tình cảnh khốn cùng của giai cấp vô sản. Do vậy, mặc dù sống ở giai đoạn chủ nghĩa tư bản đang phát triển nhưng C.Mác đã sớm nhận ra những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản; từ đó C.Mác mới có một lý tưởng về một chế độ xã hội mới - chế độ cộng sản chủ nghĩa mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Chiên Lê