Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đúc kết bài học “Lấy dân làm gốc”, đây là sự trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng và yêu cầu xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Truyền thống “Dân là gốc” của cha ông
Tư tưởng vì dân, yêu dân, dân là gốc là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hơn 1.000 năm đấu tranh chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc đã minh chứng vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân.
Thời kỳ Lý - Trần, Vua Lý Thái Tổ đã thực hiện xá thuế cho dân, không phải để cứu trợ do hoàn cảnh thiên tai, mà thể hiện sự cảm thông đời sống vất vả của dân. Lý Thường Kiệt chủ trương: “Làm việc cốt tránh phiền dân. Sai khiến dân, cốt khuyên nhủ dân vui theo… Đem bụng khoan thư cứu dân, lấy lòng nhân ái yêu dân…Lấy no đủ làm nguyện vọng của dân, coi việc cày cuốc làm gốc của nước…” [1].
Cũng với tư tưởng khoan hòa, yêu dân, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn căn dặn “chúng chí thành thành”, “khoan thư sức dân” là thượng sách để giữ nước. Thương xót trước sự nghèo khổ của nhân dân, Vua Trần Minh Tông chủ trương “hết thảy sinh dân đều là đồng bào của ta, nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng”[2].
Yêu nước, thương dân, luôn quan tâm đến nguyện vọng, đời sống của nhân dân là mục tiêu chính trị nhằm cứu nước, an dân của Nguyễn Trãi - Người “suốt đời mang một hoài bão lớn: làm gì cho dân, người dân lầm than khổ cực”[3]. Cuộc đời của Nguyễn Trãi luôn mong muốn các làng mạc không có tiếng oán sầu, không phải chịu sưu cao, thuế nặng, nhân dân được no ấm, học hành. Với sự trải nghiệm qua các triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi nhận định: vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là lo sức mạnh của dân quyết định; thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”. Những đúc kết từ ngàn đời của các triều đại phong kiến, với các bước thăng trầm lịch sử là những minh chứng rõ ràng nhất về sức mạnh của nhân dân, được lòng dân thì làm nên nghiệp lớn, đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn sẽ bị thất bại.
Hồ Chí Minh với quan điểm “Lấy dân làm gốc”
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu dân, an dân giữ nước của cha ông, Nguyến Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi kiếp lầm than, nô lệ.
Người luôn nhận thức sâu sắc sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nên ngay sau khi về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5/1941, thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết các giới đồng bào yêu nước làm cách mạng. Với một sức mạnh truyền cảm hiếm có, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, bất khuất của dân tộc, chớp thời cơ làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, đưa dân tộc Việt Nam thoát cảnh nô lệ, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong lúc nhân dân cả nước đang thi đua kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 5/4/1948, Hồ Chí Minh viết bài “6 điều làm và 6 điều không nên làm”, khẳng định “Nước lấy dân làm gốc…Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[4]. Người nhấn mạnh, nước ta là một nước dân chủ, cho nên:
Vận dụng và phát triển sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Lấy dân làm gốc” của Đảng trong đổi mới đất nước hiện nay
Khởi đầu đổi mới đất nước, Đại hội VI (1986), Đảng đã đúc kết bài học kinh nghiệm hàng đầu là “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[9].
Như vậy chính thức từ Đại hội VI, tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng.
Đến Đại hội VII (1991), bài học kinh nghiệm “lấy dân làm gốc” được khẳng định trong bài học kinh nghiệm thứ hai của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”[10].
Năm 1996, tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới (1986-1996), Đại hội VIII đúc kết tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong bài học kinh nghiệm thứ tư, khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng”[11].
Sau 20 năm đổi mới, năm 2006, Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định “Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”[12].
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quán triệt và phát triển quan điểm "lấy dân làm gốc"
Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”[13].
Tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, từ những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ thực tiễn, Đại hội XIII (2021) của Đảng khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[14]. Lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng xác định vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân trong công cuộc đổi mới. Tại Đại hội XIII của Đảng, quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm” được thể hiện nhất quán, xuyến suốt và bao trùm trong các văn kiện và trên các lĩnh vực.
Sau Đại hội, trong bài phát biểu tại Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”[15].
Như vậy, bài học “lấy dân làm gốc” trong lịch sử dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, các kỳ đại hội Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, là lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng. Đặc biệt Đại hội XIII của Đảng đặt nhân dân là gốc, ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước.
Dương Minh
[1] Quang Đạm: Nho giáo xưa và nay, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997, tr 234.
[2] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, t.2, tr 68.
[3] Nguyễn Lương Bích: Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr 31.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr 502.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 6, tr 232.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr 63.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr 38.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr 235.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr 710.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr 5.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội, 1996, tr 73.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 19.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr 69.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.27-28.
[15] Nguyễn Phú Trọng:“Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 973, tháng 9/2021, tr 26.