Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960, điều đó thì rất nhiều người biết. Nhưng điều không phải ai cũng biết là khi Mặt trận tuyên bố thành lập, người được lựa chọn làm Chủ tịch Mặt trận lại đang bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc và yêu cầu khi đó là phải giải thoát bằng được luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra khỏi nơi lưu đày của chính quyền Sài Gòn, đưa ông về nắm giữ cương vị Chủ tịch Mặt trận, trung tâm đoàn kết các lực lượng yêu nước và cách mạng ở miền Nam Việt Nam
Lần giải thoát thứ nhất
Do hoạt động tích cực trong Phong trào hòa bình Sài Gòn-Chợ Lớn, tháng 11/1954, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền miền Nam bắt và đưa ra Hải Phòng, nhằm “điệu hổ ly sơn”, đưa ông xa rời trung tâm đấu tranh. Trước áp lực của dư luận, Pháp buộc phải trả tự do cho ông tại Hải Phòng, nhưng luật sư kiên quyết đòi địch trả tự do cho ông tại Sài Gòn. Pháp buộc phải chấp nhận, nhưng khi máy bay chở ông vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền miền Nam ngay lập tức bắt ông và đưa ra quản thúc tại Tuy Hòa, Phú Yên.
Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị quản thúc tại thị xã Tuy Hòa, Khu ủy Khu 6 và Tỉnh ủy Phú Yên được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo kế hoạch giải thoát luật sư, đưa ông về nắm cương vị Chủ tịch Mặt trận.
Theo kế hoạch, Tỉnh ủy Phú Yên cử người liên lạc với luật sư tại thị xã Tuy Hòa và chuẩn bị sẵn một tiểu đội vũ trang để giải thoát và bảo vệ luật sư, nhưng do người liên lạc bộc lộ những sơ hở, kẻ địch nghi ngờ và theo dõi. Trước giờ lực lượng giải thoát luật sư xuất quân, người liên lạc bị bắt, kế hoạch bị bại lộ, tiểu đội vũ trang phải rút về căn cứ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch chuyển khỏi thị xã Tuy Hòa, đưa đi quản thúc ở Củng Sơn, vùng rẻo cao của tỉnh Phú Yên. Lần giải thoát thứ nhất thất bại.
Lần giải thoát thứ hai
Sau khi đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên vùng rẻo cao Củng Sơn, địch quản thúc luật sư chặt chẽ hơn. Mọi hoạt động của luật sư Nguyễn Hữu Thọ đều bị theo dõi ráo riết. Tuy nhiên, lực lượng địch tại Củng Sơn không mạnh nên Tỉnh ủy Phú Yên quyết định sử dụng lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Củng Sơn. Lực lượng cách mạng dễ dàng chiếm được Củng Sơn nhưng tìm khắp nơi không thấy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Thì ra, trước đó mấy ngày, mấy người con của luật sư từ Sài Gòn ra thăm, đã cùng luật sư xuống thị xã Tuy Hòa, liên lạc của ta không nắm rõ tình hình. Chiếm được Củng Sơn, nhưng ta không giải thoát được luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Một Hội nghị mở rộng của Ủy Ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng
miền Nam Việt Nam (Ảnh Tư liệu)
Tình hình trở nên căng thẳng. Biết rằng cách mạng muốn giải thoát thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ nên kẻ địch canh giữ chặt chẽ hơn và có âm mưu thủ tiêu luật sư để trừ hậu họa. Chính quyền địch quyết định đưa luật sư trở lại Củng Sơn để quản thúc, nhưng Luật sư xin ở lại Tuy Hòa một tháng để chữa bệnh. Trong thời gian đó, Tỉnh ủy Phú Yên đã bí mật liên lạc và hẹn gặp luật sư tại mả bà Dũ Ký, một địa điểm cách thị xã Tuy Hòa 5 km, nơi những chiến sĩ cách mạng thường tập kết trước khi ra căn cứ kháng chiến.
Được người dân yêu nước chỉ đường, luật sư đã một mình tìm tới địa điểm liên lạc và gặp được người liên lạc của Tỉnh ủy Phú Yên vào chiếu tối ngày 30/10/1961. Một trung đội Vũ trang của tỉnh ủy Phú Yên được cử đến để bảo vệ luật sư trên đường về căn cứ. Trưa ngày 31/10/1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về đến căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên. Nghỉ ngơi vài ngày, luật sư được liên lạc đưa đường về căn cứ Trung ương Cục miền Nam vừa mới thành lập tại Bắc Tây Ninh. Hơn một tháng sau, vào những ngày cuối cùng của năm 1961, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã về tới căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Bắc Tây Ninh và cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào đầu năm 1962.
Tại đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 16/2/1962, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính thức trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Vậy là sau hai lần giải thoát với những tình tiết bất ngờ không có trong kế hoạch, cuối cùng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thoát khỏi vòng quản thúc của kẻ thù, trở về với cách mạng, tiếp tục đóng góp sức mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nguyễn Minh