Nét thanh lịch truyền thống kết hợp với lối sống văn minh hiện đại đang hình thành một lớp văn hóa mới ở Hà Nội.
Ngõ phố được tổng vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần, bãi rác biến thành vườn hoa, người dân xếp hàng chờ sử dụng dịch vụ, người bán hàng tươi cười, nói năng nhẹ nhàng với khách…, đó là nếp văn hóa ứng xử mọi người thường thấy ở Hà Nội những năm gần đây. Sau những "xô lệch" từ sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, từ sự du nhập các luồng văn hóa, trong đó có cả văn hóa ngoại lai, “chất Hà Thành" dường như vẫn được khẳng định.
Nếp xưa đọng lại
Người Hà Nội thường tự hào “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài\Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” khi nhắc đến văn hóa người dân đất kinh kỳ xưa, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Văn hóa truyền thống chính là cái “gốc”, nên dù xã hội có thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, người Hà Nội vẫn trân trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa đó. Khi xác định phát triển văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu, Hà Nội đã chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử, trong đó lấy truyền thống làm nền tảng, đồng thời đưa vào nhiều tiêu chí khác để hình thành nên lớp văn hóa mới, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Nhẹ nhàng vuốt cánh hoa cúc bằng lụa vừa gắn lên bông, nghệ nhân Mai Hạnh, phố Chả Cá, quận Hoàn Kiếm kể rằng, gia đình bà vốn là người Hà Nội gốc nên các cụ rất gia giáo, rèn giũa con cái ứng xử đúng lễ nghi. Bà và các chị em gái được dạy dỗ về công - dung - ngôn - hạnh.
Nghệ nhân Mai Hạnh còn nhớ rất rõ, mẹ bà luôn nhắc con gái phải nói năng nhẹ nhàng, ngay cả điệu cười cũng phải giữ được nét duyên giống như một bông hoa đang nở, không được cười hết cỡ. Khi đi ra ngoài phải luôn biết nhịn, nói càng ít càng tốt, dù ai khen chê cũng vẫn phải vui vẻ.
Dù thích rất nhiều môn nghệ thuật nhưng có lẽ làm hoa lụa là cái duyên của bà nên ngay hồi trẻ, bà đã gắn bó với nó, sau này trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Với những đóng góp của bà, nghệ nhân Mai Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, đoạt nhiều giải thưởng lớn. Tuy thành công trong sự nghiệp nhưng truyền thống gia phong, nề nếp trong văn hóa ứng xử luôn được bà gìn giữ. Bởi thế, chỉ cần thoáng tiếp xúc, người ta đã thấy ở bà toát ra phẩm hạnh của người Hà Nội gốc. Đến nay, bà cũng dạy dỗ con cháu giữ gìn truyền thống gia đình, khéo léo trong ứng xử như phẩm chất vốn có của người Hà Nội.
Còn bà Nguyễn Thị Lâm, làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, vốn là con gái phố Hàng Than, bố lại là ông chủ gara ô tô nức tiếng Hà Nội một thời. Tuy sinh ra trong gia đình giàu có nhưng bà và các anh chị em được giáo dục khuôn phép, lễ nghi. Ngoài giờ đi học, đi làm, bà cũng như anh chị em phải ở nhà, khách đến chơi thì ra chào hỏi rồi lui xuống nhà sau. Con gái trong nhà được dạy nấu nướng cẩn thận, bởi theo quan niệm của các cụ, phụ nữ phải đảm đang nội trợ, giữ hơi ấm cho gia đình. Món ăn không chỉ chế biến đơn thuần mà phải đảm bảo sự tinh tế, hấp dẫn. Bởi vậy, dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn giữ được sở thích nấu ăn, gìn giữ ẩm thực truyền thống Hà Nội.
