Đi vào nhà máy, hầm mỏ, xí nghiệp, vừa để rèn luyện mình, vừa để tổ chức giai cấp công nhân đấu tranh, nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối đã thực hiện “vô sản hóa”, góp phần nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp công nhân về sứ mệnh lịch sử của mình và là bước chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Người khởi xướng - “linh hồn” của phong trào “vô sản hóa”
Ngay từ năm 1928, trên cơ sở đánh giá thực tiễn cách mạng Việt Nam, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, ngày 28, 29/9/1928, tại Hội nghị Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại nhà Ngô Gia Tự (Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh), đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Ðức Cảnh đã khởi xướng phong trào “vô sản hóa”.
Đồng chí nhấn mạnh: Cơ sở thanh niên đã rộng khắp toàn xứ nhưng số hội viên là công nhân - những hạt nhân tiên tiến lại chưa có nhiều. Vì thế, phải đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, bến cảng… để cùng nhau lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân để tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng, tổ chức công nhân đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ; đồng thời, để rèn luyện mình thành người vô sản.
Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ phân công đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh đặc trách theo dõi và vận động công nhân toàn kỳ.
Sau hội nghị, đông đảo hội viên Thanh niên Bắc Kỳ tỏa đi “vô sản hóa” ở khắp các cơ sở công nghiệp trong xứ. Đồng chí Ngô Gia Tự ở lại Hà Nội gấp rút huấn luyện hội viên. Ở đâu, đồng chí Ngô Gia Tự cũng cổ vũ anh em, muốn giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc thì phải lăn mình vào quần chúng vô sản, phải vô sản hóa.
Để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh đạt kết quả tốt, đồng chí Ngô Gia Tự và các đồng chí của mình tiến hành biên soạn tóm tắt, dịch thuật những cuốn sách nhỏ có tính giáo khoa như “Chủ nghĩa Mác”, “Phê bình chủ nghĩa vô chính phủ”, “Phê bình chủ nghĩa công đoàn”, “Vấn đề tổ chức cách mạng”, “ABC về chủ nghĩa cộng sản”…
Đồng chí Ngô Gia Tự
Bản thân đồng chí Ngô Gia Tự đi “vô sản hóa” ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với công nhân và đã nhận rõ khả năng cách mạng của giai cấp công nhân.
Là người nhạy bén với hoạt động cách mạng, Ngô Gia Tự vừa tổ chức triển khai, vừa kịp thời tổng kết phong trào “vô sản hóa” góp phần điều chỉnh sự lãnh đạo của Kỳ bộ Bắc kỳ theo sát bước tiến phong trào.
Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Nam Kỳ để vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.
Tại địa bàn hoạt động mới Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự đẩy mạnh phong trào “vô sản hóa”. Đồng chí thuyết phục nhiều hội viên thanh niên đang sống với gia đình, vào các nhà máy, hầm mỏ làm công nhân để rèn luyện, tuyên truyền vận động công nhân đấu tranh. Được sự giác ngộ của đồng chí Ngô Gia Tự, nhiều hội viên đến những nơi sôi bỏng nhất của phong trào công nhân.
Mặc dù là cán bộ lãnh đạo, công việc rất bận rộn, nhưng đồng chí Ngô Gia Tự cũng tự nguyện, gương mẫu đi làm công nhân ở nhiều nhà máy, xí nghiệp (như Xưởng Ba Son, Xưởng FACI, Hãng rượu Bình Tây, Nhà máy xay Chợ Lớn, Nhà đèn Chợ Quán, Hãng dầu Nhà Bè, Cảng Nhà Rồng…).
Thực hiện “vô sản hóa”, đồng chí Ngô Gia Tự ra sức tuyên truyền, giác ngộ và gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong công nhân, tổ chức lãnh đạo công nhân đấu tranh mạnh mẽ ở khắp các địa phương, nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp…
Phong trào “vô sản hóa” do đồng chí Ngô Gia Tự khởi xướng và lãnh đạo đã thúc đẩy nhanh quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tham gia thành lập các chi bộ cộng sản, tiến tới thành lập chính Đảng Cộng sản ở Việt Nam
Thực hiện chủ trương Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự về quê, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Bắc Ninh.
Ngày 4/8/1929, theo sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, hơn 20 hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang được triệu tập để thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh-Bắc Giang.
Sau cuộc họp Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng (21/7/1929), đồng chí Ngô Gia Tự được điều động vào Nam Kỳ để vận động các chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.
