Điện Biên – mảnh đất gắn với niềm tự hào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, với Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đang dần thay da đổi thịt trong công cuộc đổi mới. Điện Biên giờ đây thu hút du khách trong và ngoài nước không chỉ bởi là điểm đến văn hóa lịch sử, mà còn là điểm đến văn hóa lễ hội với Lễ hội Hoa Ban đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Tây Bắc mùa hoa ban. Ảnh: Internet
Sự tích Hoa Ban gắn với câu chuyện, tương truyền rằng, khi xưa xứ “Mường Trời” có người con gái tên Ban xinh đẹp nhất bản người Thái. Nàng đem lòng yêu chàng trai bản tên Khum nhà nghèo, giỏi săn bắn, chăm làm và tốt bụng. Nhưng “ải, êm” (bố, mẹ) nàng Ban lại hứa gả Ban cho con trai Tạo mường nhà giàu nhất bản, lười biếng lại vừa thọt vừa gù. Ngày cưới nàng với con trai Tạo mường đã được ấn định mà Khum đi bẫy thú ở rừng sâu chưa về. Đêm đó, Ban đã buộc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình băng núi, băng rừng đi tìm người yêu. Nàng đi mãi, đi mãi... rồi kiệt sức và chết ngay bên sườn đồi. Tại nơi nàng chết, người ta thấy có một loài hoa trắng muốt, hương thơm dịu ngọt. Dân bản tin rằng đó là nàng Ban đã hóa thân thành loài hoa ấy, cánh hoa trắng muốt thể hiện tình yêu son sắt thủy chung với chàng Khum.
Là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và dịp cho trai gái gặp nhau và hẹn hò, vào 5/2 âm lịch hàng năm là thời điểm lễ hội Hoa Ban được tổ chức. Nếu như lễ hội Xên bản tổ chức 2 năm 1 lần chỉ diễn ra trong phạm vi của bản, mục đích là “cầu thần phù hộ” và cúng “rửa lá, xua đuổi thần trùng”, ít tổ chức các trò vui, thì lễ hội Xên mường (3 năm/ lần) lại được tổ chức rất to, thu hút nhiều người tài giỏi của toàn mường tham gia. Lễ Hội thường được tổ chức tại hang Thắm Lé gắn liền với làn điệu chơi hang. Lễ hội gồm 2 phần lễ để cúng bái các thần linh và toàn bộ phần hội để tạo nên không khí vui vẻ tấp nập tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục con người vươn tới những điều tốt đẹp.
Với mục đích tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp hoa ban, khẳng định giá trị, vị trí của hoa ban trong đời sống văn hóa, tinh thần các dân tộc ở Điện Biên, từ năm 2014, tỉnh Điện Biên đã tổ chức thường niên Lễ hội Hoa Ban vào dịp tháng 3 - mùa ban nở, khi thời điểm những cánh hoa ban bung nở khắp núi đồi, làng bản của vùng miền núi Tây Bắc, Điện Biên thì cũng là lúc Lễ hội Hoa Ban - loài hoa đặc trưng và nổi bật của núi rừng Tây Bắc, là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp và sự dịu dàng, tinh khôi của người con gái Thái được tổ chức. Không chỉ có vậy, hoa ban với vẻ đẹp tưởng chừng như mỏng manh lại mang trong mình sức sống mãnh liệt, kiên cường, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc nơi đây. Lễ hội Hoa Ban là dịp để quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên tới du khách cũng như bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó bảo tồn và phát triển các loại hình di sản văn hóa dân tộc tiêu biểu, biến các giá trị di sản thành nguồn lực nội tại để thúc đẩy du lịch, kết nối với những tiềm năng, thế mạnh khác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên. Lễ hội Hoa Ban còn là Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Ngoài ra, Lễ hội còn gắn liền với ý nghĩa lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Cho tới nay, lễ hội Hoa Ban đã được tổ chức 6 năm và các hoạt động của lễ hội ngày càng phong phú. Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số thì các hoạt động khác như giao lưu thi đấu thể thao, trò chơi có thưởng bóng đá mini; phiên chợ vùng cao - tái hiện một phần không gian sinh hoạt văn hóa, không gian chợ vùng cao, với sắc màu đặc trưng của các dân tộc tỉnh Ðiện Biên và giới thiệu ẩm thực Ðiện Biên - Tây Bắc. "Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc” chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực sự là bữa tiệc tinh thần đầy màu sắc. Hoạt động “Trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc” với 86 gian hàng cũng vô cùng phong phú, bắt mắt, thu hút người dân và du khách. Hoạt động “Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc”, “Liên hoan ẩm thực vùng Tây Bắc”; Cuộc thi người đẹp Hoa Ban... ngoài việc phô diễn được tinh hoa văn hóa của bà con các dân tộc, còn thực sự mang lại cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị, độc đáo và ý nghĩa. Ngoài ra, trong khuôn khổ liên hoan còn có các môn thể thao mang tính gắn kết cộng đồng như: kéo co, tù lu, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, tung còn, giải chạy Việt giã, đẩy xe đạp thồ, giã bánh dày, đẩy gậy… cũng được tổ chức, mang đến một không khí vui tươi, phấn khởi, thể hiện được nét đẹp trong lao động, sản xuất, vui chơi giải trí của bà con nơi đây.
Đến với Tây Bắc, về với Điện Biên vào mùa Ban nở, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ làm say đắm lòng người với màu trắng của hoa ban đang phủ kín núi rừng như những câu thơ:
Ta hẹn em mùa hoa sau trở lại
Cùng ta về miền Tây Bắc yêu thương
Ngắm hoa ban nở trắng những vạt rừng
Nghe hoa kể về một thời khói lửa
Lễ hội Hoa Ban giờ đây đã trở thành hoạt động thường niên của tỉnh Điện Biên, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, gắn với sự kiện mở màn chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến nay, Lễ hội Hoa Ban đã trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Điện Biên, là ngày hội chung của đồng bào các dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển.
ĐTT