Trong ba mươi năm đấu tranh vì sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Sài Gòn luôn là nơi châm ngòi cho những phong trào đấu tranh rộng lớn, mạnh mẽ chống các thế lực ngoại quốc xâm lăng và phản động tay sai. Chỉ sau cuộc đấu tranh ủng hộ học sinh sinh viên chưa lâu, nhân dân Sài Gòn lại tiếp tục đấu tranh phủ đầu âm mưu can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, tạo nên Ngày toàn quốc chống Mỹ
Lịch sử còn đó
Từ chỗ ủng hộ Pháp quay lại xâm lược và đô hộ Việt Nam, thực hiện chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ từng bước can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Với lực lượng quân sự hùng hậu và hiện đại của mình, Hoa Kỳ đã giễu võ dương oai, nhằm khuất phục ý chí đấu tranh giành độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Bước vào năm 1950, đối phó với việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác chính thức công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tháng 1/1950, Mỹ và Anh công nhận công nhận chính quyền Bảo Đại ngày 7/2/1950.
Ngày 23/2/1950, một phái đoàn kinh tế Mỹ do A. Griffin cầm đầu đến Sài Gòn, tiếp theo đoàn khảo sát tình hình của Đại tá Jessup đến Đông Dương gặp Bảo Đại. Ngày 16/3/1950, Mỹ xúc tiến kế hoạch thao diễn lực lượng Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương, dọc ven biển Trung Việt. Ngày 14/3/1950, Tư lệnh hạm đội Mỹ, Thủy sư đô đốc Russel S. Berkey đi trên soái hạm Stickwell cùng với khu trục hạm Anderson đến cảng Sài Gòn với ý định biểu dương lực lượng nhằm uy hiếp tinh thần dân Việt Nam, tạo thế chính trị cho Bảo Đại.
Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn quyết định đánh phủ đầu can thiệp Mỹ bằng đòn đấu tranh phối hợp quân sự và chính trị.
20 giờ 20 phút ngày 18/3/1950, đội biệt động của Trung đoàn 300 do Nguyễn Văn Bứa và Lê Tấn Ích chỉ huy, dùng 3 khẩu cối 82 mm, bắn 20 phát đạn xuống khu vực bến Argonne (nay là Tôn Đức Thắng), gần chỗ đậu của hai tàu Mỹ trên sông Sài Gòn.
Ngày 19/3/1950, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự nội thành, hơn 300.000 đồng bào Sài Gòn đã xuống đường, tiến hành một cuộc biểu tình khổng lồ, đấu tranh trực diện với đế quốc Mỹ. Đồng bào giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Đả đảo can thiệp Mỹ, đả đảo đế quốc Pháp và bù nhìn Bảo Đại", "Đế quốc Mỹ cút đi", "Hồ Chí Minh muôn năm". Đoàn biểu tình diễu hành qua các phố chính và chia ra nhiều ngả, tiến về phía cảng. Địch dùng hơi cay đàn áp, đồng bào siết chặt đội ngũ và hành động kiên quyết hơn, đốt cháy xe quân sự của Pháp, cờ Pháp, cờ Mỹ, cờ Bảo Đại bị hạ xuống trên đường đoàn biểu tình đi qua.
Một cánh biểu tình kéo về hướng Tòa Đô Chính, thiếu tá Perrieux lái xe Jeep xông vào toan giật cờ đỏ sao vàng. Hắn bị đánh trọng thương và chết tại bệnh viện Grall. Xe jeep bị đốt. Nguyễn Phan Long, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Bộ Nội vụ ra lệnh đàn áp. Quần chúng chống lại quyết liệt. Trước khí thế của quần chúng, cảnh sát bỏ chạy. Lính Pháp đóng cửa trại. Cuộc biểu tình kéo dài tới chiều. Sợ những hành động bộc phát có thể nổ ra có cớ cho địch dùng bom, pháo hủy diệt, lãnh đạo Ban Cán sự nội thành quyết định chấm dứt biểu tình bằng cách cho một xe ôtô mui trần, hai thanh niên nam nữ giương cờ đỏ sao vàng thật lớn, mở hết tốc lực chạy qua các đường phố chính, hô to: “Cuộc biểu tình chống Mỹ đã thắng lợi, đề nghị đồng bào về nhà”. Đến 3 giờ chiều, cuộc biểu tình chấm dứt.
Chợ Bến Thành bị cháy sau cuộc biểu tình ngày 19/3/1950 (Ảnh: Cầu Minh Ngọc)
Trước sự đón chào “nồng hậu” của đồng bào Sài Gòn –Chợ Lớn, ngay trong ngày 19/3/1950, hai tàu Mỹ lặng lẽ rời Sài Gòn, kế hoạch diễn tập quân sự bị phá sản.
Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 19/3/1950 chẳng những có ý nghĩa cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, mà còn giáng một đòn phủ đầu mạnh mẽ vào ý đồ can thiệp vào Đông Dương của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên của nhân dân ta. Từ đó, ngày 19/3 hằng năm được gọi là Ngày toàn quốc chống Mỹ.
Lịch sử đã sang trang
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc hơn 40 năm. Bình thường hóa quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ cũng đã hơn 25 năm, mở ra cơ hội hợp tác toàn diện giữa các quốc gia từng là cựu thù, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau và cùng có lợi.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 5/3/2020 (Ảnh Tư liệu)
Nói một cách hình ảnh, những con tàu, hạm đội Hoa Kỳ cách đây 70 năm mang đến chiến tranh và chết chóc, bị xua đuổi phải rời đi, bây giờ đã quay trở lại. Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cần môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Trong quá trình đó, Việt Nam nói không với việc đặt các căn cứ quân sự của nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động giao lưu hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng được đẩy mạnh. Cùng với những chuyến thăm của của Tổng thống Mỹ nhằm củng cố quan hệ song phương cũng như tham dự các sự kiện đa phương, những con tàu Mỹ đã trở lại. Nhưng chúng không mang đến chiến tranh mà mang đến an ninh, an toàn, tự do hàng hải và thịnh vượng cho khu vực biển Đông vốn đã và đang còn nhiều tranh chấp. Những con tàu quân sự của Mỹ đã cập bến Đà Nẵng, Sài Gòn, nhưng không bị xua đuổi mà được chào đón nồng hậu theo đúng nghĩa của nó. Hoa Kỳ cũng đã viện trợ cho Việt Nam, trước hết là lực lượng cảnh sát biển, những con tàu tuần tra hàng nghìn tấn, góp phần để Việt Nam thực thi pháp luật, bảo vệ lãnh hải, bảo vệ ngư dân của mình.
Khép lại quá khứ đau thương, hướng tới tương lai thịnh vượng là chủ trương của hai quốc gia từng là cựu thù là Việt Nam và Hoa Kỳ. Lịch sử còn đó, nhưng đã sang trang.
Nguyễn Minh