Từ lâu, văn hóa, cốt cách của người Hà Nội luôn được coi là di sản quý. Đó là nét thanh lịch của xứ Kinh kỳ, sự rộng lòng của nơi bốn phương hội tụ, sự quả cảm của mảnh đất trải qua nhiều lửa đạn, sự văn minh của thành phố năng động… Nó có sự lắng lại của chiều sâu văn hóa nghìn năm nhưng cũng có sự lịch lãm cuộc sống hiện đại. Không ồn ã như các thành phố trẻ, người Hà Nội thường sâu sắc, nhẹ nhõm, bao dung. Chất riêng đó được chắt lọc, bồi đắp qua suốt chiều dài lịch sử tạo nên đặc trưng mang đậm phong cách Hà Nội.
Những người lớn tuổi thường kể về văn hóa ứng xử thời xưa với sự trân trọng và vẫn thừa nhận, dù cuộc sống có thay đổi nhưng truyền thống đó giờ vẫn hiện hữu ở nhiều nếp nhà, con phố. Nhiều gia đình vẫn gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa ứng xử xưa như một nét thuần phong mỹ tục và luôn răn dạy con cháu noi theo.
Định hướng các chuẩn mực văn hóa
Giữ gìn truyền thống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội xưa và xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp với hiện nay, đang được thành phố Hà Nội triển khai trong những năm gần đây, nhất là khi văn hóa ứng xử đang có nhiều điều đáng bàn. Hơn nữa, các nhà quản lý cũng mong muốn xây dựng lại hình ảnh Hà Nội vẫn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là một thành phố thân thiện, hiếu khách, đúng nghĩa đất văn hiến ngàn năm.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long bày tỏ, cuộc sống vốn có nhiều thay đổi và luôn tác động đến hệ văn hóa, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa ứng xử. Một thời gian dài, văn hóa người Hà Nội cũng bị phôi pha nhiều nét truyền thống, nhiều hành vi lệch chuẩn xuất hiện. Nhưng, bởi Hà Nội được coi là trung tâm văn hóa của cả nước nên việc xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng là việc cần làm.
Chương trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được hình thành, trong đó việc ra đời bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được coi là bộ khung để định hướng các chuẩn mực văn hóa. Đó là những khuyến cáo những điều nên làm và không nên làm, áp dụng cụ thể trong từng khu vực. Chưa khi nào một chương trình hướng về văn hóa lại được triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, địa phương.
Mười nghìn sổ tay Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội được in ấn, phát đến tay từng người. Hai mươi nghìn cuốn sổ tay Quy tắc ứng xử nơi công cộng được phát tới từng thôn làng, tổ dân phố. Các cuộc tọa đàm, các hội thi, các cuộc tuyên truyền liên tiếp được thực hiện, các mô hình về thực hiện quy tắc ứng xử được xây dựng để lan tỏa nét đẹp trong văn hóa ứng xử.
Tại quận Bắc Từ Liêm, ngoài việc niêm yết công khai quy tắc ứng xử tại trụ sở 13 phường, yêu cầu cán bộ, công chức đặt quy tắc ứng xử trên bàn làm việc, phát tờ rơi tận tay các hộ gia đình; quận còn lắp đặt khung treo quy tắc ứng xử tại các di tích, nhà văn hóa tổ dân phố, trung tâm văn hóa thể thao phường... Tất cả các phường đều bổ sung quy tắc ứng xử vào quy ước tổ dân phố, lồng ghép vào nội dung bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm, gắn quy tắc ứng xử với các phong trào thi đua. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà cho biết, khi triển khai quy tắc ứng xử, cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn quận đều hưởng ứng, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, hình thành văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch.
Trên cơ sở văn hóa truyền thống và các chương trình phát triển văn hóa hiện nay, Hà Nội đã có những nền tảng vững chắc để hình thành một lớp văn hóa mới vừa mang đậm bản sắc, vừa hài hòa với yêu cầu hiện đại. Trong quá trình hình thành những nếp văn hóa mới, có những va đập, có những vết đứt gãy, song văn hóa Thăng Long vẫn khẳng định bản lĩnh và những giá trị cốt lõi của nó.
Nguồn TTXVN