“Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái” là một điểm nhấn trong khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển du lịch của Thanh Hóa hôm nay. Lễ hội này tổ chức lần đầu tiên năm 2019 tại Di tích lịch sử danh thắng quốc gia Hòn Trống Mái (thành phố Sầm Sơn) nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương và thu hút khách du lịch. Từ đó đến nay, Lễ hội này được xem là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động du lịch hè ở biển Sầm Sơn hằng năm.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong “Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái” tối ngày 9/4/ 2023 (Ảnh: Internet)
Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa được xem là một loại nguồn lực đặc biệt phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và nhân văn. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII năm 2021, đã khẳng đinh: “Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả”[1].
Trong các nguồn lực văn hóa hết sức phong phú, đa dạng ở Việt Nam, nguồn lực văn hóa phục vụ sự phát triển du lịch hiện đang được quan tâm khai thác và phát huy hiệu quả cao. “Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái” là điểm nhấn trong việc phát huy nguồn lực văn hóa phục vụ sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Thanh Hóa hôm nay. Lễ hội này được tổ chức lần đầu tiên vào tối ngày 6/4/2019 tại Di tích lịch sử danh thắng quốc gia Hòn Trống Mái (thành phố Sầm Sơn) nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương và thu hút khách du lịch. Từ đó đến nay, Lễ hội được xem là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động du lịch hè ở biển Sầm Sơn hằng năm. Tuy nhiên, một số năm trước có sự gián đoạn bởi sự ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19.
Hòn Trống Mái là di tích danh thắng nằm trên dãy núi Trường Lệ, thuộc địa phận phường Trường Sơn, gần với bãi biển Trường Lệ và đền Cô Tiên, cách bãi biển Sầm Sơn khoảng hơn 2km về phía Tây Nam. Di tích này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962. Vẻ đẹp của danh thắng này là ba phiến đá lớn được xếp đặt tự nhiên, một phiến lớn phía dưới như là cái bệ với hai phiến phía trên nhìn chênh vênh nhưng rất chắc chắn, một hòn có đầu nhọn trông giống hình dáng con gà trống, một hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái.
Điều làm cho danh thắng này được nhiều người quan tâm và trở nên có ý nghĩa chính là các tích truyện dân gian được lưu truyền nơi đây. Câu chuyện kể về cặp vợ chồng làng chài ven biển Sầm Sơn trải qua nạn đại hồng thủy, mọi thứ trên mặt đất bị quét sạch, không còn gì để ăn. Một hôm người chồng lên núi kiếm thức ăn nhưng không may bị chết, người vợ đi tìm và gục xuống bên xác chồng. Điều đó làm cảm động thần tiên, nên đã hóa phép họ thành đôi chim, sau đôi chim không muốn bay về trời mà muốn ở lại gắn bó với quê hương, nên thần tiên đã hóa kiếp thành đá như Hòn Trống Mái chúng ta thấy ngày nay. Có dị bản dân gian khác kể về chàng ngư phủ gặp con cò trắng bị kiệt sức giữa giông bão, đã đem về chăm sóc. Song cò trắng đó chính là nàng tiên bị đày xuống hạ giới, nàng đã kết duyên cùng chàng ngư phủ, nguyện ở lại trần gian, không quay về tiên giới. Điều đó làm Ngọc Hoàng nổi giận, sai người trừng phạt, nàng tiên dùng phép hóa nàng và chồng thành đôi chim đá để mãi sánh đôi cùng nhau…
Hòn Trống Mái không chỉ là cảnh quan đẹp và độc đáo của thiên nhiên ban tặng, mà đó còn là biểu tượng của tình yêu, hạnh phúc, thủy chung, và sự gắn bó với quê hương. Vì vậy, thành phố Sầm Sơn tổ chức “Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái” là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần khơi dậy những giá trị văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của vùng danh thắng có bãi biển đẹp nổi tiếng ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để thành phố Sầm Sơn giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người xứ Thanh đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hòn Trống Mái (Thanh Hóa). Ảnh tư liệu
“Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái” năm 2023 diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4, ngoài ý nghĩa phục vụ người dân và du khách mở đầu mùa du lịch hè, còn là hoạt động, sự kiện quan trọng kỷ niệm 60 năm đô thị Sầm Sơn (19/4/1963-19/4/2023). Cùng với Lễ hội Tình yêu, năm nay thành phố Sầm Sơn còn tổ chức rất nhiều hoạt động hấp dẫn và ý nghĩa khác. Trong đó, các giá trị văn hóa truyền thống trở điểm nhấn đặc sắc, được đánh thức để đồng hành cùng sự phát triển của địa phương như: Lễ hội Cầu phúc, đền Độc Cước vào các ngày từ mùng 5 đến mùng 7/3; lễ hội bánh chưng - bánh giầy vào ngày 09/6; lễ hội cầu ngư, bơi chải các ngày 1, 2/7/2023… Thành phố Sầm Sơn đã xác định để tạo nên sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng thì cần phát huy hiệu quả những nguồn lực văn hóa như các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, các nghề truyền thống và các giá trị văn hóa khác. Đó là những định hướng quan trọng nhằm phát triển du lịch địa phương theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện.
Được biết, năm 2022, thành phố Sầm Sơn đã tạo nên kỷ lục khi đã đón được 7,05 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Con số đó đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của tỉnh Thanh Hóa khi đón được 11,01 triệu lượt khách với 20.038 tỷ đồng doanh thu, đứng thứ 3 cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội). Năm 2023, thành phố Sầm Sơn đặt kỳ vọng sẽ đón 7,2 triệu lượt du khách để vượt kỷ lục của chính mình và nhằm góp phần đạt được mục tiêu của tỉnh nhà là đón 12 triệu lượt khách.
Như vậy, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn vừa làm tốt công tác tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm đô thị Sầm Sơn, vừa xây dựng những sản phẩm du lịch từ việc khơi dậy những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, kết nối truyền thống với hiện tại. Trong bối cảnh rất nhiều địa phương tập trung phát triển du lịch, sức cạnh tranh ngày càng lớn, thì các các hoạt động này sẽ là điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách, góp phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa. Đô thị Sầm Sơn đang từng bước xây dựng và phát triển trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.146.
Anh Vũ