Chol Chnam Thmay (Ngày Chôl sangkran Chmây hoặc Chaul Chnam Thmay) là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Lễ Chol Chnam Thmay cũng là những ngày Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka. Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Những ngày này trở thành lễ hội truyền thống của cả cộng đồng, tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh quay lửa... Các cụ già kể cổ tích, thần thoại, chuyện cũ cho con cháu nghe.
Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 hàng năm. Nguồn ảnh: laodong.vn
Dân tộc Khmer có nhiều lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Phật: Tết Chol Chnam Thmay (mừng năm mới); Lễ Phật Đản; Lễ Đôlta (báo hiếu - xá tội vong nhân); Lễ hội Óoc Oom Bóc (cúng trăng)… Là một dân tộc mộ đạo nên phần lớn các phum, sóc hoặc địa bàn tập trung đông dân cư người Khmer đều có chùa để dân chúng đến tụng kinh, thờ Phật. Chùa đối với người Khmer là sự gắn bó thiêng liêng cả đời người, vì thế mà chúng ta thấy rằng hầu hết các hoạt động của người Khmer đều gắn với chùa Phật, nhất là ngày tết Chol Chnam Thmay. Lễ hội Chol Chnam Thmay còn diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc, thường tổ chức khoảng đầu tháng Khchét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch). Lịch của người Khmer cũng kết thúc vào cuối tháng 12 (âm lịch), nhưng Tết mừng năm mới lại diễn ra vào tháng Khchét Khmer, tức từ 14 đến 16-4 (dương lịch). Theo tập quán canh tác 1 vụ trước đây, tháng 12 mọi người còn đang tất bật với mùa vụ, đến tháng 4 thì việc gặt hái đã xong, lúa lúc này đã đầy bồ, người nông dân có thể thảnh thơi nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả. Tháng 4 cũng là lúc giao mùa ở Nam Bộ. Mùa khô vừa kết thúc và bước sang mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa làm cho cỏ cây tươi tốt, thiên nhiên như trỗi dậy sức sống. Chính sự đâm chồi nảy lộc của cây cỏ và sự bừng lên của thiên nhiên được đồng bào Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của năm mới, nên gọi là Chol Chnam Thmay (tức là ngày thay năm cũ vào năm mới). Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, tên gọi mỗi ngày tết khác nhau.
Ngày đầu tiên có tên: Moha Songkran (Chôl sangkran Chmây): từng đoàn người trong những bộ quần áo màu sắc sặc sỡ, nét mặt rạng rỡ, trên tay cầm nhang đèn, hoa quả vào chùa cùng nhau rước Đại Nông lịch quanh năm chính điện rồi vào lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Lễ rước Sâng Kran trong Tết Chol Chnam Thmay theo một truyền thuyết Phật giáo, đó là chuyện Thom Ma Bal và Kabil Maha Prum, còn gọi là “thần Bốn mặt”. Nó gắn với câu chuyện về cuộc đấu trí giữa cậu bé và thần. Bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, Thom Ma Bal đã khiến thần Kabit Haha Prum tự cắt cổ. Ngày nay, khi đến chùa của người Khmer ta thường thấy đầu thần Kabil Maha Prum (thần Bốn mặt) được trong các tháp xây trong chùa và chính nơi đặt đầu của thần là vị trí trung tâm, là bàn thờ chính trong các nghi lễ tôn giáo cũng như các nghi lễ truyền thống được tổ chức trong chùa. Về truyền thuyết này ở Campuchia Thom Ma Bal lại là một hoàng tử, trong truyền thuyết của đồng bào Khmer Nam Bộ chỉ là một cậu bé thông minh. Từ đây cho thấy, tuy có ảnh hưởng của những yếu tố Bà la môn tôn giáo nhưng khi đến Nam Bộ đã giản dị, gần gũi hơn rất nhiều. Cái thiện, cái ác được thể hiện rõ, dù là vị thần tối cao cũng mang đặc tính rất con người, đó là sự ích kỉ, hiếu thắng và cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng cái ác như trong truyền thuyết Chol Chnam Thmay. Vào ngày đầu của năm mới thay vì rước đầu “thần Bốn mặt”, người Khmer rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện ba lần.
Mọi người mang theo lễ vật đến chùa làm lễ rước Đại lịch, đi vòng quanh chính điện 3 vòng trang trọng, rồi mới vào chính điện làm lễ. Sau đó, tất cả vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới. Nguồn ảnh: laodong.vn
Ngày thứ hai có tên: Wanabat (Wonbơf) (Nếu năm nhuận cũng có tên là: wonbơf): Phật tử dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát. Các sư thì đọc kinh cầu siêu cho người đã mất và cầu an cho người đang sống. Sự tích kể lại truyện một người làm nghề săn bắn. Từ lúc trẻ đến khi già, ông giết rất nhiều muông thú, nhưng rất may mắn là ông đã được một nhà sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông ở. Lúc về già ông đau yếu và thường bị ám ảnh về bầy muông thú bao vây quanh ông rồi hành hung để đòi nợ oan nghiệt. Do phước đức đắp núi cát, ông tỉnh táo bảo bọn muông thú hãy đếm những hạt cát ông đã đắp thành núi rồi hãy đòi nợ. Bọn thú đồng ý, chúng đến, nhưng rồi không tài nào đếm nổi. Chán nản chúng bỏ đi. Nhờ đắp núi cát mà ông giữ được tính mạng cho đến khu chết được lên thiên đường. Từ tích truyện này mà đồng bào Khmer vẫn giữ tục đắp núi cát để tích phước, tích đức vào Tết Chôl Chnăm Thmây
Tục đắp núi cát gọi là Pun phnôm Khsach. Cát sạch được đem về đồ thành từng đống quanh đền thờ Phật, bên ngoài hành lang chunh quanh sân chính điện. Vị Achar (một người từng đi tu, am hiểu các nghi lễ đạo Phật) được nhà chùa giao cho việc hướng dẫn đồng bào đắp thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng và làm rào tre hoặc cây bao quanh núi cát. Những núi này tượng trưng cho vũ trụ, cho núi một hướng. Núi thứ chín ở giữa là trung tâm của trái đất tức núi Sômêru. Sau đó đồng bào còn làm lễ quy y cho các núi. Các nghi lễ này được gọi là Anisâng Pun Khnôm Khsách, theo nghi thứ Phật giáo “Phúc duyên đắp núi cát” được lưu truyền trong người Khmer cho đến ngày nay.
Ngày thứ ba có tên: Tngai Laeung Saka (Lơm săk): lễ tắm tượng Phật và tắm cho các vị sư cao niên. Cũng tại chùa, sau khi tắm Phật bằng nước ướp hương thơm xong, họ còn tắm cho các vị sư cao niên nhằm rửa sạch hết những cái cũ trong năm căn cũ để sang năm mới hoàn tất. Sau đó còn mời các vị sư đến các ngôi tháp dựng cốt để tụng kinh chúc phước lành cho những người quá cố. Xong xuôi các việc qua ba ngày Tết ở chùa mọi người mới làm lễ tắm tượng Phật ở nhà, mời ông bà cha mẹ đến để chúc mừng, tạ lỗi và đem bánh trái tạ ơn ông bà, cha mẹ hoặc tắm cho cha mẹ, ông bà gọi là để trả hiếu.
Ngay từ đầu tháng 4 (tháng Khchét), không khí chuẩn bị Tết Chôl Chnăm Thmây đã là rất nhộn nhịp. Các gia đình chuẩn bị nhà cửa cho tươm tất, lo tiền nong, đi chợ mua bán sắm sửa, may quần áo mới, làm bánh trái…, đặc biệt, trước Tết khoảng nửa tháng, người dân từng chùa tự nguyện góp tiền, góp của để tu bổ, sửa sang chùa, Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son, thiếp vàng, khuôn viên chùa được dọn sạch sẽ chuẩn bị đón Tết.
Theo quan niệm của người Khmer, Têvêđa là vị tiên được trời sai xuống để lo cho dân chúng trong một năm. Vì thế, đêm giao thừa mọi nhà đều thắp nhang, đèn làm lễ đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới. Sau đó, mọi nghi thức quan trọng đón Tết đều diễn ra tại chùa. Gia đình nào có con trai đến tuổi đi tu (16 tuổi) thì dẫn vào chùa làm lễ thí phát, quy y. Nhiều người còn đưa cả gia đình vào trong chùa suốt những ngày Tết. Dưới mái chùa chung của cả phum sóc mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hi vọng vào một năm mới an lành. Ở trong chùa, những Phật tử cao niên cùng các vị sư sãi tụng kinh niệm Phật để đưa năm cũ, rước năm mới. Trong những ngày hội xuân tại các thời điểm chùa ở Nam Bộ lúc nào cũng tưng bừng, náo nhiệt.
Một hoạt động mừng tết Chol Chnam Thmay tại một ngôi chùa Khmer ở Trà Vinh. Nguồn ảnh: laodong.vn
Đối với các lễ hội Khmer, tôn giáo tín ngưỡng Phật giáo như hoà quyện vào trong đời sống của các thiện tín thể hiện qua các truyền thuyết và nghi thức thờ phụng.
Các sự tích, truyền thuyết như trên trong tết Chol Chnam Thmay là những bài học răn dạy về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Tết Chol Chnam Thmay cũng là dịp để bà con Phật tử thể hiện tâm niệm của mình về Đức Phật, với ông bà cha mẹ mình để “mình ăn gì thì ông bà mình ăn cái đó” như suy nghĩ phổ biến của người Khmer. Vật dâng cúng không thể thiếu cặp bánh tét, trái cây vườn nhà, một sấp vải trắng để cầu siêu gửi cho ông bà dùng.
Mỗi năm đến dịp tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, nhiều địa phương ở Nam Bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh… lại được tận hưởng một không khí náo nhiệt, sinh động, đầy màu sắc, tươi mới. Những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc tại các chùa chiền Phật giáo, các điệu múa cổ truyền,… được đồng bào dân tộc Khmer tích cực gìn giữ và bảo tồn chính là những việc làm cụ thể góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc cũng như góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
ĐTT