Sau khi ký Hiệp định sơ bộ, hai bên Pháp và Việt Nam tiếp tục gặp nhau tại Hội nghị trù bị Đà Lạt, từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946, nhằm tiến tới cuộc đàm phán chính thức sẽ diễn ra tại Cộng hòa Pháp
Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 không có điều khoản về tổ chức Hội nghị trù bị Đà Lạt trong kế hoạch đàm phán tiếp theo giữa hai nước. Một trong những điều khoản của Hiệp định quy định: “Sau khi ký Hiệp định, hai Chính phủ lập tức quyết định mọi phương sách cần thiết để đình chỉ ngay cuộc xung đột, để giữ nguyên quân đội hai bên tại vị trí hiện thời và để gây một bầu không khi êm dịu cần thiết cho việc mở ngay một cuộc điều đình thân thiện và thành thực. Trong cuộc đìều đình ấy sẽ bàn về:
Các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Pari có thể được chọn làm nơi hội họp của Hội nghị”[1]
Trong Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt của Hoàng Xuân Hãn[2] viết: …Hiệp định sơ bộ nhờ lập trường của Leclerc mới có: nhận những điều kiện rộng rãi về danh từ để quân đội mình có thể đổ bộ lên Bắc Bộ vào đầu tháng 6 mà không phải chiến tranh với một chính phủ ẩn nấp vào rừng… nhưng những điều Leclerc đã nhận thì D’Argenlieu chống, nhất là việc trưng cầu dân ý về thống nhất ba kỳ. Hồ Chí Minh đã thấy sự mâu thuẫn ấy, cho nên đã gắng để cố nài đòi họp Hội nghị ở Paris. Nhưng D’Argenlieu thì muốn họp ở Đông Dương để đặt những điều đình vào nội bộ địa phương mà thôi. Lấy cớ ở Pháp chưa có Quốc hội chính thức, chính phủ Pháp chưa chịu mở hội nghị điều đình. Nhưng sợ trong khi chờ, Cao uỷ Pháp lấn dần tư thế của ta, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị, và Pháp đã chấp thuận, một phái đoàn Quốc hội sang thăm nước Pháp và một phái đoàn khác bắt đầu điều đình với Pháp những điều đã nêu rõ trong Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3. Pháp muốn hội nghị này nhóm ở nơi cô quạnh, ngoài áp lực của dân chúng: Đà Lạt. Hội nghị lại chỉ có tính cách soạn sửa cho cuộc điều đình chính thức tại Pháp. Vì vậy nó đã mang tên Hội nghị trù bị Đà Lạt[3].
Báo chí Sài Gòn đăng tin về Hội nghị trù bị Đà Lạt (Ảnh tư liệu)
Tài liệu lưu trữ của Pháp liên quan tới quá trình dẫn đến hội nghị trù bị Đà Lạt cho thấy: Trong bức điện gửi D’Argenlieu ngày 7/3/1946, Sainterny viết: “… Ông Hồ Chí Minh báo cho tôi biết rằng ông sẽ đề nghị với chính phủ ông chọn Paris làm nơi đàm phán sắp tới. Để chứng tỏ cho nhân dân Pháp biết rằng Hiệp định sơ bộ không phải là một thủ đoạn của Pháp nhằm đưa quân đội Pháp trở lại Đông Dương một cách dễ dàng, ông mong muốn những cuộc điều đình này sẽ tiến hành trong thời gian sớm nhất. Ông dự định sẽ đích thân dẫn đầu phái đoàn Việt Nam và dĩ nhiên ông mong muốn ông đô đốc sẽ có mặt. Đồng thời ông cũng thiết tha muốn được gặp ông đô đốc trong một ngày gần nhất và gợi ý rằng cuộc gặp gỡ ấy sẽ diễn ra tại Sài Gòn trên đường đi Paris…”[4]. Công hàm của Leclerc gửi D’Argenlieu ngày 15/3/1946 khẳng định: “… sẽ là có lợi nếu mời Chính phủ Việt Nam hội đàm ngay tức khắc tại một địa điểm ngoài Đông Dương, tốt hơn cả là Paris”[5].
Tuy nhiên, D’Argenlieu đã tiếp nhận và chuyển các đề nghị trên về Paris theo chủ ý của ông. Đó là: bức điện gửi Moutet ngày 17/3/1946, D’Argenlieu đề nghị: “… sẽ rất có ích cho tôi nếu được phép nói rằng: theo tinhh thần văn bản những cuộc đàm phán sẽ tiến hành tại Đông Dương với sự tham gia của các đại diện các cơ quan cấp bộ, thì Chính phủ Cộng hoà sẵn sàng mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Paris. Vì vấn đề rất cấp bách nên tôi yêu cầu ngài trả lời cho tôi sớm nhất. Moutet trả lời ngay tức khắc: … Đồng ý. Như thế càng hay vì tôi tin chắc rằng ở đây chúng ta có thể có nhiều cái lợi hơn, vì nhân vật chính sẽ được tách rời khỏi ảnh hưởng môi trường của mình. Như thế tất cả đều sẵn sàng chuẩn bị theo dự định của ngài và các đại diện của cơ quan cán bộ, cách giải quyết dứt khoát có thể được tiến hành ngay tại đây”[6].
Điện ngày 18/3/1946, D’Argenlieu gửi về Paris viết: Ông Hồ Chí Minh có tham vọng muốn nhìn thấy trong thời gian gần nhất cuộc hội đàm dự định được khai mạc tại Paris. Về mọi mặt, chọn Paris làm địa điểm hội đàm sẽ là một sự sai lầm nghiêm trọng… và D’Argenlieu yêu cầu chính phủ nói rằng địa điểm tốt nhất cho cuộc hội nghị đã dự tính là Đà Lạt. Tại đây, hội nghị có thể làm việc trong bầu không khí yên tĩnh và thanh thản, xa mọi cuộc biểu tình tự phát có tổ chức của quần chúng[7].
