Mùa xuân là mùa của nảy nở sinh sôi, mùa của khát vọng tình yêu và sum họp. Cứ mỗi dịp xuân về, người dân ở làng Đường Yên, ngoại thành Hà Nội lại rộn ràng mở lễ hội kén rể, như bày tỏ niềm mong ước một năm mới tươi vui và hạnh phúc đủ đầy!
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từng có giai đoạn 60 năm vắng bóng, thì kể từ năm 2001, không khí vui tươi rộn ràng sắc xuân trong lễ hội kén rể truyền thống mới trở lại với dân làng Đường Yên, đánh dấu sự hồi sinh của tục xưa nếp cũ mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã. Lễ hội kén rể ở làng Đường Yên có lẽ là một trong những lễ hội làng độc đáo nhất từ trước đến nay, bởi ý nghĩa nhân văn và sức sống lâu bền của nó như hơi thở mùa xuân mãi tuần hoàn đồng vọng trong tâm thức cộng đồng.
Lễ hội kén rể ở làng Đường Yên. Ảnh: Internet
Lễ hội kén rể diễn ra vào mùng 2 tháng Hai âm lịch hằng năm với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian độc đáo nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa. Tương truyền, làng Đường Yên xưa kia có người con gái tên là Lê Hoa, năm đến tuổi cập kê 17 – 18, đi theo Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40-43), lập nhiều chiến công đánh giặc Đông Hán. Sau khi lên ngôi vua, Hai Bà Trưng điều Lê Hoa về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Đất nước trở lại thanh bình, vì là nữ tướng phải làm tròn bổn phận của người con gái đi lấy chồng, Lê Hoa đã mở hội kén đức lang quân hiền tài. Sự tích đó sau được người dân Đường Yên tôn thờ và tiếp nối thành lễ hội “kén rể”, duy trì đến ngày hôm nay.
Có đến cả trăm nghệ nhân đã tập luyện suốt một tháng để chuẩn bị cho nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức trong lễ hội kén rể. Phần lễ là đám rước long trọng được các bô lão trong làng chủ trì, rước Thành hoàng làng từ đền về đình lễ tế. Phần hội lấy tiếng trống làm linh hồn, điều khiển binh tướng gồm nhiều trò chơi dân gian, cuộc thi đấu, đặc biệt là phần kén rể vô cùng độc đáo. Một trong những hoạt động long trọng nhất là nghi lễ nhập vai. Những người được chọn tham gia các vai chính trong lễ hội đều phải trải qua quá trình tuyển lựa với nhiều tiêu chí khắt khe. Người đóng vai mẹ của Thánh bà, tức Mẫu bà phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu. Thánh bà (tức bà Lê Hoa) cùng hai “chàng rể” (chia làm hai phe là phe Bắc và phe Hậu) được nam thanh nữ tú trong làng nhập vai, những người này phải chưa có gia đình riêng, xuất thân trong các gia đình nền nếp, học hành giỏi giang.
Dương Thị Phương – 20 tuổi được chọn vào vai nữ tướng Lê Hoa. Ảnh: thethaovanhoa
Màn vinh quy bái tổ mở đầu cho lễ hội vào buổi sáng, tái hiện lại cảnh nữ tướng đánh trận chiến thắng trở về. Một đoàn người rước kiệu đi từ cổng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón Thánh bà xuống kiệu. Đây cũng là lúc màn múa tích “Cởi vú mo” bắt đầu nhằm tái hiện cảnh Thánh bà giả trai, dùng mo cau làm áo giáp tham gia đánh giặc. Khi trở về, bà cởi bỏ mo cau để trở lại là con gái và đi lấy chồng. Màn múa này được thực hiện bởi sáu em nhỏ ăn mặc đẹp, đeo mặt nạ. Khi có trống lệnh, các “nàng tiên” cởi mo ở ngực ra. Đây được coi là màn múa đặc trưng nhất của lễ hội.
Khi màn múa kết thúc, hai “chàng rể” trong trang phục truyền thống cùng giới thiệu về bản thân và thi tài ứng xử. Tiếp đó, các “chàng rể” phải trải qua những màn thi khó khăn như: Thi cày, cấy, kiếm cá vá chài, câu ếch, bắt trạch trong chum... để ban giám khảo chấm điểm. Các trò chơi dân gian này thu hút sự tham gia của đông đảo dân làng bởi sự vui nhộn và tính dân gian đặc sắc.
Sau 4 vòng thi, chủ khảo giám trường công bố kết quả cho phe Bắc và phe Hậu. Bên nào được số thẻ nhiều hơn là người thắng cuộc. Theo lệ ai thắng cuộc thì sẽ được Mẫu Bà ban thưởng và chọn làm rể quý, dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc nên duyên. Lễ hội kết thúc với niềm hân hoan và vấn vương trong lòng người dự hội, lắng đọng những dư âm của chất dân gian trữ tình mộc mạc, đằng sau bao khuôn mặt rạng ngời giữa đất trời mùa xuân.
Phần thi “đi cày” mở đầu cho hội thi canh nông trong lễ hội. Ảnh: thethaovanhoa
Lễ hội kén rể thể hiện nhiều nét độc đáo trong đời sống tinh thần của cư dân làng xã, phản ánh lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời của cộng đồng. Theo dòng thời gian, diện mạo của xóm làng đổi mới từng ngày, hiện không còn nhận ra vết dấu của binh lửa can qua, từng công trình kiến trúc cũng khoác lên mình những dáng vẻ mới, hiện đại và thanh bình, song trong tâm khảm của người dân nơi đây như còn in đậm dấu ấn về tinh thần chống giặc ngoại xâm trong những truyền thuyết từ thời kỳ lịch sử cổ đại.
Tinh thần hiếu học, tinh thần thượng võ của dân tộc cùng những ước vọng về cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt của người dân làng Đường Yên như gửi gắm trọn vẹn vào không gian lễ hội. Lễ hội Đường Yên khơi dậy tinh thần rèn luyện sức khỏe, yêu lao động, yêu con người, yêu đất nước. Lễ hội là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cố kết cộng đồng, nhắc nhở các thế hệ nhất là thế hệ trẻ về trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, quê hương, đồng thời ca ngợi về tình cảm lứa đôi trong sáng, gắn với tình cảm chung của dân tộc. Những hoạt động văn hóa làng quê truyền thống ấy đã khơi nguồn dòng chảy ngàn đời sức sống của nền văn hóa Việt, tô đậm hơn nữa bản sắc văn hóa Việt rạng rỡ đến nghìn sau...
Kỳ Vận