Đơn vị hành chính lãnh thổ đặc thù là một yếu tố cấu thành trong hệ thống các đơn vị hành chính lãnh thổ của một quốc gia. Việc tổ chức các đơn vị hành chính lãnh thổ đặc thù là yêu cầu tất yếu và cần thiết trước đây cũng như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của hoạt động tổ chức quản lý vùng lãnh thổ của quốc gia
Việc tổ chức và quản lý các vùng lãnh thổ đặc thù ở Việt Nam mang tính lịch sử và dưới nhiều hình thức khác nhau, phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
Khu đặc biệt Hòn Gai, sau đó là Hồng Quảng
Là đơn vị hành chính độc lập cấp tỉnh, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ công hòa lập ra và được hình thành trong bối cảnh thành lập các liên khu kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Bắc tháng 11/1945, Trung ương Đảng cử một đoàn cán bộ cấp cao bao gồm các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Khang về Hòn Gai để kiểm tra tình hình và chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức Đảng và chính quyền cách mạng. Tại đây, phái đoàn của Trung ương Đảng đã chấn chỉnh những thiếu sót của Ủy ban nhân dân cách mạng Hòn Gai trong việc bảo đảm an ninh chính trị, xã hội và phương pháp đấu tranh chống những hành động khiêu khích của quân đội Trung Hoa dân quốc.
Căn cứ tình hình phức tạp của Khu mỏ, Trung ương quyết định tách Khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả khỏi tỉnh Quảng Yên, thành lập Khu đặc biệt Hòn Gai trực thuộc Trung ương[1] được đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 1[2]. Ban cán sự Đặc khu do đồng chí Cao Từ Kiến làm Trưởng ban. Ủy ban nhân dân cách mạng Khu đặc biệt Hòn Gai cũng được thành lập, đồng chí Trịnh Tam Tỉnh làm Chủ tịch, đồng chí Đặng Minh Chính làm Phó Chủ tịch. Hầu hết cán bộ chủ chốt của chính quyền đều là đảng viên cộng sản. Khu đặc biệt Hòn Gai gồm có thị xã Hòn Gai, thị xã Cẩm Phả và huyện Vân Đồn ngày nay.
Cuộc chiến tranh bảo vệ chính quyền cách mạng xây dựng chế độ mới ở Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên đã diễn ra vô cùng quyết liệt trong suốt những tháng cuối năm 1945. Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử của Vùng mỏ, ngày 22/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/SL thành lập Khu Hồng Quảng, trên cơ sở hợp nhất Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động, sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang). Khu Hồng Quảng được tổ chức tương đương cấp tỉnh, do Trung ương quản lý ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Tính chất Khu đặc biệt bị xóa bỏ khi nhập với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh năm 1963.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trước tình hình phức tạp của Vùng mỏ, Khu ủy đã đề ra chủ trương “yêu cầu chính của đấu tranh hiện nay là làm thế nào để địch rút đúng thời gian, không để địch có cớ gì kéo dài hoặc khủng bố. Vấn đề then chốt lúc này là phải tập trung xây dựng bộ máy chuyên chính thật sự vững chắc, đặc biệt, ở các xã vùng cao và các thị xã quan trọng”.
Cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân Khu mỏ đã làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các phần tử thực dân hiếu chiến Pháp, đế quốc Mỹ, và làm tê liệt bộ máy tay sai của địch, buộc chúng phải rút khỏi Khu mỏ theo đúng thời gian quy định của Hiệp định Geneva. Sau thời gian dài đấu tranh bền bỉ và anh dũng, Khu Hồng Quảng đã sạch bóng quân xâm lược và hoàn toàn được giải phóng.
Khu tự trị Tây Bắc và Việt Bắc
Khu tự trị Tây Bắc (1962-1975), là một đơn vị hành chính cũ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Sắc lệnh số 143-SL ngày 28/01/1953 của Chủ tịch nước, Khu tự trị Tây Bắc được thành lập gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, và Lai Châu, tách khỏi Liên khu Việt Bắc.
Khu tự trị Việt Bắc (1956 -1975) là một đơn vị hành chính cũ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiền thân của nó là Liên khu Việt Bắc và được thành lập theo Sắc lệnh số 268-SL ngày 01/7/1956 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khu tự trị Việt Bắc bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang (trừ huyện Yên Bình ), Thái Nguyên (trừ hai huyện Phổ Yên, Phú Bình) và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang (nhập vào tỉnh Lạng Sơn).
