Không ai biết lượn Cọi có từ bao giờ, chỉ biết rằng lượn Cọi là thể loại hát phổ biến của người Tày Bắc Kạn, một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tiêu biểu luôn song hành trong cuộc sống lao động sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày và gắn liền với các nghi lễ của đồng bào Tày nơi đây.
Lượn Cọi khi gặp bạn trên đường đi hội xuân (Ảnh tác giả cung cấp)
Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Tày Bắc Kạn không thể không kể đến “Lượn Cọi” - một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian phổ biến rộng rãi nhất của đồng bào Tày Bắc Kạn. Lượn Cọi gắn với đời sống tinh thần cũng như lao động sản xuất, là tấm lòng của mỗi người trên từng nốt nhạc, giai điệu thể hiện tâm tư, tình cảm nguyện vọng của người Tày vào cuộc sống, của tình yêu đôi lứa, ca ngợi lao động sản xuất…Lượn Cọi dùng lối thơ thất ngôn gieo vần triệt để và dễ kéo dài các khổ thơ. Thể thơ thất ngôn liên tục, chữ cuối câu trên vần với chữ thứ năm câu dưới, cho nên người hát lượn Cọi rất dễ dàng lấy hơi để kéo dài, khoe giọng của người hát. Lượn Cọi có thể là một bài dài và cũng có thể chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn. Lượn Cọi diễn ra trong cả bốn mùa, trong lễ hội lồng tồng, đám cưới, trong lao động sản xuất, mừng nhà mới, chúc thọ.... Chủ yếu được hát trong nhà sàn và hát về đêm dưới ánh trăng bằng hình thức đáp lời giữa nam với nữ theo lối hát giao duyên. Lượn Cọi thường mang chất trữ tình, hát lần lượt theo từng cung, mỗi cung gồm nhiều bài khác nhau. Mới nghe lần đầu hay chưa quen cách diễn xướng thì người nghe rất khó hát theo vì lượn Cọi bao giờ cũng có hai - ba cách hát, nhất là ở câu đầu tiên, một là vào phách nhẹ trước, hai là vào phách mạnh trước.
Có thể thấy trong lượn Cọi có nhiều thể loại để đối đáp nhau, các bài lượn không dài dòng mà ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa. Trải qua bao đời, người Tày ở Bắc Kạn vẫn luôn lưu giữ được những làn điệu lượn Cọi trong lao động sản xuất, trong các lễ hội với những ca từ dễ nhớ, dễ thuộc và dễ dàng trao truyền. Từng câu, đoạn lượn phản ánh một cách đầy đủ bản sắc văn hóa của người Tày trong cách ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và tình yêu đôi lứa, có thể hát Lượn Cọi giao duyên để trai gái gặp nhau nơi chợ phiên:
Chài: Nặm tà lẻ luây lỳ Nặm tả luây siên pi báu muột Kết căn hăử pền đôi cỏi dá Noọng cỏi chứ cằm cạ pỉ sle. Nhình: Cần hâư hăn nặm tả luây lì Nặm tả sluông siên pi bấu muột Tẻm tuẩy hăn nả ngược cỏi thôi Sloong là đẩy pền đôi cỏi dá pỉ hởi. |
Nam: Nước sông thì chảy dài Nước sông chảy ngàn năm không hết Kết nhau để thành đôi mới hả Em hãy nhớ lời hẹn của anh Nữ: Có ai thấy nước sông chảy dài Nước sông chảy ngàn năm không hết Thắp đuốc thấy mặt rồng mới thôi Hai người được thành đôi mới được. |
Lượn Cọi là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, phong phú về thể loại, làn điệu. Qua đó, thể hiện rõ nét tính cách của người Tày đó là: Nhân hậu, khoan dung, tế nhị nhưng cũng rất mạnh mẽ. Qua cuộc Lượn, người Lượn, người nghe thực sự “say” với những điệu hát trữ tình, sâu lắng khiến trái tim người trẻ trào dâng, người già khắc khoải. Điều đó khẳng định, lượn Cọi đi vào lòng người và là loại hình nghệ thuật sống mãi với cộng đồng người Tày.
Hồng Anh