Mỹ từng tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam trong những năm 1964-1968 và năm 1972, sử dụng những vũ khí hiện đại bậc nhất. Để chống lại có hiệu quả cuộc chiến tranh phá hoại, Việt Nam cần những vũ khí hiện đại hơn những khẩu súng trường và súng máy đã có từ thời chiến tranh thế giới thứ hai. Liên xô đã giúp Việt Nam các loại vũ khí đó.
Nhà sử học người Nga Ilia V. Gaiduk từng viết: Việt Nam không thể tự cung cấp vũ khí tinh xảo nhất, như máy bay siêu thanh, tên lửa và ra đa hoặc số lượng đầy đủ ngay cả những vũ khí đơn giản hơn. Trong khi đó, cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù hùng mạnh như “đế quốc Mỹ” đòi hỏi hậu cần thật vững chắc có khả năng cung cấp mọi phương tiện để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Việt Nam không thể giải quyết những vấn đề này nếu không có sự giúp đỡ của các đồng minh xã hội chủ nghĩa, mà chủ yếu là Liên xô.
Giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khối lượng lớn vũ khí
Tháng 2-1965, đoàn đại biểu của Liên xô, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin đã tới Hà Nội. Đúng thời điểm này, không lực Hoa Kỳ mở chiến dịch ném bom quy mô xuống miền Bắc Việt Nam. Một sự trùng hợp không biết ngẫu nhiên hay có chủ ý, nhưng dường như Hoa Kỳ đã thách thức sự ủng hộ của Liên xô đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Kosygin, vốn là người luôn luôn trầm tĩnh và kín đáo, đã nổi giận vì sự thách thức trắng trợn đó. Ông gọi điện về Moskva báo cáo tình hình, nêu ý kiến rằng, sự đáp trả tốt nhất đối với hành động hiếu chiến của Hoa Kỳ là cần viện trợ quân sự một cách nhanh chóng và quy mô lớn cho Việt Nam.
Sau chuyến thăm này, Liên xô đã cung cấp giúp Việt Nam hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay, phi công và đội ngũ kỹ thuật viên nhằm bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố quan trọng khác. Ngay trong nửa đầu năm 1965, những máy bay chiến đấu của Liên xô đã được chuyển sang miền Bắc Việt Nam. Đó là 15 chiếc MIG 15 và MIG 17 cũng như một số máy bay ném bom IL- 28.
Sự giúp đỡ của Liên xô tăng dần từ năm 1965 đến năm 1968.Đến năm 1968, Liên Xô đã chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách các nước ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam.
Liên xô đã giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khối lượng lớn vũ khí, trong đó rất quan trọng là vũ khí phòng không, không quân. Cụ thể là đã viện trợ 647 bộ điều kiển tên lửa, 1.357 bệ phóng tên lửa, 10.169 quả đạn tên lửa, 23 quả tên lửa SA 75 M , 8.686 quả đạn tên lửa VT 50 v, 2 Trung đoàn tên lửa S 125 (SAM 3), 480 quả đạn tên lửa K681 và 316 chiếc máy bay chiến đấu (MIG 17 và MIG 21). Ngoài ra, vào giai đoạn cuối chiến tranh chống không quân Mỹ, tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “ Strela-2” cũng được bắt đầu sử dụng.
Giúp đỡ huấn luyện phi công chiến đấu, điều khiển tên lửa
Những đoàn chuyên gia quân sự Liên xô đầu tiên đến Việt Nam được giữ bí mật, được bố trí ở trong rừng. Nhiệm vụ của họ là đào tạo bộ đội Việt Nam trong ba tháng để bộ đội Việt Nam có thể điều khiển hệ thống hỏa tiễn đối không S-75 (SAM 2). Chuyên gia Liên xô hoạt động theo nguyên tắc, nếu chiến đấu thành công ba lần, thì chuyên gia Liên xô sẽ giao cho bộ đội Việt Nam tự điều khiển thiết bị, họ chỉ còn giữ vai trò chuyên gia.
Trong giai đoạn đầu, thậm chí, bộ quần áo đặc chủng dùng đổ nhiên liệu cho tên lửa người Việt Nam còn không mặc được do nặng nề và nóng bức, do sức khỏe không bảo đảm, các chuyên gia Liên xô cũng phải thực hiện công việc đó.
Các chuyên gia Liên xô cho rằng việc học tập điều khiển tên lửa SAM 2 là một việc làm không dễ dàng nhưng họ cũng thừa nhận bộ đội Việt Nam học hỏi rất nhanh tiến bộ và sớm làm chủ vũ khí. Việc huấn luyện các phi công có phức tạp hơn. Thứ nhất, về kỹ thuật, máy bay là phương tiện kỹ thuật phức tạp. Thứ hai, về thể lực, phần lớn các phi công Việt Nam có vóc dáng nhỏ người và có thể lực yếu hơn so với các phi công Liên xô, họ chịu lực quá tải kém hơn, ca bin máy bay cũng “hơi rộng” so với khổ người của phi công Việt Nam.
Theo các chuyên gia Nga, có lẽ vì lý do này mà các phi công Việt Nam cho đến cuối chiến tranh vẫn thích MiG-17 chỉ được trang bị súng máy hơn là MiG-21, được trang bị thêm tên lửa tầm nhiệt. MiG-17 dễ khai thác sử dụng, kích thước nhỏ hơn và tốc độ thấp hơn, vì thế phi công chịu lực quá tải ít hơn, nhưng lại rất cơ động.
