Nhắc đến nghề làm hương, nhiều người thường nói tới làng hương Cao Thôn (xã Bảo Khê, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Đây là làng nghề có truyền thống hơn 200 năm, là một trong những làng nghề làm hương lâu đời nhất ở Việt Nam.
Nỗ lực gìn giữ
Cách Hà Nội khoảng chừng 40km, đi dọc theo Quốc lộ 39 sẽ thấy làng hương Cao Thôn. Ngôi làng xuất hiện với hàng loạt các phên hương nâu được phơi trải dài tạo nên hình ảnh rất đẹp.
Hương Cao Thôn nổi tiếng cả nước. Ảnh: giadinhvatreem
Làng nghề truyền thống làm hương xạ Cao Thôn đã có từ rất lâu đời. Theo các cụ bô lão trong làng kể rằng, làng hương được hình thành và phát triển từ khi bà Đào Thị Khương - bà là người con gái của làng Cao Thôn lấy chồng Trung Quốc rồi từ đó về đây truyền nghề làm hương cho dân làng. Bà được tôn là bà tổ nghề hương của vùng. Hiện nay, bà Đào Thị Khương được thờ cúng ở nhà thờ tổ họ Đào tại làng Cao Thôn.
Người làng Cao Thôn lấy ngày bà mất là ngày giỗ Tổ nghề 22/8 âm lịch. Vào ngày này, cả làng tập trung về nhà thờ tổ để thắp hương tưởng nhớ đến người đã mang lại nghề cho quê hương, mang lại công ăn việc làm cho bao thế hệ.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có những thời điểm nghề làm hương xạ còn bị cấm, hay đánh thuế nặng nhưng các thế hệ dân làng vẫn lưu giữ truyền dạy cho con cháu. Đến nay người dân làng nghề vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển, duy trì để sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt tâm linh cho nhân dân.
Điểm đặc biệt của làng nghề Cao Thôn là tạo ra những nén hương có mùi thơm đặc biệt không làng hương nào trên cả nước có được. Bột hương được làm bằng 36 loại thảo mộc từ thiên nhiên và các vị thuốc bắc. Chính vì thế, khi thắp nén hương, khói tỏa ra mùi thơm dễ chịu, man mát, hương thơm giúp cho tinh thần thư giãn thoải mái, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi.
Người dân làng hương xạ cho hay, thảo mộc được đặt mua ở trên rừng, từ các tỉnh biên giới. Trong 36 vị thuốc có một số vị như cam thảo, thảo quả, hoa ngâu, độc hoạt, đại hoàng, xuyên khung, đan bì... Tuy nhiên, tùy theo cách pha chế thảo mộc của người thợ mà hương làng Cao Thôn có mùi thơm khác nhau nhưng có đặc điểm là mùi dịu nhẹ, phảng phất rất lâu.
Hương Cao Thôn chủ yếu có ba loại là hương vòng, hương nén và hương sào. Ngoài ra còn có hương quế, hương đen… Dù là loại hương nào, nhưng để sản xuất được một sản phẩm hương hoàn chỉnh, đạt yêu cầu đòi hỏi các công đoạn tỉ mỉ, từ khâu trộn bột, se hương cho đến công đoạn phơi hoặc sấy hương. Trong đó, quá trình sản xuất hương quan trọng nhất là phải lựa chọn và sử dụng nguyên liệu sạch. Sản phẩm hương sản xuất ra phải phải đảm bảo được sự đồng đều về kích cỡ, thân hương nhẵn, khô, có độ kết dính cao, không bị sứt hay bị vỡ và đặc biệt khi thắp, nén hương phải cháy chậm đều và phải có mùi thơm đặc biệt mà người ngửi vừa cảm thấy thoải mái mà lại không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Hương vòng được người dân đem ra phơi. Ảnh: vovworld
Người Cao Thôn luôn tâm niệm rằng 36 vị thuốc Bắc này giống như là những tinh hoa của đất trời hội tụ lại trong mùi hương. Đây cũng chính là cái “hồn cốt” mà người dân làng Cao Thôn gìn giữ hàng trăm năm nay. Bởi vậy, những đơn bốc thuốc không được phép truyền nghề cho người ngoài dòng họ.
Các cụ bô lão trong làng kể lại, người làng Cao Thôn có giữ tập tục, kỹ thuật có thể truyền lại nhưng bài thuốc pha chế hương không truyền lại cho con gái, con rể, chỉ truyền lại cho con trai, con dâu. Những người con dâu từ làng khác về Cao Thôn phải qua tuổi 50 mới được truyền lại bài thuốc làm hương.
Làng nghề truyền thống làm hương Cao Thôn có diện tích đất tự nhiên 44,477 ha với 190 hộ gia đình tương ứng khoảng 800 nhân khẩu, làng nghề nằm ở vị trí trung tâm của xã Bảo Khê.
