Là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật Bài chòi có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân vùng Trung Bộ. Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, nghệ thuật Bài chòi đã khẳng định sức sống mãnh liệt, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây. Việc tìm hiểu những nét độc đáo của nghệ thuật Bài chòi để lan tỏa những thông điệp nhân sinh sâu sắc là việc làm cần thiết, có ý nghĩa.
Một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài chòi để phục vụ du khách. Nguồn: Internet
Nét đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi
Ra đời vào khoảng thế kỷ XV cùng với quá trình Nam tiến, mở rộng bờ cõi lãnh thổ của cha ông, nghệ thuật Bài chòi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cư dân các tỉnh giáp biển miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Dải đất miền Trung đầy nắng gió với những ngư dân ngày đêm bám biển, gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, đã góp phần sản sinh những điệu hò, điệu lý, những câu hát bội, bài chòi, nói lên mong ước, khát vọng của con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên vui.
Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp có sự kết hợp của nhiều yếu tố như thơ ca, âm nhạc, hội họa, nghệ thuật kể chuyện, tài ứng tác, diễn xướng, cách bài trí sân khấu… Cách thức thể hiện phong phú: Chơi Bài chòi, Đánh Bài chòi, Hô Bài chòi, Hát Bài chòi. Để chơi Bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi bằng tre, nứa theo hình chữ U ở sân đình, sân chùa hoặc trên bãi đất trống cạnh chợ hay bến đò. Chòi ở đáy chữ U gọi là chòi cái - chòi Trung ương dành cho nhà cái, các chòi còn lại là chòi khách - dành cho những người bỏ tiền ra mua các con bài để tham gia cuộc chơi. Các chòi được lợp bằng tranh, rạ, lá dứa và tên mỗi chòi được gọi theo tên các con giáp hoặc theo các cung trong Kinh Dịch. Chòi cao khoảng 2m, sàn ngồi cách mặt đất khoảng 1.5m, có trải chiếu hoa, đủ cho 3-5 người ngồi. Bộ quân bài có khoảng 30-35 con bài làm bằng tre, trên có các hình vẽ minh họa, hoa văn trang trí, có khắc chữ Hán.
Trong nghệ thuật Bài chòi, Hội chơi Bài chòi chủ yếu diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân; còn Trình diễn Bài chòi, ngoài phục vụ trình diễn tại Hội chơi Bài chòi (Hô Bài Thai để giới thiệu và đố tên con bài) trong dịp Tết Nguyên đán thì việc trình diễn Bài chòi chủ yếu phục vụ bà con nhân dân với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trình diễn (đàn, hát, diễn các trích đoạn sân khấu) diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhất là khi nông nhàn, khi làng vào đám, gia đình có niềm vui, với các loại hình biểu hiện đa dạng như; Bài chòi rong (đi hát rong), Bài chòi chiếu (biểu diễn trên một chiếc chiếu), Bài chòi ghế (ngồi trên ghế trình diễn).
Trong hội chơi Bài chòi, người có vai trò dẫn dắt, làm nên sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này là Anh Hiệu, Chị Hiệu. Trong cuộc chơi, họ rút con bài trong ống bài nọc, giơ lên rồi hát những câu đố tên con bài đấy (Hô Thai). Người chơi mua 3 con bài, ngồi trên chòi đợi. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà anh chị Hiệu xướng thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng và lượt chơi mới lại bắt đầu.
Là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc nảy sinh từ cuộc sống lao động của người dân vùng đất mới, Bài Chòi có sức cuốn hút mạnh mẽ các giai tầng trong xã hội ở chính sự mộc mạc, tự nhiên, chân chất, xuất phát từ nhu cầu muốn được giao lưu, trò chuyện, gặp gỡ, giao duyên của người dân. Những lời ca, điệu hát có vần nhịp, những câu chuyện kể sinh động, hấp dẫn lấy từ những tích truyện dân gian, những nhân vật lịch sử (như Thoại Khanh Châu Tuấn, Quang Trung đại phá quân Thanh, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Thái hậu Dương Vân Nga…), được biểu diễn qua tài năng của các nghệ nhân dân gian cùng tiếng đờn cò, kèn bóp, song loan và trống chiến trên chính không gian văn hóa quen thuộc đã mang lại niềm vui, tiếng cười cho nhân dân, tái tạo năng lượng tinh thần, hướng con người đến những giá trị cao đẹp của chân, thiện, mỹ.
