Lễ hội Vật cầu nước là hoạt động văn hóa truyền thống lâu đời ở tỉnh Bắc Giang. Lễ hội được tổ chức bốn năm một lần tại Đền Hạ làng Vân, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, là dấu ấn khẳng định sự duy trì của là tín ngưỡng thờ thần mặt trời, khát vọng chinh phục thiên nhiên, niềm tin và tính cố kết cộng đồng trong sinh hoạt, sản xuất từ truyền thống tới hiện đại.
Quân cầu vào dâng hương trước trận đấu. Ảnh: Internet
Lễ hội vốn được tổ chức vào 12-15/4 Âm lịch theo điều lệ và quy ước của làng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Lễ hội có những giai đoạn không được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên kể từ khi được nhà nước hỗ trợ kinh phí từ năm 2002, Lễ hội được khôi phục bản sắc, được tổ chức quy củ, quy mô, đúng nghi thức và đều đặn bốn năm một lần, thu hút sự tham gia và tham quan của đông đảo người làng và du khách trong và ngoài tỉnh.
Điểm nổi bật trong hoạt động của Lễ hội, ngoài phần nghi lễ tâm linh, chính là màn thi đấu vật cầu cực kỳ sôi động và hấp dẫn giữa sân đền. Hoạt động này không chỉ là trò chơi mang tính cổ động, giải trí, lôi cuốn khán giả mà đằng sau đó là bối cảnh văn hóa, lịch sử rất sâu sắc, bởi nó gắn với truyền thuyết và sự kiện lịch sử theo tục truyền của làng. Tục truyền rằng: Trước đây, hai anh em Trương Hống, Trương Hát phò Triệu Quang Phục đánh giặc Lương, khi đánh thắng quân Lương ở đàm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy quả, chúng xông ra chống lại quân nhà Thánh. Hai bên xung trận, bọn quỷ đen ra điều kiện rằng: Nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn. Còn nếu thua, chúng sẽ phải quy phục theo hầu nhà Thánh, Chiến trận xảy ra, cuối cùng bọn quỷ đen thua trận đã phải quy phục Đức thánh Tam Giang ở đây. Khi thắng trận, dân mở hội ăn mừng chiến thắng, trong đó có các quân cầu là biểu trưng cho lũ quỷ nước nêu trên, hội vật cầu nước với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Quả cầu là dương tượng trưng cho Mặt trời, lỗ cầu tượng trưng cho âm thể hiện nét văn hóa phồn thực lâu đời, khi ước vọng âm dương hòa hợp, vạn sự bình yên, thuận theo tự nhiên, cuộc sống mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Việc phân chia đội hình thi đấu vật cầu nước được tiến hành rất tỉ mỉ. Mỗi người tham gia vật cầu được gọi là quân cầu. Trước đây, quân cầu do các đội trong làng, gọi là giáp, cử ra. Làng Vân xưa gồm 4 giáp, mỗi giáp được cử 4 người, tổng cộng 16 người. Nay làng được chia thành 5 xóm nhưng số người ở các xóm cũng vẫn giữ nguyên để đảm bảo công bằng, cộng với 4 người dự phòng. Tiêu chuẩn để làm quân cầu là những trai làng chưa vợ, khoẻ mạnh, không có vận áo xám, bệnh tật, không có can phạm, can án. Làng cử ra một ban huấn luyện để dạy cho các quân cầu cách đi đứng, cách để tay, cách ngồi, cách chơi cầu… Đến giờ quy định, các quân cầu được người luyện quân đưa ra sân hội. Sân cầu phía trước đền Hạ, hình chữ nhật rộng khoảng 200m2. Các quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ Thánh. Lễ xong, tất cả quân cầu được lên sân đền Hạ để uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa. Cỗ trận là các loại hoa quả như dưa hấu, vải và rượu bày trong 4 mâm, mỗi mâm 4 bát, 4 đĩa. Tất cả đều dùng que tre vót nhọn để ăn. Vừa ăn, họ vừa cười nói vui vẻ.
Chiêng trống nổi lên ba hồi, hội vật cầu chính thức diễn ra. Quân cầu được xếp thành 4 hàng ở trong sân cầu. Trống nổi lên, tất cả quân cầu vào trận. Trước khi tranh cầu, hai bên cho người vào vật thờ ở giữa sân cầu. Vật thờ cũng là nét văn hoá dân gian độc đáo thể hiện sự thành kính trước các vị Thánh được thờ ở đền. Vật thờ 3 keo xong theo hiệu lệnh của ông Cai đám thì vật cầu nước. Sau lễ vật thờ, các quân cầu làm lễ Thánh. Họ trong các tư thế hai tay đan vào nhau đặt trước bụng, giơ ngang tầm mắt, rồi đặt trước trán, cúi sát đất, quỳ gối, phủ phục, lễ Thánh. Tất cả làm như thế 5 lần. Quân cầu lại chuyển thành vòng tròn, tay trái giữ bụng, tay phải giơ cao đi vòng quanh sân cầu 5 lần vừa đi vừa hô vang "hí hạ, hứ hẹ" tỏ rõ sự vui mừng khôn xiết. Từ vòng tròn, quân cầu lại chia thành hai hàng, mỗi hàng có một người đứng ra khoác tay, giáp vai nhau thể hiện sự đoàn kết rồi bắt đầu vào lễ vật cầu nước.
Quả cầu được đưa vào trận thi đấu. Ảnh: nhandan.vn
Màn vật cầu nước bắt đầu sau khi có hiệu lệnh của ông Cai đám, xóm Đương cai bê quả cầu đang đặt trước cửa đền Hạ ra giữa sân cầu rồi nổi trống lệnh để vào vật. Khi ông Cai đám gieo cầu vào sân, hai bên xô vào tranh cầu bỏ vào lỗ cầu của đối phương, nếu bỏ được là thắng. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai… Trận đua cướp cầu diễn ra sôi nổi trong tiếng hò reo của dân làng. Các quân cầu đang ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu vừa reo hò và tranh nhau quả cầu để thả vào lỗ của bên đối phương. Ba người làm nhiệm vụ huấn luyện quân cầu cũng đồng thời là những người cầm trịch. Nếu cầu ở giữa sân thì người đánh trống nhẹ nhàng, khoan thai nhưng khi cầu đã được đưa ra đến gần lỗ của đối phương thì trống giục liên hồi để thúc quân. Cầu gần ra ngoài vạch thì đánh trống cắc. Lúc ấy hai bên không tranh nhau cầu nữa vì nếu như một bên nào đó có bỏ được cầu vào lỗ của đối phương thì quả cầu ấy cũng không được tính. Luật quy định: Dưới đánh lên, trên đánh xuống, đánh trong vòng 2 giờ thì giải lao. Khi nghe tiếng trống cắc, cắc, cắc… quân cầu lại bê cầu vào vị trí giữa sân để chờ hiệu lệnh của người cầm trịch điều khiển. Do vậy, người điều khiển cuộc chơi phải là những người am hiểu về luật lệ và khỏe mạnh. Trong hội vật cầu, vì đền quay mặt về hướng Tây nên hai hướng cầu ở phía Bắc và Nam. Trong khi chơi, nếu bên phía Nam thắng là điều tốt lành cho làng. Năm đó, sẽ mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc. Cuộc tranh đua cũng rất khó vì khi vào lỗ cầu, bên bị tấn công cho người ngồi vào giữ lỗ cầu. Lỗ vừa lọt quả cầu mà có người giữ lỗ thì rất khó thắng, bởi thế nếu găng vật cầu nước có thể diễn ra 2, 3 ngày. Thường mỗi bên thắng một trận và một trận hoà. Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu rồi lại đặt lên đẳng để làm lễ tạ Thánh. Quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ Thánh rồi tất cả chạy ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu.
Với những giá trị đặc sắc và bền vững, Lễ hội Vật cầu nước làng Vân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 63/QĐ-BVHTTDL ngày 12 tháng 01 năm 2022. Lễ hội Vật cầu nước vừa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng, vừa là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, cổ vũ, khích lệ tinh thần đoàn kết của nhân dân trong và ngoài làng. Các thế hệ người làng Vân đã lưu giữ và duy trì truyền thống này từ thế kỷ thứ 6 cho tới ngày nay, tạo nên viên ngọc quý trong đời sống văn hóa đặc sắc của quê hương.
Phan Thị Hoài