Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khẳng định chân lý không gì lay chuyển nổi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do !”. Đáp lời Người, cả dân tộc Việt Nam đã khẳng định ý chí và thực hiện quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đáp lời Người, trong công cuộc đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đã và đang xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc ta phải đối đầu với một đối thủ hơn hẳn về nhiều mặt, trong đó, sức mạnh không quân gần như một ưu thế tuyệt đối. Trên chiến trường miền Nam, việc sử dụng phổ biến máy bay lên thẳng là một đặc điểm dễ thấy nhất trong cuộc chiến tranh trên bộ của Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa. Còn tại miền Bắc, riêng trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai năm 1972, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến đấu tương đương số máy bay chiến đấu của ba nước tư bản mạnh nhất châu Âu lúc đó là Anh, Pháp và Tây Đức cộng lại với khoảng 1.500 máy bay các loại.
Ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam từ tháng 3-1965 với đủ các binh chủng hải, lục, không quân, Mỹ đặc biệt coi trọng sức mạnh không quân. Nhiều tướng lĩnh Mỹ mà tiêu biểu là Tướng Mỹ Curtis E. Limay luôn coi không quân là công cụ chiến thắng, không quân giữ vai trò quyết định, giành thắng lợi bằng không quân vừa nhanh chóng, vừa “sạch sẽ”, lại ít hao tổn về nhân mạng quân đội Mỹ. Pôn Strátman, một sĩ quan chủ chốt của nền quân sự Hoa Kỳ tổng kết rằng: Lịch sử chiến tranh là một lịch sử về học thuyết, Hoa Kỳ có một học thuyết về đổ bộ, một học thuyết về ném bom, một học thuyết về trận chiến không- lục. Nhóm nghiên cứu về chiến tranh không quân thuộc Trường đại học Conên (Mỹ) trong cuốn sách Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương cho thấy quan điểm của giới quân sự Mỹ: không quân có “ưu thế về số lượng, khống chế về kỹ thuật, thuận lợi về căn cứ và hậu cần” và “một khi ưu thế trên không đã được xác lập ở một khu vực nào đó thì nanh vuốt của nó khó mà bị bẻ gãy”. Như vậy, sức mạnh quân sự Mỹ bao gồm và đặc biệt quan trọng là sức mạnh không quân.
Một máy bay B52 đang ném bom xuống "Vùng đất thánh của Việt cộng"
tại miền Nam Việt Nam, năm 1966 (Ảnh tư liệu)
Tại miền Nam, số quân viễn chinh Mỹ đã tăng vọt từ 184.000 quân năm 1965 lên 485.000 quân năm 1966, cùng hơn nửa triệu quân đội Việt Nam Cộng hòa được Mỹ xây dựng và huấn luyện, ồ ạt mở các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhằm “đánh gẫy xương sống chủ lực Việt Cộng”.
Trước cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, quân và dân Việt Nam từng bước xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng Mỹ những trận đầu tiên ở Núi Thành. Vạn Tường, Pleime, Đất Cuốc, Bàu Bàng…Đầu năm 1966, quân khu Sài Gòn Gia Định đã tổng kết được 10 bài học kinh nghiệm đánh Mỹ đầu tiên, nhân rộng ra toàn chiến trường miền Nam. Các cuộc càn lớn Ceda Falls, Attleboro của Mỹ vào các vùng căn cứ Củ Chi, Bến Súc, Bến Cát đã không thể tiêu diệt lực lượng cách mạng bám trụ ở đây. Các “vành đai diệt Mỹ” được xây dựng ở nhiều nơi như Trảng Lớn (Tây Ninh), Rạch Kiến (Long An), Bình Đức (Tiền Giang), Chu Lai (Đà Nẵng)… đã làm cho quân đội Mỹ, dù được trang bị hiện đại, dù có hỏa lực mạnh, cũng không tránh khỏi bị tiến công cả ngày lẫn đêm bằng cuộc chiến tranh du kích thiên biến vạn hóa của quân và dân miền Nam.