Không chỉ mang lại những giá trị lớn về nghệ thuật âm nhạc (nghệ thuật Hô thai, nghệ thuật độc diễn, cấu trúc âm nhạc đăng đối, hài hòa), nghệ thuật Bài chòi còn chứa đựng những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, phản ánh sinh động điệu hồn dân tộc, có tác dụng giáo dục, hướng con người về nguồn cội, gắn bó với quê hương. Đồng thời, nghệ thuật Bài chòi đem đến những giá trị thẩm mỹ đặc sắc khi người diễn, người chơi, người xem được sống, trải nghiệm trong không gian diễn xướng đậm chất nguyên sơ, gắn với sắc thái văn hóa vùng miền, giúp mỗi người có thêm sức “đề kháng” để chống chọi, đối diện trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống thường ngày.
Với những giá trị vượt trội về nhiều mặt, tại Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 diễn ra ngày 12/12/2017 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO tại Jeju (Hàn Quốc), nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của thế giới đối với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc. Đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm của chủ thể cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy di sản.
Thực tế, trong bối cảnh toàn cần hóa văn hóa hiện nay, di sản văn hóa phi vật thể truyền thống nói chung và nghệ thuật Bài chòi nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí có nguy cơ mai một, quên lãng.
Những thách thức trong phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi
Sau lễ vinh danh của UNESCO về Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các tỉnh thành có di sản đã có những hành động tích cực trong việc phổ biến, trình diễn, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng như lan tỏa sức sống của nghệ thuật Bài chòi. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi với sự quan tâm của các cấp các ngành về việc bảo tồn, phát huy di sản thì hiện nay nghệ thuật Bài chòi cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, là sự vắng bóng, thưa dần của đội ngũ những nghệ nhân cao tuổi - những người am hiểu thực sự về nghệ thuật Bài chòi khiến cho việc trình diễn, mô phỏng và truyền nghề cho các thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, nghệ thuật Bài chòi nảy sinh từ cuộc sống lao động với tính chất nguyên sơ, mộc mạc, tự nhiên, nhưng hiện nay nhiều đoàn nghệ thuật vì chạy theo xu hướng thương mại khiến cho sân khấu ca kịch Bài chòi đương đại đang bị chệch hướng. Âm nhạc Bài chòi bị chêm xen nhiều yếu tố của cải lương, vọng cổ, điệu lý, dân ca hiện đại, tuồng đồ, thậm chí cả bolero với các nhạc cụ tân tiến, trang phục cách điệu, khiến người xem, người nghe khó nhận diện đâu là nét độc đáo, đặc trưng riêng có của nghệ thuật Bài chòi.
Thứ ba, Công tác sưu tầm, kiểm kê di sản cũng như phổ biến, tuyên truyền giá trị nghệ thuật Bài chòi mặc dù được triển khai đến từng tỉnh thành, cộng đồng dân cư, nhưng nhiều nơi làm chiếu lệ, hình thức, chưa thực sự hướng về chủ thể đích thực của di sản. Cách làm nửa vời, theo phong trào, mệnh lệnh hành chính khiến nhiều người dân không hiểu, không biết đến nghệ thuật Bài Chòi. Bài Chòi vẫn chủ yếu được lưu giữ trong tiềm thức, kí ức của những bậc cao niên chứ chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
Có thể nói, từ cái nôi Bình Định, nghệ thuật Bài chòi theo bước chân khai sơn, phá thạch của những người “ôm giấc mộng lớn”, muốn tìm đến các vùng đất mới để kiếm kế mưu sinh. Trải qua thời gian năm tháng cùng những “va chạm”, sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật Bài Chòi đã có những khúc xạ và biểu hiện đa dạng ở mỗi tỉnh thành, trở thành nền tảng, bệ đỡ tinh thần để người dân nỗ lực vươn lên, vượt qua thử thách để sống tốt hơn và có cống hiến cho xã hội.
Việt Nam là quốc gia có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện diện ở khắp các vùng miền với đầy đủ các loại hình di sản như: di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nói lên vẻ đẹp bất tận và truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của người dân nước Việt. Với dải đất miền Trung, trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, người dân nơi đây cũng đã sáng tạo lên những di sản văn hóa độc đáo, trong đó có nghệ thuật Bài Chòi.
Dù phải đương đầu với nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, nhưng với vẻ đẹp độc đáo riêng có, nghệ thuật Bài Chòi vẫn có lối đi riêng để chiếm lĩnh niềm yêu và tâm hồn say mê của công chúng. Qua sự kiện vinh danh của UNESCO, sự hưởng ứng của nhân dân, ta có quyền tin tưởng vào sức sống bất diệt, sức lan tỏa sâu rộng của nghệ thuật Bài Chòi không chỉ trong phạm vi biên giới lãnh thổ quốc gia mà còn vươn rộng ra nhiều khu vực và quốc tế, khẳng định vẻ đẹp của truyền thống văn hóa và sức mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Phong Nguyên