Hiện nay làng có khoảng hơn 100 hộ gia đình giữ nghề làm hương truyền thống, sản phẩm chủ yếu là hương nén và hương vòng. Mỗi cơ sở làm hương tại Cao Thôn đều không quá lớn, đa phần chỉ là các hộ sản xuất nhỏ và vừa, trong đó, hơn 10 hộ có hơn 20 nhân công. Những người thợ làm hương cho biết, trừ những ngày rằm, ngày mồng một tiêu thụ nhiều, ngày thường ở làng chỉ sản xuất trung bình khoảng 500 - 700 vạn nén hương, đến dịp giáp Tết các cơ sở phải tăng số lượng lên trên 1.000 vạn sản phẩm mới đủ cung ứng cho thị trường. Sản phẩm hương cũng được chia làm nhiều loại phụ thuộc vào hương liệu sản xuất, bán ở các mức giá 20.000đ - 50.000đ - 70.000đ, loại đắt thì có mùi thơm đậm hơn.
Thay đổi để phát triển
Ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tịch Hiệp hội làng nghề hương Cao Thôn cho biết, nhân dân trong làng nghề đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm hương của làng nghề, mở rộng nhà xưởng và quy mô sản xuất, đặc biệt các hộ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa các máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, giảm bớt nhân công lao động tạo tính cạnh tranh cao, mẫu mã sản phẩm đa dạng hơn, đẹp hơn theo nhu cầu của thị trường.
Một công đoạn trong quy trình làm hương. Ảnh: baodantoc
Làng nghề tạo công ăn việc làm cho người lao động không chỉ trong thôn, trong xã mà còn tạo việc làm cho lao động các địa phương lân cận, với mức thu nhập khá. Đây cũng là một nghề chính cho thu nhập phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương trong những năm qua.
Nhiều hộ đã thu hút, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho từ 6-8 lao động thường xuyên với thu nhập cao từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; nhiều hộ trong làng nghề có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/hộ/năm; đặc biệt có hộ doanh thu đạt từ 500- 700 triệu đồng/năm. Nhìn chung đời sống kinh tế của các hộ dân làng nghề Cao Thôn ngày càng phát triển; thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước.
Hiện nay, toàn bộ sản phẩm hương Cao Thôn chủ yếu hiện được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh thành trong nước như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Ninh…
Ngoài ra, vì chú trọng nguyên liệu bằng thảo mộc, không độc hại cho người dùng và người sản xuất nên hương Cao Thôn còn được xuất khẩu ra các nước như: Nhật Bản, Malaysia, Đức và nhiều nhất là Ấn Độ…
Điều đáng nói, không chỉ phát triển làng nghề, làng hương xạ Cao Thôn còn đẩy mạnh phát triển du lịch. Chính quyền địa phương đã có nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ thương mại, đặc biệt là phát triển làng nghề theo hướng bền vững, và gắn với phát triển du lịch.
Những năm qua, chính quyền xã cũng dành nguồn kinh phí tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn và Di tích lịch sử đình làng để làm nơi đón tiếp khách du lịch đồng thời cũng là nơi trưng bày; giới thiệu quảng bá sản phẩm hương xạ của làng nghề. Cùng với đó là xây dựng các hộ gia đình nghệ nhân tiêu biểu thành các điểm đón khách; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và văn hoá giao tiếp cho người dân ở làng nghề khi tiếp xúc với các du khách.
Lãnh đạo xã Bảo Khê cho hay, để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống làm hương xạ Cao Thôn ngày càng một phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế trong chương trình phát triển du lịch tâm linh thành phố Hưng Yên, Đảng ủy xã Bảo Khê đã và đang tập trung quan tâm đầu tư mọi nguồn lực để triển khai dự án làng nghề, đồng thời tạo mọi điều kiện để các hộ dân làng nghề vay vốn ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp để các hộ dân làng nghề mở rộng quy mô sản xuất.
Tăm hương. Ảnh: qdnd
Hiện nay, hiệp hội làng nghề tích cực truyền dạy bí quyết gia truyền pha chế nguyên liệu thảo mộc làm hương xạ cho các thế hệ trẻ; đổi mới mẫu mã gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng cho thế hệ trẻ phát triển nghề truyền thống trên con đường hội nhập, mở rộng thị trường trong nước và từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài; tích cực quảng bá thương hiệu làng nghề trên cơ sở thường xuyên tham gia các hội trợ triển lãm trong và ngoài địa bàn tỉnh; để từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu làng nghề truyền thống hương xạ Cao Thôn trở thành thế mạnh của địa phương.
Mai Hương