Cách đây 75 năm, vào tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó chính là lời hịch cứu quốc, lời tuyên bố đanh thép trước kẻ thù xâm lược về ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Kẻ thù buộc ta phải chiến đấu
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, kiến thiết đất nước thì kẻ thù lại xâm phạm nền độc lập, phá hoại nền hòa bình quý giá mà toàn thể nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh biết bao xương máu mới có được.
Ngày 23/9/1945, được sự giúp sức của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai, sau đó, từng bước mở rộng chiến sự ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ.
Nhân dân Nam Bộ thành đồng Tổ quốc đã nhất tề đứng lên, anh dũng kháng chiến. Tuy nhiên, với tinh thần yêu chuộng hòa bình, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiềm chế và tiến hành đàm phán, thương lượng với Pháp nhằm tránh một cuộc chiến tranh.
Song, thực dân Pháp đã bỏ qua khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân Việt Nam, trắng trợn vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Sơ bộ 6/3; thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị (1/6/1946) và tổ chức Hội nghị Liên bang Đông Dương (1/8/1946) hòng chia cắt Việt Nam; không thực tâm đàm phán và phá hoại Hội nghị Phôngtennơblô được tổ chức tại Pháp (từ 6/7 đến 10/9/1946); đặc biệt là vi phạm Tạm ước ngày 14/9/1946 - sự nhân nhượng cuối cùng của dân tộc Việt Nam với việc gia tăng vũ lực quân sự tại các tỉnh phía Bắc vĩ tuyến 16, trực tiếp là tại Thủ đô Hà Nội.
Trước tình hình đó, tối ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Như vậy, Toàn quốc kháng chiến do Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã mở đầu cho cuộc chiến đấu tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Chúng ta muốn hòa bình, nhưng kẻ thù buộc ta phải cầm súng.
Nghệ thuật mở đầu kháng chiến, ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do
Đêm 19/12/1946, thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, với tinh thần:
“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên !”.
Các chiến sĩ tự vệ và nhân dân Hà Nội đào hầm hào, xây công sự
chuẩn bị chiến đấu (Ảnh: TTXVN)
Quyết định phát động toàn quốc kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, đúng thời điểm, phản ánh bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, đáp ứng ý chí và khát vọng độc lập, hòa bình, tự do của toàn thể nhân dân Việt Nam. Chọn thời điểm mở đầu chiến tranh đúng lúc, đúng thời cơ, chính là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Việt Nam, từ già đến trẻ, không biệt giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo; người người xung phong gia nhập lực lượng chiến đấu và các lực lượng phục vụ chiến đấu. Tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Bắc vĩ tuyến 16 trở ra, các chiến sĩ “cảm tử quân” sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng nóc nhà, góc phố, con đường. Nhân dân các khu phố - nơi chiến sự xảy ra đã không tiếc nhà cửa, của cải để dựng chiến lũy, tạo chướng ngại vật trên các đường phố nhằm ngăn cản bước tiến của quân thù; sẵn sàng “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không, nhà trống” phục vụ kháng chiến. Quân dân các tỉnh Nam Bộ đẩy mạnh cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ, phối hợp, chia lửa với cuộc chiến đấu oanh liệt diễn ra tại các đô thị phía Bắc... Thực tiễn những ngày đầu toàn quốc kháng chiến cho thấy tất cả đều chung một ý chí “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”!, “Cảm tử choTổ quốc quyết sinh”!
Với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm cao độ, trong 60 ngày đêm khói lửa, mở đầu toàn quốc kháng chiến, quân dân Hà Nội đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, giam chân địch dài ngày; bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và nhân dân, cũng như tài sản, phương tiện, máy móc... di chuyển đến các an toàn khu để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954), dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam, khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Bài học cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước hôm nay
Toàn quốc kháng chiến đã để lại những bài học quý đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bài học về đánh giá đúng thời cuộc, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và kịp thời đề ra đường lối phù hợp, đáp ứng yêu cầu của lịch sử và lợi ích của toàn dân tộc
Là dân tộc luôn luôn yêu chuộng hòa bình và công lý, dân tộc Việt Nam muốn “tắt muôn đời chiến tranh”; nhưng các thế lực thực dân, đế quốc luôn tìm mọi cách để xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, Đảng đã lĩnh sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo toàn quân, toàn dân đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm để giải phóng dân tộc. Toàn quốc kháng chiến vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa mang tính chất bảo vệ Tổ quốc. Trước cuộc đối đầu không cân sức, Đảng đã phát huy cao độ trí tuệ và bản lĩnh, phân tích, đánh giá chính xác tình hình, thời cuộc; nhận thức đúng và rõ âm mưu của kẻ thù; chọn thời điểm phát động chiến tranh phù hợp để chuyển đất nước vào trạng thái chiến tranh một cách nhanh chóng, ít tổn thất, bảo toàn được lực lượng.
Phát huy tinh thần Toàn quốc kháng chiến, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa trên tính chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạnh, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam lần lượt đánh bại đại diện cho chủ nghĩa thực dân cũ và mới; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong bối cảnh hiện nay, những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và trong nước, đòi hỏi Đảng phải tranh thủ thời cơ và vận hội, đẩy lùi nguy cơ, phát huy trí tuệ và bản lĩnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1].
Một chiến lũy được dựng trên phố phố Mai Hắc Đế ngăn bước tiến quân thù (Ảnh tư liệu)
Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc
Trước dã tâm quay trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ bản lĩnh, chủ động và sáng suốt phát động toàn quốc kháng chiến đúng thời điểm lịch sử. Trên cơ sở đó, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào và khát vọng hòa bình của toàn thể nhân dân Việt Nam để quyết tâm giữ vững nền độc lập; đoàn kết, sát cánh bên nhau để chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của nhân dân Việt Nam rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và được Đảng xác định “là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"[2]. Nhờ vậy, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là chất keo sơn để tiếp tục củng cố, quy tụ thành sức mạnh nội sinh của dân tộc nhằm xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đảm bảo vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân
Nhận thức sâu sắc vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, để chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa xây dựng, vừa bảo vệ chế độ mới, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang, từ các đội dân quân du kích ở nông thôn, các đội tự vệ chiến đấu ở đô thị, các đơn vị du kích tập trung của huyện, tỉnh đến các chi đội Giải phóng quân, đổi thành Vệ quốc đoàn (9/1945) và Vệ quốc quân (đầu năm 1946), từng bước tiến lên xây dựng các trung đoàn chủ lực. Toàn quốc kháng chiến chính là minh chứng rõ nhất về tinh thần và hiệu quả của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng lãnh đạo và trở thành yếu tố quan trọng, quyết định thắng lợi trong 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Trước yêu cầu của của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo về xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân; đặc biệt coi trọng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở bằng những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhẫn Trần