Đến Sài Gòn, đồng chí Ngô Gia Tự chọn 3 cơ sở tiêu biểu về lực lượng, vị trí kinh tế và địa lý làm thế chân kiềng để xây dựng chi bộ Đảng Cộng sản, đó là: 1. Xưởng Ba Son (Sài Gòn)-nơi tập trung đông công nhân công nghiệp lớn, ở trung tâm thành phố. 2. Đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Dương), nơi đông công nhân nông nghiệp bị đày ải như nô lệ thời trung cổ. 3. Xã Vĩnh Kim (Tiền Giang). Đồng chí nhấn mạnh: Nếu ta nắm được ba cái cọc ở ba nơi: trong sản nghiệp lấy Phú Riềng làm gốc, trong công nghiệp lấy Ba Son làm gốc, trong nông dân lấy Vĩnh Kim làm gốc, thì bọn đế quốc và phong kiến không sao nhổ được![1].
Tại Xưởng máy Ba Son, đồng chí Ngô Gia Tự xin được chân thợ học việc, cạo rỉ, khuân vác, dọn dẹp… và nhanh chóng bắt mối với hội viên Thanh niên, quần chúng lao động, thậm chí cả đảng viên Tân Việt và thành lập được một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng[2].
Ở đồn điền cao su Phú Riềng, đồng chí Ngô Gia Tự liên lạc với công nhân có ý thức giác ngộ giai cấp Nguyễn Xuân Cừ và chỉ đạo Nguyễn Xuân Cừ bắt liên lạc với đồng chí Trần Tử Bình để xúc tiến thành lập chi bộ Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng. Sau một thời gian tuyên truyền và giác ngộ, đêm 28/10/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng được thành lập gồm 6 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.
Di tích quốc gia thành lập chi bộ "Phú Riềng đỏ", gắn liền với hoạt động
của đồng chí Ngô Gia Tự
Tại xã Vĩnh Kim, đồng chí Ngô Gia Tự chỉ đạo chuyển đổi có chọn lọc hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Giữa tháng 11/1929, đồng chí trực tiếp xuống Vĩnh Kim xây dựng cơ sở, huấn luyện chính trị và thành lập Chi bộ Cộng sản gồm 6 đảng viên vào đầu tháng 12/1929[3].
Cùng với việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự còn chú ý mở nhiều lớp bồi dưỡng, huấn luyện chính trị để tăng cường sức chiến đấu cho đảng viên. Tại các lớp huấn luyện, đồng chí giảng giải, phân tích tỉ mỉ, lấy nhiều ví dụ cụ thể, sinh động, dễ hiểu về chủ nghĩa cộng sản và đưa ra những kết luận sâu sắc về cách mạng Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh: Ngày nay, chúng ta làm cách mạng không phải để sau này làm quan mà học tập ở người xưa đức tính bình tĩnh, kiên nhẫn, chịu đựng để thực hiện được hoài bão… Đảng viên phải vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà để Đảng và cách mạng phải tổn hại[4].
Với năng lực, nhiệt tình và uy tín của mình, chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Ngô Gia Tự đã xây dựng được nhiều cơ sở Đảng ở Nam Kỳ: Xưởng máy Ba Son, nhà đèn Chợ Rẫy, hãng rượu Bình Tây, hãng dầu Nhà Bè, đồn điền cao su Phú Riềng, xã Vĩnh Kim. Trong đó, đáng chú ý là 3 chi bộ cộng sản ở ba địa điểm chiến lược (Chi bộ Ba Son, Phú Riềng, xã Vĩnh Kim), tạo ra thế chân kiềng vững chắc để phát triển cơ sở Đảng ở nhiều địa phương.
Sự ra đời và phát triển của các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và các tổ chức yêu nước mang đậm dấu ấn của đồng chí Ngô Gia Tự, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển.
Những hoạt động tích cực của Đông Dương Cộng sản Đảng có tác động mạnh, khiến Tổng bộ của Thanh niên ở hải ngoại và Kỳ bộ Nam Kỳ tự cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng (8/1929) và Đảng Tân Việt (ở miền Trung) chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (đầu năm 1930).
Từ “tia lửa” đầu tiên là Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long đã bùng lên nhiều “đám lửa” cách mạng và sau đó được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập trung lại thành “ngọn lửa lớn” là Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930.
Đánh giá về công lao của đồng chí Ngô Gia Tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”[5].
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự mãi là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ cách mạng Việt Nam noi theo và được lịch sử khắc ghi.
Trọng Hùng
[1] Thế Văn: Ngô Gia Tự người cộng sản lỗi lạc (tái bản), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 60.
[2] Thế Văn: Ngô Gia Tự người cộng sản lỗi lạc (tái bản), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.60-61.
[3] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Bắc: Đồng chí Ngô Gia Tự người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng ta, 1978, tr.84-85.
[4] Thế Văn: Ngô Gia Tự người cộng sản lỗi lạc (tái bản), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 43.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.602.