Người Ê Đê thường trải qua rất nhiều nghi lễ trong tín ngưỡng vòng đời. Trong đó, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành trở thành một chàng trai, trở thành người đàn ông biết gánh vác mọi công việc của gia đình, dòng họ và buôn làng thì không thể bỏ qua Lễ cúng trưởng thành (tiếng Ê-đê gọi là Mpú Tuh-Kông).
Lễ cúng trưởng thành, tiếng Ê Đê gọi là Mpú- Tuh-kông. Ảnh: Nguồn Internet
Người Ê Đê quan niệm thế giới có ba tầng là tầng trời, tầng đất và tầng dưới đất. Ở ba tầng đó đều có các vị thần ngự trị và chi phối cuộc sống của con người, “là sự hoàn thiện cao nhất cả về thể xác và tâm thức, hiểu biết, thông minh, trung thực, cao thượng, vị tha,…”[1]Ngoài ra, còn có các vị thần trú ngụ ở khắp mọi nơi như Thần nương rẫy (yang hma), Thần tổ tiên (yang atâo), Thần búi tóc (yang mboh buk) và các thần linh (yang) chi phối đến cuộc sống của con người và thế giới xung quanh.[2] Với quan niệm “vạn vật hữu linh” nên người dân Ê Đê theo tín ngưỡng đa thần và mọi vật đều có linh hồn được gọi là yang. Mỗi người khi sống đều có phần xác (asei mlei) và phần hồn (mngăt). Khi con người chết đi, phần hồn mngăt trở thành các atâo (linh hồn người chết) và trước khi làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết (atâo) vẫn tồn tại quanh mộ. Sau lễ bỏ mả, linh hồn người chết trở về với thế giới tổ tiên, biến thành giọt sương có dịp sẽ đầu thai vào con cháu trở lại thành người sống ở trần gian. Người Ê Đê luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống con người. Người Ê Đê quan niệm rằng con người khoẻ mạnh hay ốm đau là phụ thuộc vào linh hồn. Nếu phần hồn (mngăt) khoẻ mạnh thì thân xác khoẻ mạnh và phần hồn (mngăt) ốm yếu thì thân xác ốm yếu. Do đó, trong cuộc đời mỗi người Ê Đê từ khi sinh ra cho đến khi chết trải qua rất nhiều nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng vòng đời và các lễ hội gắn với tín ngưỡng của cộng đồng.[3] Khi một đứa trẻ mới sinh ra được làm Lễ đặt tên- thổi tai, Lễ cúng cầu sức khỏe (được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đời, tùy theo khả năng của từng gia đình). Khi trưởng thành được làm Lễ trưởng thành. Khi lập gia đình được làm Lễ cưới, Lễ cầu sinh đẻ dễ và khi chết thì tổ chức Tang ma và Lễ bỏ mả.
Nghi thức cúng trong Lễ trưởng thành. Ảnh: Nguồn Internet
Người Ê Đê quan niệm, con người muốn mạnh khỏe, thành đạt thì phải thực hiện các nghi lễ với thần linh để mong sự phù hộ của thần linh, trong đó, lễ cúng trưởng thành là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người. Theo quan niệm của người Ê Đê, từ khi sinh ra đến khi trở thành chàng trai, người đàn ông phải biết săn bắn và thu hái các sản vật từ rừng, diệt trừ thú dữ về hại con người, buôn làng và phá rẫy. Ngoài ra, người đàn ông phải biết cầm kiếm, cầm khiên để chiến đấu bảo vệ buôn làng. Vì vậy, khi người con trai từ 15 tuổi đến 17 tuổi sẽ được gia đình làm Lễ trưởng thành. Lễ trưởng thành là một nghi lễ quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hoá tâm linh của người Ê Đê. Nghi lễ này khẳng định từ thời điểm này người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành và được tham gia giải quyết các công việc quan trọng của gia đình, dòng họ và buôn làng.
Lễ cúng trưởng thành được tổ chức nhiều nghi lễ và quan trọng nhất là nghi lễ lần cuối cùng. Trong nghi lễ cúng lần đầu tiên gồm có một ché rượu và một con gà. Thầy cúng làm lễ cúng xong thì người mẹ của chàng trai sẽ đến ché rượu cần để mời mọi người trong làng cùng uống rượu. Nghi lễ cúng lần thứ hai gồm có 3 ché rượu và 3 con gà. Nghi lễ cúng lần thứ ba gồm có 3 ché rượu và 1 con lợn. Nghi lễ cúng lần thứ 4 gồm có 5 ché rượu và 1 con lợn thiến. Nghi lễ cúng lần thứ 5 gồm có 7 ché rượu và 1 con lợn thiến.
Lễ trưởng thành được bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt của chàng trai ngoài bến nước với ý nghĩa lột xác để trở thành một người trưởng thành. Sau đó, chàng trai hứng bầu nước mát về cúng thần như muốn hiến dâng cho thần linh sự trong trắng tinh khôi của mình. Về đến nhà, chàng trai bước lên cầu thang, tay cầm thanh kiếm sắc khéo léo chém đứt hai cây chuối ở hai bên cầu thang bằng hai nhát kiếm chính xác gọn gàng và nói: Con đã cầm rìu vào rừng, nay cây lớn đã đổ, cây nhỏ đã ngã, con cầm kiếm đi trừ kẻ ác. Nay giặc phía Đông đã bị giết, con hổ phía Tây đã được trừ. Con đã làm xong mọi việc buôn làng giao cho. Con đã xứng đáng làm một người đàn ông Ê Đê của buôn làng ta.[4] Ngay đầu cầu thang ở trên sàn, người mẹ của chàng trai đã đứng chờ như chờ một người con vừa trải qua cuộc đi xa và chắc chắn cũng đầy gian khổ trở về.
Thầy cúng trong Lễ trưởng thành. Ảnh: Nguồn Internet
Lễ trưởng thành trải qua 4 lần cúng là: cúng thần bếp cai quản trong nhà Boh Tao Yang Hleang; cúng thần sinh ra và ban cho sức khỏe Yang Êssêi; cúng thần linh Yang Hleang và cúng thần trời, thần đất, thần sông, thần suối, thần núi đồi Yang Leang Kông. Sau khi cúng xong, thầy cúng sẽ đeo chiếc vòng đồng đã được gia đình chuẩn bị vào tay chàng trai. Chiếc vòng là lời khẳng định rằng buôn làng đã trao cho chàng trai sức mạnh để gánh vác những trách nhiệm lớn lao của gia đình, dòng họ, buôn làng. Khi nghi lễ này kết thúc, chàng trai sẽ được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình và buôn làng.
Lễ cúng trưởng thành cũng như nhiều nghi lễ vòng đời của người Ê Đê đã thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ cúng trưởng thành, nhiều trang phục truyền thống được sử dụng và tiếng trống, tiếng cồng chiêng hòa quyện với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của người Ê Đê.
[1] Phan Thu Hiền (1999), Sử thi Ấn Độ, Mahabharata, (tập 1) Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội, tr.116.
[2] Ngo Due Thinh, Chu Thai Son, and Nguyen Huu Thau (1996). Luat tuc Ede (Customary law of the Ede). Hanoi: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
[3] Ngo Duc Thinh. (2000). Traditional Law of the Ede, Asian Folklore Studies, Volume 59, 2000: 89-107.
[4] Ngô Đức Thịnh (chủ biên)(1995), Văn hoá dân gian Ê Đê, Sở Văn hoá - Thông tin Đắc Lắc.
Khánh An