Xuất phát từ đặc thù về văn hóa, truyền thống lịch sử, tập quán và khía cạnh dân tộc, Khu tự trị Tây Bắc và Việt Bắc được thành lập để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc và Việt Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt. Thành lập Khu tự trị một mặt góp phần đập tan âm mưu chia rẽ, phá hoại của các lực lượng phản cách mạng, mặt khác, động viên tinh thần tự lực cánh sinh của nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Mục đích thành lập Khu tự trị Thái – Mèo là “làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Khu tự trị Thái - Mèo là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình Việt Nam, cùng với các dân tộc anh em khác đoàn kết thành một khối như ruột thịt. Nó sẽ luôn luôn được sự giáo dục và lãnh đạo của Đảng và Chính phủ và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em khác. Khu tự trị Thái – Mèo của chúng ta ngày nay là dân chủ, do nhân dân làm chủ. Nó khác hẳn với “Xứ Thái tự trị” giả hiệu của địch mà mục đích là để chia rẽ áp bức các dân tộc”[3].
Khu tự trị Tây Bắc và Khu tự trị Việt Bắc là một cấp chính quyền địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chính quyền trung ương. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước, “Khu tự trị” bị xóa bỏ.
Thư viện Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo năm 1979 (Ảnh tư liệu)
Đặc Khu Vĩnh Linh
Là đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1954–1976, đặc khu Vĩnh Linh được hình thành trong bối cảnh Hiệp định Geneva vừa được ký kết, có vị trí đặc biệt nằm ở ranh giới phân chia hai miền Nam - Bắc. Theo Hiệp định Geneva được ký ngày 21/7/1954, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam.
Thi hành các điều khoản của Hiệp định này, ngày 14/8/1954, phái đoàn Ban liên hợp của ta vào vĩ tuyến 17 để xác lập khu phi quân sự. Ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản giao vùng phía bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta. Với quy định này, ngày 25/8/1954, phần đất Vĩnh Linh thuộc bắc sông Bến Hải với diện tích gần 800 km2 được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, Vĩnh Linh trở thành khu vực đặc biệt (Ðặc khu Vĩnh Linh) trực thuộc Trung ương [4].
Đặc khu Vĩnh Linh có nhiệm vụ quan trọng bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vĩnh Linh từng được cả thế giới biết đến với những tên gọi: "Lũy thép anh hùng", "Ðất kim cương"...; được Bác Hồ 8 lần gửi thư khen. Sau khi thống nhất đất nước, Khu Vĩnh Linh lại trở thành một huyện của tỉnh Quảng Trị.
Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo
Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (1979-1991) là một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương ngày nay nằm ở miền Đông Nam Bộ. Đặc khu được thành lập năm 1979[5] với mục đích xây dựng một đặc khu để phát triển nhằm phục vụ phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí mới thành lập của Việt Nam là dầu mỏ và khí đốt, cùng với đó nhằm phát triển kinh tế và quốc phòng đối với vùng biển Đông Nam của đất nước. Đến năm 1991, vì nhiều lý do khác nhau Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo bị xóa bỏ sau 12 năm tồn tại.
Như vậy, trong tiến trình phát triển của đất nước, Đảng và nhà nước ta hình thành các đơn vị hành chính đặc thù, theo từng giai đoạn, từng nhiệm vụ cụ thể, các đặc khu hành chính được đặt dưới sự lãnh đạo, quản lý và thực thi chủ quyền của Đảng và Nhà nước nhưng thực hiện các chính sách và thể chế quản lý kinh tế mang tính đặc thù. Chính những đơn vị hành chính đặc thù này đã tạo điều kiện và những tiền đề về sau để Đảng và Nhà nước ta hình thành những đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…
Đinh Thanh
[1]. Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 19/7/1946, tạm lập tại tỉnh Quảng Yên một khu đặc biệt gồm châu Cẩm Phả, thị xã ( Cẩm phả mỏ, Cẩm Phả bến, Bãi Cháy, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai) gọi là Khu đặc biệt Hòn Gai. Ủy ban Hành chính Khu đặc biệt chịu quyền điều khiển và kiểm soát trực tiếp của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ.
[2]. Nghị định số 142-NV/3 ngày 19/7/1949 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[3] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr. 453-454.
[4] Nghị định số 551 ngày 16/6/1955 của Chính Phủ, về việc thành lập khu vực Vĩnh Linh.
[5] . Nghị quyết Quốc hội, ngày 30/5/1979 về việc thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương.