“Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi năm 2024” từ ngày 22/4 – 5/5/2024 diễn ra tại huyện đảo Lý Sơn và một số địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức với quy mô lớn, có ý nghĩa kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai, và đặc biệt, như một dấu ấn quan trọng khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Nghi thức thả thuyền nhân ra biển trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: VOV
Thể hiện chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua nguồn gốc của Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa bắt nguồn từ sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa. Theo nhiều nguồn sử liệu, từ thời chúa Nguyễn đã ý thức rõ nguồn tài nguyên lớn, khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, nên đã lập ra một đội dân binh 70 người mang tên Đội Hoàng Sa và sau này là cả Trường Sa. 70 suất đinh đó được phân đều cho các tộc họ, theo nguyên tắc luân phiên nhau. Nhiệm vụ của đội là đưa thuyền ra đo đạc thủy trình, sửa cột mốc chủ quyền, thu thuế thuyền bè qua lại và đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa trong sáu tháng mùa biển lặng. Đội Hoàng Sa đi từ đảo Lý Sơn đến quần đảo Hoàng Sa bằng những chiếc ghe câu thô sơ. Nếu tính từ Đội Hoàng Sa và sau này là được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải), hoạt động liên tục khoảng trên ba thế kỷ thì có hàng vạn người trong đội quân này đã tuân lệnh triều đình, lênh đênh trên biển trong 6 tháng liên tục, để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trong hành trình đi làm nhiệm vụ này, lính Hoàng Sa ngoài mang theo lương thực, nước uống trong 6 tháng, họ phải chuẩn bị cho riêng mình các vật dụng: 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 đôi chiếu (để quấn, nẹp, bó xác thả xuống biển nếu người lính đó tử nạn). Đặc biệt trong đó luôn có chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, quê quán, phiên hiệu để biết đâu xác trôi dạt vào đất liền hoặc ai đó vớt được sẽ biết thông tin của người xấu số. Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa trong điều kiện một đi không trở lại, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được hình thành.
Trước khi ra đi, gia đình, tộc họ sắm sửa lễ vật, thầy phù thủy nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo hay đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã gắn tên tuổi người đi. Lễ chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa được thực hiện với các nghi thức thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa trước khi thả thuyền ra biển. Người ra đi mang theo niềm tin đã có hình nhân thế mạng chết thay cho mình thì mình sẽ không phải chết nữa. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Nguồn gốc lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn có từ ngày ấy đến tận bây giờ để tưởng niệm, tri ân những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc.
Thể hiện chủ quyền biển, đảo thông qua hoạt động thường niên của một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013 ở loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân Lý Sơn – Quảng Ngãi được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch, tại điểm chính ở Âm linh tự hoặc đình làng An Vĩnh với các nghi lễ long trọng, kết hợp với các sinh hoạt văn hóa như: lễ cầu siêu, hội hoa đăng, hát bội, múa lân, lễ rước và lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống. Âm linh tự là nơi còn đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, hàng năm đều có tế tự lính Hoàng Sa và những người bỏ mình trên biển. Lễ trước đây còn diễn ra ở nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi, ở nhiều tộc họ. Vào dịp Lễ, đông đảo người dân Lý Sơn đi làm ăn xa tìm về, người dân Quảng Ngãi và du khách cũng đến với Lý Sơn để tìm hiểu, trải nghiệm. Đi cùng với việc tham dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, du khách còn được hướng dẫn đến Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được xây dựng vào năm 2010 ở Lý Sơn. Ở đây trung bày hơn 100 hiện vật của người lính Hoàng Sa cùng nhiều bản đồ và tư liệu cổ để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Năm 2024, Lý Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó xác định xây dựng Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo. Tại “Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi năm 2024” từ ngày 22/4 – 5/5/2024 diễn ra tại huyện đảo Lý Sơn và một số địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức với quy mô lớn. Hàng trăm người dân các tộc họ trên đảo Lý Sơn cùng với hàng trăm du khách các nơi tề tựu về đình làng An Vĩnh dự lễ.
Mô hình thuyền câu tượng trưng cho những đội thuyền Hải đội Hoàng Sa ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thuỷ quân Hoàng Sa - Trường Sa. Lễ thức khao lề thế lính mang nặng yếu tố tâm linh, song cũng đậm tính nhân văn cao cả. Trước đây là lễ cầu mong cho người lính Hoàng Sa bình yên trong suốt 6 tháng trời lênh đênh trên biển thì nay là sự tưởng nhớ và biết ơn đến biết bao bậc anh linh đã bỏ mình vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Vũ: là sự ngưỡng vọng, tôn vinh những người đã có công khai thác biển Đông, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc, là sự khơi gợi lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vì vậy không chỉ là trách nhiệm của nhân dân đảo Lý Sơn hay nhân dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, mà còn là của tất cả chúng ta, những hậu thế của các bậc tiền bối anh hùng năm xưa.
Triều Nguyễn