Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, hay Buôn Ma Thuột cà phê Festival, là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên được được tổ chức ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội được công nhận mang tầm vóc cấp quốc gia, tổ chức định kỳ hai năm một lần, vào một tuần trong tháng 3. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh từ ngày 10/3 – 14/3/2023.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’ Hen Niê tham gia diễu hành Lễ hội đường phố Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” . Ảnh: TTXVN
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở Đắk Lắk và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột.
Ở Việt Nam, cà phê là loài cây du nhập nhưng rồi nhanh chóng trở thành đặc sản cây trồng trên xứ sở cao nguyên bazan. Do người Pháp mang sang và trồng thử nghiệm ở miền Bắc vào những thập niên giữa thế kỷ 19, song cây cà phê chính thức bén rễ ở Buôn Ma Thuột là vào những năm cuối thế kỷ 19. Năm 1904, thời điểm Toàn quyền Đông Dương thành lập tỉnh Đăk Lăk thì Buôn Ma Thuột đã có vài ba trang trại trồng tập trung cây cà phê. Chừng hai thập niên sau đó, số trang trại đã nhanh chóng tăng lên, hình thành nên 2 công ty trồng cây cà phê có quy mô lớn, diện tích hàng trăm héc ta là Công ty Cao nguyên Đông Dương (CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (CADA).
Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất. Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên cao nguyên đất đỏ bazan này. Hiện tại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được dùng chung cho cà phê Đắk Lắk.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam, sau lúa gạo. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỉ USD, dự định năm 2023 còn có thể thiết lập một kim ngạch xuất khẩu kỷ lục là hơn 4 tỷ USD. Riêng Đăk Lăk đến nay đã trở thành “thủ phủ” của cây cà phê theo nhiều nghĩa. Sản lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 đạt 380 ngàn tấn (trong tổng số 550 ngàn tấn sản lượng chung toàn tỉnh) và là năm Đăk Lăk ghi nhận sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay[1].
Hơn hai thế kỷ có mặt, cà phê cũng có “lịch sử” riêng. Bên cạnh bát chè xanh, ấm trà mạn, ly rượu gạo..., cà phê trở thành thức uống quen thuộc. Về hình thức có cà phê bình dân (cà phê cóc, vỉa hè) đến cao cấp, đa dạng trong cách uống như pha sẵn, dùng phin, uống nóng, bỏ đá, cà phê đen, sữa, cà phê thêm trứng, dừa, cà phê ủ pha hoặc dùng vợt... Cây cà phê, hạt cà phê, hương vị cà phê, cách chế biến, thưởng thức cà phê…, tất cả là những mắt xích tạo dựng nên Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.
Năm 2005, Lễ hội “Buôn Ma Thuột cà phê Festival 2005” được tổ chức lần đầu tiên, chủ yếu giới thiệu các sản phẩm liên quan đến cà phê từ sản xuất, chế biến đến thưởng thức… Năm 2008, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần 2 với thông điệp “Năng động, hội nhập và phát triển bền vững”, là sự kiện văn hóa - du lịch gắn liền với kinh tế mang tầm quốc gia nhằm mục đích quảng bá, tôn vinh thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng trong thời kỳ hội nhập. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 - năm 2011 khai mạc với chủ đề “Tạ ơn cà phê” và bế mạc với chủ đề “Đêm thế giới cà phê” gây tiếng vang xa ra khỏi vùng đất đỏ bazan, đây lần đầu tiên lễ hội được đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Các lễ hội đều mang những chủ đề khác nhau có sức cuốn hút du khách đông đúc. Lễ hội lần thứ 4 năm 2013: “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết - phát triển bền vững”; lần thứ 5 năm 2015: "Buôn Ma Thuột – Những đường xuân lịch sử"; lần thứ 6 năm 2017: “Hội tụ tinh hoa- phát huy bản sắc - liên kết phát triển”; lần thứ 7 năm 2019: "Tinh hoa đại ngàn". Và lần này, lần thứ 8 năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn hơn, hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, với phong cách hiện đại, hấp dẫn chuyển tải chủ đề: “Buôn Ma Thuột– Điểm đến của cà phê thế giới”!
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Internet
Thời gian tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột cũng là khoảng thời gian cà phê nở hoa, tháng 3 dương lịch được xem là khoảng thời gian hoa nở đẹp nhất. Mỗi đợt hoa cà phê nở chỉ dao động từ 7 đến 10 ngày, cả một vùng hoa trắng xóa rực rỡ cũng là nét đẹp kỳ bí của núi rừng Tây Nguyên. Người dân Tây Nguyên khi nhìn những bông hoa trắng nở rộ khắp khung trời, sẽ thấy hạnh phúc, cảm nhận được rằng một vụ mùa bội thu sắp tới. Sau đó hoa cũng sẽ tàn khá nhanh, rụng cánh và dần kết thành từng chùm quả nhỏ xinh xắn thi nhau bám khắp các cành, hình thành quả.
Lễ hội tôn vinh cây cà phê với ý nghĩa cà phê là một báu vật thiêng liêng của vùng đất bazan Ban Mê, như món quà tặng của cuộc sống, của thiên nhiên gửi tặng đến con người. Lễ hội triển lãm các sản phẩm cà phê nhân, cà phê chế biến; sản phẩm thủ công mỹ nghệ được sản xuất từ cà phê; dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến cà phê, các công trình nghiên cứu khoa học về cây cà phê; các loại giống cà phê, mô hình chăm sóc cây cà phê, triển lãm biểu đồ phát triển và nguồn gốc xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột.
Và, đi cùng với cà phê là cả hành trình trải nghiệm văn hóa Tây Nguyên độc đáo: Phối hợp với các nghệ sĩ một số nơi và nghệ nhân tại chỗ, tổ chức diễn tấu cồng chiêng, đi cà kheo, lễ diễu hành của voi..; Đua thuyền độc mộc ở hồ Lắk; Thi đẽo tượng gỗ dân gian; Thi ảnh nghệ thuật chủ đề cà phê và văn hóa Tây Nguyên; trưng bày chuyên đề lịch sử Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên v.v...
Mỗi lễ hội luôn là một sự kiện văn hóa của cộng đồng. Các lễ hội cà phê theo thời gian ngày một hoành tráng, lộng lẫy, khoác lên mình những lớp ý nghĩa mới mẻ, tạo thành đặc điểm văn hóa không thể thiếu ở vùng đất đỏ bazan.
Có lẽ khó có một loại đồ ăn thức uống nào trên thế giới sánh nổi với cà phê. Theo ước tính, trên thế giới hiện có vài tỷ người uống cà phê, đủ các thành phần nam phụ lão ấu, ở tất cả các quốc gia, châu lục, ngành công nghiệp cà phê cũng thu lợi hàng chục tỷ đô la mỗi năm, chừng đó cũng đủ thấy “tầm vóc” và “uy lực” của cà phê với nhân loại.
Bước ra từ nương rẫy, đến với lễ hội, và từ lễ hội quay trở lại, cây cà phê trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột gieo gặt trong lòng du khách, bạn bè xa gần những ấn tượng không chỉ cà phê mà còn là văn hóa, gương mặt tinh thần của xứ sở Tây Nguyên.
[1] Minh Huệ (2003), Sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk cao nhất từ trước đến nay, https://daklak.gov.vn/
Triều Nguyễn