Biển đảo Việt Nam hàng thế kỷ qua đã mang lại nguồn sinh kế cho ngư dân, đồng thời tạo dựng nên môi trường văn hóa biển đảo nuôi dưỡng tâm hồn con người. Lễ hội Cầu Ngư là điển hình cho di sản văn hóa biển đảo ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của cư dân ven biển Việt Nam bao đời nay.
Lễ hội Cầu Ngư tại Đà Nẵng. Ảnh: Internet
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh trong cuốn “Các dạng thức văn hóa Việt Nam” cho rằng, người Việt có văn hóa biển; văn hóa biển thuộc nhóm “văn hóa sinh thái”, cũng giống như văn hóa thung lũng, văn hóa rẻo cao, văn hóa cao nguyên, văn hóa thảo nguyên...; văn hóa biển là hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị rút ra từ những hoạt động sống của con người trong môi trường ấy, cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, nghi lễ tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển.
Lễ hội Cầu ngư là một trong những di sản mang đặc trưng văn hóa biển đảo, tồn tại lâu đời với cư dân vùng biển Nam Trung Bộ. Đây chính là tập tục thờ cá Voi, mà người dân thường gọi một cách tôn kính là Ông Nam Hải (còn gọi là “Đức Ông”, “Cá Ông”…). Sở dĩ ngư dân thờ cá Ông vì cho rằng đây là loài cá thiêng, xuất phát từ kinh nghiệm đi biển thường xuyên quan sát thấy loài cá này to lớn mà hiền hòa, hay giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển, đồng thời chỉ dẫn cho ngư dân tìm thấy những vùng biển có nhiều đàn cá để đánh bắt. Coi cá Ông là người bạn giúp đỡ con người chốn biển cả dữ dằn, nhân dân tôn thờ cá Ông như một vị thần. Khi cá Ông chết, trôi dạt vào bờ thì nhân dân ven biển sẽ làm lăng mộ để thờ. Lễ tế cá Ông ngày nay thường được gọi là Lễ hội Cầu Ngư, với ý nghĩa là cầu các vị thần linh cho mưa thuận gió hòa, trời yên bể lặng để lưới đầy tôm cá. Với các cư dân ngư nghiệp, lễ hội Cầu Ngư không chỉ phản ánh hoạt động sinh kế dựa vào môi trường tự nhiên, mà còn hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng đến sự tôn vinh lao động và đoàn kết cộng đồng.
Lễ hội Cầu Ngư thể hiện văn hóa ứng xử của người dân miền biển đối với môi trường tự nhiên. Ngư dân sống dựa vào biển nên trân trọng và tôn thờ những lực lượng thiên nhiên gắn với biển. Biển cả bao la bao bọc, cung cấp cho con người những nguồn lợi bất tận, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn sóng gió và hiểm họa, khiến con người trở nên bé nhỏ, mong manh và quy phục. Con người phải nương tựa vào lực lượng siêu nhiên để củng cố sức mạnh tinh thần, biến biển cả thành nơi che chở, nâng đỡ cho mỗi hành trình ra khơi. Cá Ông như một biểu tượng của thần linh, luôn xuất hiện giúp đỡ khi ngư dân gặp sóng to gió cả, dìu dắt ngư dân tìm thấy những mẻ cá đầy thuyền.
Rước hóa tiễn Long Châu trong lễ hội Cầu Ngư tại Thanh Hóa. Ảnh: baothanhhoa
Tâm lý hài hòa, gắn bó, kính sợ biển ấy lan tỏa và phát triển thành một loại tín ngưỡng thờ nhiên thần - cá Ông, phổ biến dọc đường bờ biển từ miền Trung vào tới trong Nam, biểu hiện thành lễ hội, tập tục và nghi thức phong phú, đa dạng, đặc trưng cho mỗi địa phương cụ thể. Nhiều làng chài ven biển đều có lăng, đền, miếu thờ cá Ông, coi loài cá này là vị thần tối cao trên biển.
Để tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các thần linh nơi biển cả, các làng ngư dân ven biển thường tổ chức lễ hội vào dịp tháng Giêng (âm lịch), cầu cho dân chài ra khơi được trời yên biển lặng, cả năm kéo nặng lưới cá tôm để cuộc sống sung túc, ấm no. Ngoài những lễ dâng lên cá Ông, lễ Cầu Ngư cũng bao gồm nhiều nghi thức khác nhau, như cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành… nhưng chung quy lại đều nhằm bày tỏ ước nguyện cho thiên nhiên và con người hòa hợp, cuộc sống lao động yên vui, đất nước thái bình, gia đình hạnh phúc.
Các hình thức tâm linh và diễn xướng dân gian là màu sắc chủ đạo trong lễ hội Cầu Ngư. Mỗi vùng lại có những cách thức, hoạt động cụ thể khác nhau, nhưng đều mang ý nghĩa giáo dục tinh thần lao động, tình yêu quê hương đất nước, gắn kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh của ngư dân vùng biển. Các nghi thức diễn tế được tổ chức rất kính cẩn, trang nghiêm nhằm khẳng định niềm tin, và khát vọng của cộng đồng, củng cố ý chí con người nơi đầu sóng ngọn gió, không ngừng nỗ lực vươn lên.
Phần hỗi diễn ra sau nghi lễ cũng rất phong phú với hoạt động như: hát, múa, vui chơi, thể thao, thi đấu. Ngoài các trò chơi truyền thống được duy trì từ xa xưa như lắc thúng, đua thuyền, thi đan lưới,… thì ngày nay dân vùng biển còn phát triển nhiều hoạt động vui chơi hiện đại như bóng chuyền, bóng đá bãi biển, hội thi ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật. Những màu sắc khác nhau trong lễ hội đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của quần chúng nhân dân, không chỉ riêng trong phạm vi ven biển, mà còn gắn kết với nhân dân vùng lân cận, tạo nên bầu không khí chung đoàn kết của nhiều tầng lớp nhân dân với những ngành nghề khác nhau. Từ một hoạt động tâm linh gắn với tín ngưỡng của nghề cá, lễ hội Cầu Ngư đã phát triển với ý nghĩa mở rộng hơn, trở thành sự kiện văn hóa quan trọng thu hút du lịch và trở thành động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Nghi lễ rước nghinh thần trước biển tại Lễ Cầu ngư. Ảnh: vietnamplus
Gắn liền với công việc và đời sống của ngư dân, cầu ngư là hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức hằng năm với ước vọng chung của cộng đồng về một mùa biển bội thu và một năm no đủ, bình an. Từ tính chất nhân văn và ý nghĩa thực tiễn trong lao động, sản xuất, sinh hoạt, lễ hội Cầu Ngư ở nhiều địa phương ven biển đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội là loại hình văn hóa đặc biệt, biến niềm phấn chấn của mỗi cá nhân thành không gian chung cho tất cả mọi người. Tinh thần của lễ hội lại được lan tỏa, thấm đẫm vào trong tâm thức của mỗi một con người. Lễ hội Cầu Ngư mang đậm sắc màu của dân tộc, của biển đảo quê hương, tạo nên mối cộng cảm gắn bó chặt chẽ giữ từng con người với nhau, thúc đẩy niềm tin và khát vọng cuộc sống, với ý chí bám biển, giữ biển, yêu biển và quyết tâm vươn mình ra biển lớn.
Hoàng Duyên