D’Argenlieu còn đưa thêm lý do chọn Đà Lạt để đàm phán vì Đà Lạt được dự trù sẽ trở thành kinh đô của Liên bang Đông Dương và hy vọng có khả năng làm cho Chính phủ Hà Nội chấp nhận điều đó. Cuối cùng đề nghị của D’Argenlieu được Chính phủ Pháp đáp ứng.
Ngày 24/3/1946, tại Vịnh Hạ Long, trên tuần dương hạm Emile-Bertin diễn ra cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và D’Argenlieu dẫn tới sự thống nhất: 1)Vào khoảng trung tuần tháng 4, một đoàn phái bộ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện giữa Quốc hội và nhân dân Việt Nam đối với Quốc hội và nhân dân Pháp; 2) Cũng trong thời gian đó, sẽ có một phái bộ chừng 10 người từ Pháp qua Việt Nam để cùng đại biểu Việt Nam sửa soạn các tài liệu cần thiết. 3) Đến hạ tuần tháng 5, phái bộ ta sẽ qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức[8].
Khách sạn Hôtel du Parc, nơi một nhóm của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lưu trú trong Hội nghị trù bị Đà Lạt 1946 (Ảnh tư liệu)Với các tư liệu và sự kiểm chứng từ thực tiễn lịch sử cho thấy Hội nghị trù bị Đà Lạt diễn ra bởi những lý do:
Một là, thực dân Pháp, mà đại diện là Cao uỷ D’Argenlieu không muốn thi hành Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.
Hai là, phía Việt Nam liên tục thúc đẩy các hoạt động yêu cầu Pháp thực thi Hiệp định sơ bộ và kiên quyết tỏ rõ quan điểm phải nhanh chóng mở cuộc đàm phán ở Paris để bàn, giải quyết dứt điểm mối quan hệ Việt - Pháp.
Ba là, nhà đương cục Pháp ở Sài Gòn (D’Argenlieu; Valluy; Salan…) muốn mọi vấn đề liên quan đến Đông Dương, Việt Nam được giải quyết ngay tại Việt Nam, thuộc phạm vi nội bộ Đông Dương, không muốn có sự can thiệp của Chính phủ Pháp ở Paris.
Bốn là, D’Argenlieu muốn ngăn cản và không muốn Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, không muốn Hà Nội điều đình trực tiếp với Paris.
Năm là, thực lực của thực dân Pháp chưa đủ mạnh để cho phép Pháp sử dụng ngay biện pháp vũ lực để xác lập lại quyền thống trị ở Việt Nam. Đồng thời nhân dân tiến bộ Pháp và một số chính khách và nội bộ Chính phủ Pháp vẫn có xu hướng không muốn chiến tranh xảy ra; không ủng hộ quan điểm sử dụng vũ lực để trở lại Đông Dương.
Thành phần tham dự, diễn biến, kết quả Hội nghị và những hành động của thực dân Pháp ở Hội nghị cũng như trên đất nước Việt Nam cho chúng ta thấy:
1. Thực dân Pháp thể hiện rõ bản chất muốn xoá bỏ Hiệp định sơ bộ, không có ý định đi vào đàm phán thực chất, chỉ là kế hoãn binh, “muốn đẩy các nhà đàm phán Việt Nam trong tương lai ra khỏi Paris càng lâu càng tốt”[9].
2. Việt Nam hiểu thực dân Pháp không muốn trả lại độc lập cho Việt Nam, muốn xác lập quyền thống trị của Pháp ở Việt Nam, Đông Dương bằng bất cứ giá nào.
3. Khẳng định nỗ lực đàm phán, tránh chiến tranh của Việt Nam.
4. Cuộc đàm phán thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh của Việt Nam. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên mà Việt Nam hội tụ nhiều nhà tri thức lớn với những khuynh hướng chính trị khác nhau đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập, tự chủ của Tổ quốc để đấu tranh trực tiếp với Pháp trên bàn đàm phán.
5. Kết quả Hội nghị trù bị Đà Lạt với những vấn đề còn dang dở đã buộc D’Argenlieu không có cách gì chối bỏ việc tổ chức cuộc đàm phán chính thức ở nước Pháp, sau đó diễn ra ở Fontainebleau như chúng ta đã biết.
Nam Trang
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.583-584
[2] Hoàng Xuân Hãn sinh năm 1908 tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn, nay là Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông mất ngày 10/3/1996 tại Paris, Pháp. Ông là một nhà sử học, ngôn ngữ học, một nhà nghiên cứu văn hoá giáo dục Việt Nam, cũng là một kỹ sư, nhà toán học. Ông có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển khoa học, văn hoá, giáo dục đất nước. Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn với cụm công trình về Lịch sử và Lịch sử Việt Nam. Ông là một thành viên tham gia đoàn đàm phán tại Hội nghị trù bị Đà Lạt (1946). Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt, in trong Tập san Sử Địa số 23 và 24, Sài Gòn, 1971. Hội AVAC, 23, Rue du Cardinal Lemoine, 74007 Paris, in lại năm 1987. Tư liệu trích dẫn thuộc bản AVAC, in tại Paris
[3] Hoàng Xuân Hãn: Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tài liệu đã dẫn, tr.8.
[4] Dẫn theo: Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr.198.
[5] Dẫn theo: Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr.200.
[6] Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Sđd, tr.202
[7] Philippe Devillers: Paris Sài Gòn Hà Nội, tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947, Sđd, tr.199-200
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.587
[9] Henri Azeau: Hồ Chí Minh cơ hội cuối cùng, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, 2021, tr.137