Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không mang tên Linebaker II bằng pháo đài bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành miền Bắc. Kết thúc chiến dịch, Hoa Kỳ thì cho rằng họ đã đạt mục tiêu, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Vậy ai là người chiến thắng ?
Quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chúng ta đánh giá đây là một thắng lợi to lớn, cùng với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đã buộc Hoa Kỳ phải quay trở lại bàn đàm phán hòa bình tại Paris, chấp nhận những quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra nhất quán trước đó.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 10/1973 đánh giá: “Bằng cuộc chiến đấu anh dũng, tài giỏi và thông minh, quân và dân ta ở miền Bắc đã lập nên một chiến công xuất sắc, đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, bước phiêu lưu quân sự lớn nhất…đập tan âm mưu thương lượng trên thế mạnh của Mỹ... cuối cùng đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”[1].
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12/1976 nêu rõ: “ Thắng lợi rất to lớn của cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 và chiến công xuất sắc của quân và dân ta đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, cuối cùng đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi nước ta”[2].
“12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là một chiến dịch phòng không đạt tới mức tiêu diệt cao nhất, oanh liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đây cũng là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của nó. Chiến thắng này đã nhấn chìm ý đồ đàm phán trên thế mạnh của tập đoàn Ních xơn -Kít xinh giơ. Chúng không còn con đường nào khác là phải tiếp tục đàm phán trên thế yếu và cô lập”[3].
Uy thế của không lực Hoa Kỳ, đặc biệt là huyền thoại về sức mạnh bất khả chiến bại của lực lượng không quân chiến lược đã bị đập tan.
Một đơn vị cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Quan điểm của Hoa Kỳ
Mặc dù bị thiệt hại nặng nề về không quân chiến lược và chiến thuật trong 12 ngày đêm tiến hành cuộc tập kích Linebaker II, đồng thời bị dư luận quốc tế, trong đó có dư luận Mỹ, phản đối mạnh mẽ, phía Mỹ vẫn cho đây là một thắng lợi.
Phía Hoa Kỳ cho rằng, mặc dù Hiệp định đã được ký tắt vào tháng 10/1972 và “hòa bình đã ở trong tầm tay” phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thực tâm đàm phán, nên Hoa Kỳ quyết định ném bom để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại bàn đàm phán.
Robert O. Harder, nguyên là một sĩ quan Không lực Hoa Kỳ, đã cho thấy quan điểm này trong bài “Không lực Hoa Kỳ thành công trong việc buộc Bắc Việt quay trở lại bàn đàm phán, nhưng với một cái giá rất cao”, xuất bản ngày 29/12/2020. Tác giả cho rằng cuộc tập kích chiến lược đã buộc Hà Nội phải ra tín hiệu muốn quay trở lại bàn đàm phán, nói chuyện nghiêm túc và ký kết hiệp định một tháng sau đó.
Walter J. Boyne, cựu giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia ở Washington, là một đại tá Không quân đã nghỉ hưu viết trong một bài báo ngày 1/11/1997 rằng: “Kết quả của Linebacker II chính xác như những gì đã được dự đoán bởi những người chủ trương sử dụng toàn bộ sức mạnh không quân chống lại Bắc Việt Nam: một chiến thắng quân sự. Người Bắc Việt bị lung lay nặng nề chấp nhận rằng cuộc chiến đã đi vào bế tắc, quay trở lại bàn đàm phán ở Paris và ký Hiệp định Hòa bình Paris vào ngày 27 /01/1973. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký kết, 591 tù binh Mỹ đã được trả tự do và trở về nước. Hoa Kỳ”.
Bài viết của Rebecca Grant đăng trên Tạp chí Airforce Magazine tháng 12/2012 cho rằng: “Cho đến khi chiến dịch kết thúc, Bắc Việt đã quỳ gối, nói như lời của Cố vấn an ninh quốc gia Henry A. Kissinger, họ đã sẵn sang ký vào vănbản hòa đàm gồm cả phần trao trả tù binh Mỹ”.
Nhìn chung, một số nhà quân sự và chính trị Mỹ cũng có quan điểm như thế. Họ cho rằng Linebaker II là một chiến thắng có ý nghĩa đối với việc rút lui trong danh dự của Hoa Kỳ khỏi cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Một số ý kiến còn lấy làm hối tiếc, ước ao rằng, giá như Hoa Kỳ mạnh tay sử dụng B52 ngay từ năm 1965 và không hạn chế mục tiêu đánh phá như trong chiến dịch ném bom Giáng sinh thì có lẽ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiệt quệ từ lâu rồi và không còn đủ sức mạnh để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam Việt Nam nữa.
Cũng có quan điểm cho rằng: Linebaker II đã tàn phá miền Bắc đến kiệt quệ và làm cho miền Bắc phải mất một thời gian rất dài để khôi phục, trước khi có thể tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Sử gia về chiến tranh Việt Nam Pierre Asselin viết trong cuốn “Chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam: Lịch sử”, xuất bản năm 2018, rằng: “Kết quả là sự tàn phá về vật chất thật đáng kinh ngạc: 1.600 cơ sở quân sự, hàng dặm đường sắt, hàng trăm xe tải và toa xe lửa, 80% nhà máy điện, vô số nhà máy và các công trình khác đã bị ngừng hoạt động”. Asselin viết: “Các vụ đánh bom Linebacker đã làm tê liệt các cơ quan quan trọng của miền Bắc, xóa sạch kết quả của quá trình chuyển đổi cộng sản và khả năng duy trì cuộc chiến ở miền Nam trong thời gian dài”.