Ngoài việc đào tạo trực tiếp tại chiến trường, Liên Xô còn giúp đào tạo sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam tại Liên xô. Riêng trong năm 1966, có 2.600 người Việt Nam được gửi đi đào tạo tại Liên Xô để phục vụ ngành không quân và phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1972, 2 trung đoàn tên lửa SAM 3 đã được đào tạo cấp tốc tại Liên xô để chuẩn bị đối phó với các đợt không kích bằng B52 của Mỹ. Tuy nhiên, khi 2 trung đoàn này về nước, triển khai vị trí chiến đấu thì những quả tên lửa SAM 3 vẫn đang nằm trong các toa tàu tại Trung Quốc.
Đoàn không quân "Sao Đỏ" được trang bị MiG-21, đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang
trong chiến dịch "Điện Biên phủ trên không" tháng 12- 1972 (Ảnh tư liệu)
Chiến đấu trực tiếp trên chiến trường
Từ 1965 đến 1974 đã có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam.
Trong các vũ khí phòng không và không quân Liên xô giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khi tiếp thu khá nhanh việc sử dụng pháo cao xạ và máy bay MIG, người Việt Nam nắm bắt việc sử dụng tên lửa khó khăn hơn. Chính vì vậy mà ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, chính các chiến sỹ tên lửa Liên Xô đã sử dụng S-75.
Hoa Kỳ cho rằng, trong năm 1965 các bệ phóng tên lửa gần như chắc chắn sẽ phải do quân đội Liên xô vận hành vì đến lúc này, chưa có người Bắc Việt Nam nào được đào tạo để điều khiển tên lửa đất đối không. Tình báo Mỹ cho rằng: vào tháng 9-1965, có khoảng 1.500 đến 2.500 sĩ quan, chiến sĩ quân đội Liên xô đang có mặt tại miền Bắc Việt Nam, chủ yếu để vận hành SAM, ngoài ra là các chuyên gia đào tạo và hỗ trợ. 150 phi công Liên xô được báo cáo cũng có mặt tại Bắc Việt Nam. Cuối năm 1967, Hoa Kỳ cho biết có 1.165 chuyên gia quân sự Liên xô tại Việt Nam, chịu trách nhiệm bảo trì các loại vũ khí khác nhau và ra đa, phần lớn là nhân viên vận hành SAM.
Những quả tên lửa S-75 đầu tiên được phóng trên lãnh thổ Việt Nam là vào ngày 24-7-1965. Chỉ bằng 2 quả tên lửa, Trung đoàn tên lửa phòng không số 236 Quân khu phòng không Matxcova (đang có mặt tại Việt Nam) đã bắn hạ 03 chiếc F-4 “Con ma” bay ở độ cao 7.000 m trên bầu trời Bất Bạt, tỉnh Hà Tây. Thượng úy Konstantin Vladislaw Michailowitsch chính là một trong những sĩ quan Liên Xô tham gia trận đánh.
Trước khi có tên lửa Liên xô tham chiến, không quân Mỹ coi Bắc Việt Nam là khu vực tác chiến an toàn, họ gọi các phi vụ đi ném bom Bắc Việt Nam là “đi lấy sữa”, ám chỉ việc phá hoại nguồn viện trợ của hậu phương miền Bắc Việt Nam cho miền Nam Việt Nam. Nhưng từ khi có tên lửa SAM tham chiến, mọi chuyện đã thay đổi. Cho đến năm 1972, thậm chí phi công Mỹ đùn đẩy nhau hoặc bất tuân lệnh khi buộc phải bay vào bầu trời Hà Nội.
Con số tổn thất trong tác chiến của các lực lượng vũ trang Liên xô trên lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7-1965 đến cuối năm 1974 được công nhận chính thức là 13 người.
Góp phần đặc biệt quan trọng hạ bệ uy thế không lực Hoa Kỳ
Về phòng không, trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại, các đơn vị tên lửa SAM 2 đã đánh 3.542 trận, có 588 trận đánh đêm, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ và có 43 máy bay B52, trung bình 7,1 quả đạn tiêu diệt 1 máy bay.
Về không quân, lực lượng không quân khổng lồ, được huấn luyện và trang bị cực kỳ tốt của Mỹ đã không thể nào đánh bại được lực lượng không quân non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thành tích xuất sắc nhất trong không chiến thuộc về các phi công MiG-21. Hai chiếc B-52 do Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều bắn rơi, từ 38 đến 44 chiếc F-4, từ 16 đến 24 F-105, 02 F-8, 01 F-102, 01 A-4 ( hoặc là A-7) , 01 hoặc 3 chiếc EB-66C, 01 hoặc 02 RF-101, 01 RA-5C, 01 máy bay lên thẳng HH-53 đã bị không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi.
Xác một máy bay Mỹ bị bắn rơi (ảnh Tư liệu)
Qua hai cuộc chiến tranh phá hoại, trong số 2.242 máy bay do Quân chủng Phòng không- Không quân bắn rơi, có 1.357 chiếc do pháo cao xạ, 760 chiếc do bộ đội tên lửa và 305 chiếc do máy bay tiêm kích. Mặc dù theo thống kê này, bộ đội tên lửa và bộ đội không quân bắn rơi ít máy bay hơn lực lượng pháo cao xạ, nhưng đó lại là những loại máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ, nên tác động vô cùng lớn. Riêng thành tích trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, bộ đội tên lửa bắn rơi 30 chiếc, không quân bắn rơi 2 chiếc, trong tổng số 34 máy bay B52.
Mặc dù yếu tố con người giữ vai trò quyết định, nhưng những vũ khí hiện đại mà Liên xô cung cấp đã giúp quân và dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thắng lợi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ không thể tách rời sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của Liên xô.
Đó là lý do, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: sau khi đất nước thống nhất, “Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Bình Minh