Nguyễn Thiếp là một sĩ phu yêu nước, hiệu Húy Minh, tự Quang Thiếp. Ông còn có nhiều tên khác. Riêng Nguyễn Huệ gọi ông là La Sơn phu tử, sau lại ban cho tên là La Sơn tiên sinh. Giữa Nguyễn Thiếp và Hoàng đế Quang Trung đã có những cuộc hội kiến lịch sử
Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, một danh tướng tài ba bách chiến, bách thắng, một nhà quân sự thiên tài và là một nhà chính trị lỗi lạc, đã có công trong việc đánh đổ các thế lực phong kiến cát cứ Lê, Trịnh, Nguyễn, xóa bỏ ranh giới Sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm, quét sạch 5 vạn quân Xiêm, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp và trị vì đất nước, người được Nguyễn Huệ luôn tin tưởng vào tài năng, đức độ, trọng dụng và tôn xưng lên bậc Phu tử - đó chính là Nguyễn Thiếp, cho dù “năm lần bảy lượt” Nguyễn Huệ mời ông ra làm quan đều bị từ chối.
Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, tại Mật thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Là người học rộng tài cao, từng đỗ đạt, làm quan, nhưng vì phải sống trong thời kỳ xã hội nhiễu nhương, Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê, Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân cả nước rơi vào cảnh lầm than, nên Nguyễn Thiếp đã từ quan về quê ở ẩn, lập trại Bùi Phong trên núi Thiên Nhẫn, ngày ngày đọc sách, dạy vài ba học trò, dạo cảnh núi non.
Khu Đền thờ Nguyễn Thiếp tại Can Lộc, Hà Tĩnh
Mặc dù ở ẩn, nhưng với tài năng và đức độ của mình, danh tiếng Nguyễn Thiếp vang vọng muôn phương, được nhân dân gọi là Lục niên tiên sinh. Nguyễn Huệ biết đến ông, không chỉ là con người đạo đức mẫu mực, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, mà còn là bậc thầy có tầm nhìn xa trông rộng về thời cuộc, nên từ lâu đã muốn mời Nguyễn Thiếp ra giúp việc nước, nhưng ba lần gửi thư bày tỏ tâm ý với những lời lẽ hết sức khiêm nhường, chân thành và kính trọng cùng một số lễ vật, nhưng đều bị ông từ chối.
Song, không vì vậy mà Nguyễn Huệ bỏ cuộc, vào những lúc tình thế cấp bách, liên quan đến sự an nguy vận mệnh dân tộc, Nguyễn Huệ luôn tìm đến Nguyễn Thiếp để được ông cho đối sách ứng phó. Điển hình như:
Khi ra Thăng Long trừ Vũ Văn Nhậm (1788), qua Lam Thành (Hưng Nguyên), Nguyễn Huệ đã gửi thư mời ông xuống hội kiến, trong thư viết: “Nay thiên hạ khốn khổ, không cùng Phu tử cứu gỡ thì không biết cùng ai… mời Phu tử ngỏ hầu được nghe lời Phu tử dạy bảo…”.
Trước những lời tỏ bày chân thành đó của Nguyễn Huệ, ông đã nhận lời. Giữa minh quân lương tướng đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên và trò chuyện, bàn luận với nhau hết sức sôi nổi.
Mặc dù Nguyễn Thiếp vẫn tỏ ý tôn Lê, chưa chịu ra giúp Nguyễn Huệ, nhưng Nguyễn Huệ vẫn một mực kính trọng ông và uỷ thác cho ông việc xem đất để dựng đô. Gia phả chép rằng: “… Cụ đến, Huệ trách rằng: “Đã lâu nghe đại danh, ba lần cho tới mời, tiên sinh không thèm ra, ý tiên sinh cho rằng quả nhân là thằng giặc nhỏ không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?”. Cụ trả lời: “Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê, với danh nghĩa chính thì anh hùng ai mà chẳng theo ... Nếu giả tiếng nhân nghĩa mà nói dối tôn vương để lấy tiếng, thì lại hóa ra một kẻ gian hùng”. “Huệ bèn đổi sắc mặt, ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng…”[1].
Khi 29 vạn quân Thanh kéo vào xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung và tức tốc kéo quân ra Bắc. Để có kế sách đánh giặc, khi đến Nghệ An, Hoàng đế đã cho mời Nguyễn Thiếp ra bàn chuyện binh lược, Nguyễn Thiếp đáp rằng: “Người Thanh từ xa tới, mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó”.
Nguyễn Huệ làm đúng như lời dạy của Nguyễn Thiếp và chỉ trong vòng 6 ngày, đã đại phá quân Thanh, trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự vui mừng chào đón của nhân dân. Qua sự kiện lần này, nhà vua càng thêm tin tưởng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp hơn.
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
Trên đường trở vào Nam, về đến Nghệ An, Quang Trung lại cho mời Nguyễn Thiếp ra bàn quốc sự. Được Nguyễn Thiếp nhận lời, Hoàng đế rất đỗi vui mừng và ban ân bổng cho ông, nhưng ông đã từ chối, buộc Quang Trung phải xuống Chiếu rằng “…Trẫm ba lần xa giá Bắc Thành, tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: “Một lời nói mà dựng nổi cơ đồ”. Tiên sinh hẳn có thế chứ không phải là vào hạng người chỉ bo bo làm việc gần mình mà thôi. Gần đây, Trẫm không biết lấy gì để tỏ tình đãi hiền, nên đặc ban một xã làm lễ ưu lão, ấy là trẫm bởi lòng rất thành thật…”. Có thể nói, với Nguyễn Thiếp, Quang Trung luôn khiêm nhường, chân thành và dành cho ông một sự tôn kính, biết ơn sâu sắc.
Sau khi đánh đuổi được quân xâm lược, bắt tay vào công cuộc kiến thiết giang sơn, một lần nữa Quang Trung gửi chiếu thư mời ông vào Phú Xuân, giúp hiến kế. Nguyễn Thiếp nhận lời và dâng tấu với 3 việc quan trọng lúc này, đó là: “Một là, bàn về quân đức. Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc vạn sự… Hai là, bàn về nhân tâm. Dân là gốc nước, gốc vững, nước mới yên… Nhà nước uy vũ thì có thừa mà ân trạch chưa ban khắp ra. Tiếng sầu oán dọc đường sá. Lòng người mà quy phụ tức là bởi mệnh trời. Nay gặp xin chớ để qua. Ba là, luận về học pháp… người không học, không biết đạo. Đạo thường là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy… sự đạo thành thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều đình chính, mà thiên hạ trị”.
Hoàng đế Quang Trung đã cho thực thi những cải cách về văn hóa, giáo dục của Nguyễn Thiếp và mời ông ra làm quan để phò tá trong việc cai quản đất nước, nhưng Nguyễn Thiếp một mực từ chối xin về quê.
Để tạo điều kiện cho Nguyễn Thiếp không phải rời nơi ở ẩn, mà vẫn có thể cống hiến tài đức của mình cho đất nước, được nhận chức tước, bổng lộc mà không phải xa chốn lâm tuyền, không vướng lắm vào vòng ràng buộc, Quang Trung đã cho xây dựng Viện Sùng Chính tại núi Nam Hoa, thuộc huyện La Sơn, nơi trường cũ của Nguyễn Thiếp và ban cho ông chức Sùng chính viện Viện trưởng, giao cho chuyên coi việc dạy, tổ chức việc dịch ra quốc âm, chú thích sách tiểu học, Tứ thư và các Kinh thư, Kinh dịch.
Tiếc thay, vào ngày 29/7 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Mấy tháng sau, Nguyễn Thiếp cũng trả hết bổng lộc, sống cảnh nghèo túng trên trại Bùi Phong dạy một số học trò và đọc sách.
Có thể nói cả cuộc đời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã minh chứng cho một tấm lòng vì nước vì dân, một nhân cách lớn của kẻ sĩ: “Giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục”. Chính vì vậy, mà Quang Trung - Nguyễn Huệ luôn tôn kính và trọng dụng ông.
Đầu năm 1804, Nguyễn Thiếp qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.
Bùi Nhung
[1] Địa chí huyện Can Lộc. Xí nghiệp in Hà Tĩnh, xuất bản năm 1999. tr 490.