Mặc dù số lượng máy bay, trong đó có máy bay B-52 bị bắn hạ là khá cao, nhưng phía Mỹ vẫn cho rằng, điều đó không ảnh hưởng gì đến tâm lý của phi công Mỹ cả, họ vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được yêu cầu.
Tiến sĩ Earl Tilford, từng là sĩ quan không quân Hoa Kỳ, trong cuốn “Set up: What the Air Force Did in Vietnam and Why” cho rằng: chiến dịch ném bom Giáng sinh mang lại tác dụng lớn nhất là trấn an chính quyền Sài Gòn về sức mạnh bảo hộ của Mỹ cho sự tồn tại của họ.
50 năm qua, xác chiếc B-52 bị bắn rơi tại Hồ Hữu Tiệp, Ba Đình, Hà Nội vẫn còn đó (Ảnh tư liệu)
Ai là người chiến thắng ?
Cả hai bên đều nói chiến thắng, đều đưa ra những lập luận cho đánh giá của mình, tuy nhiên những gì diễn ra sau chiến dịch ném bom, đặc biệt là nội dung Hiệp định Paris được ký kết 1 tháng sau đó, cho thấy rõ ai là người chiến thắng.
Tác giả Nguyễn Liên Hằng trong cuốn “Hanoi’s War” xuất bản năm 2012 cho rằng cuộc ném bom 12 ngày đêm “đem lại sự phẫn nộ toàn cầu; thay vì bẻ gãy ý chí của Hà Nội, những quả bom của Mỹ đã khiến quốc tế lên án chính quyền Mỹ”.
Ngày 6/1/1972, Nixon chỉ thị cho Kissinger “cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe”. Nixon còn chủ trương sẵn sàng chấp nhận văn bản đã thảo thuận tháng 10/1972 và buộc phải chấp nhận kết quả đàm phán ngoài mong muốn trước khi Quốc hội Hoa Kỳ họp trở lại.
Như chúng ta đã biết, mặc dù văn bản hiệp định đã được ký tắt vào tháng 10/1972, nhưng do sự phản ứng dữ dội của chính quyền Sài Gòn về những bất lợi của Hiệp định, phía Mỹ cũng muốn cân nhắc thêm một số điều khoản, trong đó có hai điều khoản quan trọng nhất là coi giới tuyến quân sự tạm thời là biên giới quốc gia chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Điều này nhằm ngăn ngừa một cuộc tiến công “xâm lược” của miền Bắc vào miền Nam sau khi hiệp định được ký kết. Điều khoản quan trọng thứ hai là đồng thời với việc quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng phải rút khỏi miền Nam chứ không được đóng quân tại chỗ. Điều này nhằm giảm lợi thế của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đang giành được những địa bàn rộng lớn tại miền Nam Việt Nam, vùng giải phóng của cách mạng miền Nam đã mở rộng hơn bao giờ hết.
Cuối cùng, bản Hiệp định Paris được ký với những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, trong đó quan trọng nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam không phải rút khỏi miền Nam và không coi giới tuyến quân sự tạm thời là biên giới chính thức, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ này hai năm sau đó.
Thế nên lập luận cho rằng chiến dịch ném bom Giáng sinh đã bẻ gãy ý chí chiến đấu và buộc Hà Nội phải trở lại bàn đàm phán là không có cơ sở. Nếu sự thật như vậy, chắc chắn Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa sẽ không dễ gì chấp nhận những điều khoản được cho là hoàn toàn bất lợi với họ như vậy.
Nhà sử học Asselin viết " Trên thực tế, tổn thất đối với các lực lượng Hoa Kỳ đã đến mức buộc Nixon phải cầu xin Hà Nội nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, và chấm dứt ném bom một cách đơn phương và vô điều kiện""4.
Và sau này, Jhon Negroponte, trợ lý của Kissinger, nói một cách khá châm biếm rằng: “Chúng ta đánh bom Bắc Việt, để họ phải chấp nhận sự nhượng bộ của chúng ta”.
Trong cuốn sách “Bombing to Win: Air Power and Coercion in War”, xuất bản năm 1996, tác giả Robert Pape cho rằng chiến dịch Linebaker II “không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào” đối với nội dung hiệp định.
Thế nên Marshall Michel trong cuốn sách “The Eleven days of Chrismas” America’s Last Vietnam Battle” viết: “Họ nhấn mạnh rằng cuộc ném bom của Hoa Kỳ có mục tiêu buộc họ đầu hàng, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng hòa đàm Paris cuối cùng thì đã đồng ý cho Bắc Việt để lại quân đội ở phía Nam, và vì thế, họ có thể nói là chiến dịch Linebaker II đã thất bại”.
Đó là về bản hiệp định, còn quan điểm cho rằng Linebaker II đã “tàn phá miền Bắc đến kiệt quệ và làm cho miền Bắc phải mất một thời gian rất dài để khôi phục, trước khi có thể tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam” cũng không đứng vững, vì chỉ hơn hai năm sau, hậu phương miền Bắc đã đủ sức mạnh chi viện tiền tuyến lớn miền Nam và kết thúc cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Những thừa nhận của người Mỹ và phân tích nói trên cho thấy rõ ràng, chiến dịch Linebaker II, chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam.
Lê Minh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2024, t. 34, tr. 565.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2024, t. 36, tr. 467.
[3] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 579.
[4] 'Như đi trên tên lửa': Phi công Mỹ nhớ lại nỗi kinh hoàng 'đánh bom Giáng sinh' ở Việt Nam 50 năm sau, By Brad Lendon, CNN, Published 7:09 PM EST, Sat December 17, 2022.