Tại miền Bắc, sau khi dựng lên Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ mở cuộc chiến tranh bằng không quân, hải quân, gián điệp biệt kích chống phá miền Bắc. Mục đích cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc là đánh vào ý chí kháng chiến của dân tộc ta, phá hủy tiềm lực kinh tế, ngăn chặn nguồn tiếp viện từ các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam, ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam và trả đũa cho những thất bại đau đớn tại miền Nam Việt Nam. Đã từng chủ trương ném bom rải thảm Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai và đạt được một số thành công nhất định, Tướng Curtis E. Lemay, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ một lần nữa lại nổi tiếng với tuyên bố đầu năm 1964: “Giải pháp của tôi ư? Hãy bảo người Việt Nam co vòi lại… nếu không, chúng ta sẽ ném bom đưa họ trở lại thời kỳ đồ đá”.
Trước những hành động xâm lược leo thang mạnh mẽ của đế quốc Mỹ trên cả hai miền Nam- Bắc, Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bình tĩnh, sáng suốt, kiên quyết củng cố và xây dựng quyết tâm đánh tháng giặc Mỹ xâm lược. Sáng ngày 17/7/1966, Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền tới đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Lời kêu gọi có đoạn: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ bản chất hiếu chiến, xâm lược của chính quyền Mỹ, khoác tấm áo hòa bình giả hiệu, nhưng trên thực tế không gn]nfg đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược phí nghĩa chống Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, hoà bình thật sự, hoà bình trong độc lập tự do, chứ không phải thứ hoà bình giả hiệu, “hoà bình” kiểu Mỹ.
Người khẳng định: “Trước đây, trong hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều, mà chúng ta đã thắng phát xít Nhật và thực dân Pháp. Ngày nay, điều kiện trong nước và trên thế giới thuận lợi cho ta hơn, sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta càng chắc chắn sẽ hoàn toàn thắng lợi”.
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam trong cả nước đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên giai đoạn mới. Tại miền Nam, quân giải phóng đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967 của Mỹ, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân Junction City của 45.000 quân Mỹ vào chiến khu Bắc Tây Ninh, bảo vệ được cơ quan đầu lão chỉ đạo kháng chiến của cách mạng miền Nam, bảo vệ được lực lượng chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tạo cơ sở cho Trung ương Đảng xây dựng quyết tâm chiến lược tiến hành cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Đối với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Robert Thomspon, viên tướng Anh là cố vấn của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam viết trong cuốn Không có lối ra ở Việt Nam: “Cuối năm 1968, khi trên 800 máy bay đã bị rơi ở miền Bắc và trên 1.000.000 tấn bom đã được thả xuống, thì uy tín của không lực đang bị đe dọa”. Sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến lớn ngày càng tăng cùng ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam đã làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân long trời, lở đất. Và cũng theo Robert Thomspon, việc ném bom miền Bắc đưa đến tác dụng ngược lại: “Ném bom miền Bắc có tác dụng rất ít trong việc ngăn chặn thâm nhập…Nó giúp cho miền Bắc động viên toàn quốc tham gia chiến tranh, được sự ủng hộ của toàn dân, giải thích được trong nước và trên thế giới việc phái các đơn vị Bắc Việt vào Nam, thu hút được cảm tình và sự ủng hộ của quốc tế, thức tỉnh lương tâm bản thân nước Mỹ, làm cho Liên Xô và Trung Quốc đều cam kết giúp đỡ, làm “không gian của chiến tranh mở rộng ra…các nước cộng sản và dư luận tự do thế giới kể cả Mỹ, ủng hộ. Các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Vườn hoa Gruvơnơ cũng là một bộ phận của cuộc chiến tranh, chẳng khác gì một trận xảy ra tại chiến khu Đ”.
Một góc Thủ đô Hà Nội ngày nay (Ảnh Internet)
Chiến tranh đã qua hơn 45 năm, đất nước đã tiến hành công cuộc đổi mới được hơn 35 năm, những thành tựu của công cuộc đổi mới đã minh chứng cho lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn !” . Đất nước độc lập, tự do, thống nhất là cơ sở cho dân tộc ta tiếp tục tiến lên theo con đường đã chọn, xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Quỳnh