Cách mạng tháng Tám đã chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Điều đó được đánh dấu bằng lễ thoái vị của Bảo Đại tại Huế. Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã từ bỏ ngai vàng của mình như thế nào ?
Sau khi tiếp được bức điện về việc Bảo Đại đồng ý thoái vị, chiều ngày 25-8-1945, Chính phủ lâm thời điện vào Huế: “Hoan nghênh tinh thần dân chủ và đoàn kết, thống nhất của Hoàng đế. Yêu cầu Hoàng Đế hạ dụ chính thức thoái vị để yên lòng dân. Đại biểu Chính phủ lâm thời sắp tới Thuận Hoá”.
Ngày 25-8-1945, phái đoàn Uỷ ban dân tộc giải phóng gồm ông Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), ông Nguyễn Lương Bằng và ông Cù Huy Cận lên đường vào Huế tiếp nhận việc thoái vị của Bảo Đại. Cùng ngày, tại Hội nghị tư vấn ở điện Kiến Trung, Bảo Đại cho thảo luận về bản Tuyên cáo thoái vị mà ông Phạm Khắc Hoè đã dự thảo từ trước. Bản Tuyên cáo viết, lúc này “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ Cộng hoà giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Đối với cá nhân ông, “sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay… lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”.
Trưa ngày 28-8-1945, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời vào đến Huế. Sáng ngày 29-8-1945, thay mặt Bảo Đại, Phạm Khắc Hoè đến đón chào phái đoàn trong cuộc mittinh của nhân dân Huế ở sân vận động. 14 giờ chiều cùng ngày, Phạm Khắc Hoè tới trụ sở Ủy ban nhân dân cách mạng trình bày với Phái đoàn đại diện Chính phủ nguyện vọng của Bảo Đại gồm ba điểm:
“1- Đề nghị Chính phủ cách mạng đối xử cho có sự thể với các lăng tẩm, đền miếu của các vua chúa nhà Nguyễn.
2- Đề nghị Chính phủ cách mạng coi những người trong hoàng tộc như những công dân khác, không có phân biệt đối xử.
3- Đối với các quan lại cũ, xin Chính phủ cách mạng cho phép mỗi người tuỳ theo tinh thần và khả năng của mình mà được đóng góp vào công cuộc giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước”.
Phái đoàn Chính phủ chấp nhận những đề nghị trên và đề ra ba điểm:
“1- Sau khi làm lễ thoái vị, Bảo Đại phải ra khỏi Đại Nội và được hưởng tất cả các quyền tự do dân chủ như mọi công dân khác.
2- Trừ những của cải thật (sự) là của riêng Bảo Đại, Nam Phương và Từ Cung (mẹ Bảo Đại) thì được đưa ra và tự do sử dụng, còn tất cả tài sản của Vua và của triều đình đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước cách mạng.
3- Các lăng tẩm, đền miếu của các vua nhà Nguyễn đều do Nhà nước cách mạng gìn giữ, việc lui tới thờ cúng ở đó được bảo đảm”.
16 giờ 30 phút ngày 29-8-1945, phái đoàn gặp Bảo Đại ở điện Kiến Trung. Bảo Đại bày tỏ sự vui lòng được trao chính quyền lại cho Chính phủ cách mạng do Hồ Chí Minh lãnh đạo, vui lòng nhận ba điểm do phái đoàn đề ra và cảm ơn Chính phủ về chủ trương đối với tôn miểu, lăng tẩm của nhà Nguyễn. Ông Trần Huy Liệu hoan nghênh thái độ của Bảo Đại trong việc thoái vị và nhấn mạnh chính sách của Chính phủ là đoàn kết toàn dân để giữ vững độc lập và xây dựng đất nước. Thời gian tổ chức lễ thoái vị của Bảo Đại được ấn định.
16 giờ chiều ngày 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam được tổ chức trọng thể trước lầu Ngọ Môn kinh thành Huế. Hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế đến dự. Để có ấn tượng sâu sắc trong lễ thoái vị, thể theo đề nghị của Bảo Đại, phái đoàn đại diện Chính phủ cho phép treo lại cờ quẻ ly lên cột cờ Ngọ Môn.
Mở đầu buổi lễ, ông Trần Huy Liệu phát biểu về nhiệm vụ của việc Phái đoàn đại diện Chính phủ lâm thời vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại; thông báo lễ Độc lập sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2-9-1945 và Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ông cũng công bố trước đồng bào Thừa Thiên - Huế danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong lễ phục chỉnh tề - khăn vàng, áo vàng, quần trắng, dày dừa thêu rồng, Bảo Đại xúc động đọc bản Tuyên cáo thoái vị trước đông đảo quần chúng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Bảo Đại được nói chuyện trước công chúng, cũng là giờ phút cuối cùng của triều Nguyễn. Cờ quẻ ly, một sản phẩm của chế độ Nhật thuộc ngắn ngủi, được hạ xuống và cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mới được kéo lên giữa những tràng vỗ tay và tiếng hoan hô như sấm, đan xen bởi những phát súng nổ vang trời chào Quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh. Người kéo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lên kỳ đài phía trước Hoàng thành Huế ngày 30-8-1945 là Đặng Văn Việt, con Thượng thư triều Nguyễn Đặng Văn Hướng. Ông là thành viên của tổ chức Nguyễn Tri Phương, được Trần Hữu Dực, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế lúc đó giao nhiệm vụ treo cờ Việt Minh lên kỳ đài Ngọ Môn.
Các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và tiếp nhận Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm trong vỏ nạm ngọc do Bảo Đại chuyển giao cho Chính phủ.
Sau khi thoái vị, trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn Chính phủ lâm thời (Ảnh Tư liệu)
Trần Huy Liệu đọc diễn văn, nêu rõ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam; tuyên bố xoá bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam; nhấn mạnh chính sách của chính thể dân chủ cộng hoà là đoàn kết mọi tầng lớp quốc dân để giữ nước và dựng nước. Hàng vạn quần chúng đồng thanh hô vang một góc trời: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!”. Ông Nguyễn Lương Bằng thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ tặng Vĩnh Thuỵ huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Đồng bào dự mittinh hoan nghênh người công dân Vĩnh Thuỵ. Vĩnh Thuỵ tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào.
Hồ Chí Minh nhận xét: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém. giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu cầu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”. Đó là nét độc đáo của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo tư tưởng nhân văn, chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật khởi nghĩa dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh do Hồ Chí Minh đứng đầu.
Đánh giá sự kiện Bảo Đại thoái vị, tác phẩm Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam có viết: “Ngày 30 tháng Tám, Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền lợi của ông ta. Sự từ bỏ như vậy là đã “hợp pháp hoá”, theo một số truyền thống ngày nay đã được thừa nhận trên thế giới. Chính quyền cách mạng đã được thừa nhận, hợp pháp hoá một cách vẻ vang nhất bởi sự tham gia cuồng nhiệt của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Đó chính là phương thức chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam để chuyển sang một chính thể mới, chính thể cộng hoà dân chủ.
Vũ Quang