Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam là danh xưng không lạ đối với đa số mọi người, nhưng còn mặt trận thứ hai với tên gọi Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thì không phải ai cũng biết. Ra đời trong khói lửa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, Mặt trận 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình và hòa vào dòng chảy chung của dân tộc sau khi nước nhà thống nhất
Chủ trương mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc
Tháng 01/1967, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 154-NQ/TW Về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam, trong đó, lần đầu tiên Bộ Chính trị bàn tới việc thành lập Mặt trận 2 - một Mặt trận liên hiệp hành động rộng rãi ở các đô thị và những vùng nông thôn do địch kiểm soát, đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và trung lập.
Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 01/1968) chủ trương “…trong cao trào cách mạng của quần chúng, cần thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng, lấy một tên thích hợp với Cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng”[1] nhằm tạo bước nhảy vọt, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Hoa Kỳ.
Đây là một sự sáng tạo của Trung ương Đảng trong xây dựng, tập hợp lực lượng nhằm tranh thủ tất cả những ai tán thành độc lập dân tộc, trung lập và hòa bình, nhất là dân thành thị, đấu tranh làm cho kẻ thù bị cô lập cao độ, làm mất ổn định chính trị ngay trong trung tâm đầu não, thúc đẩy các mũi đấu tranh quân sự, binh vận, ngoại giao phát triển.
Ra đời tại các địa phương và thống nhất đến cấp Miền
Tại thành phố Huế, ngày 31/01/1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thành phố Huế ra đời[2], gồm các nhân sĩ, trí thức, sinh viên, chức sắc tôn giáo yêu nước nhằm tập hợp quần chúng rộng rãi thành một mặt trận yêu nước, hòa bình, chống Mỹ và tay sai. Liên minh đã kêu gọi đồng bào Huế kề vai, sát cánh, đẩy mạnh đấu tranh, chiến đấu và chiến thắng.
Tại Sài Gòn, ngày 07/02/1968, Mặt trận 2 Sài Gòn-Gia Định ra đời. Để gây thanh thế và thu hút sự chú ý của nhân dân Sài Gòn-Gia Định, Mặt trận công bố Bản Tuyên ngôn cứu nước khẩn cấp trên Đài Phát thanh Giải phóng. Giữa những ngày khói lửa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Mặt trận 2 tại Sài Gòn-Gia Định đã tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh.
Tiếp đó, Mặt trận 2 tại các địa phương được thành lập.
Luật sư Trịnh Đình Thảo chủ trì một hội nghị của Liên minh các lực lượng
dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Sau một thời gian chuẩn bị cho sự ra đời Mặt trận 2 trên toàn Miền, với chính sách đoàn kết dân tộc rộng rãi, linh hoạt và sáng tạo, ngày 20 và 21/04/1968, tại Bắc Tây Ninh, đại biểu các nhân sĩ, bác sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà tu hành, sinh viên, tư sản dân tộc, sĩ quan và công chức tiến bộ trong chính quyền Sài Gòn đã họp Hội nghị, thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, bầu Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, đại diện cho các tầng lớp nhân dân yêu nước ở thành thị miền Nam Việt Nam do luật sư Trịnh Ðình Thảo làm Chủ tịch.
Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, đòi hỏi phải tập hợp lực lượng chính trị rộng rãi, mở rộng mặt trận chống sự xâm lược của Hoa Kỳ, chống chính quyền Sài Gòn tay sai, đồng thời tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh tiến công ngoại giao.
Ngay sau khi thành lập, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra Tuyên ngôn và Chương trình cụ thể.
Tuyên ngôn cứu nước của Liên minh đã khẳng định 3 điểm: “Chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình, giành độc lập và chủ quyền dân tộc; kiến tạo Nam Việt Nam thành một quốc gia độc lập, tự do, hòa bình, trung lập và thịnh vượng; tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà trên cơ sở hai miền Nam Bắc bàn bạc, thương lượng bình đẳng và tôn trọng đặc điểm của nhau”[3].
Đồng thời, Liên minh tuyên bố quan điểm, lập trường “Đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, kiến quyết chống ngoại xâm, đánh đổ toàn bộ chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu -Nguyễn Cao Kỳ, thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc, giành độc lập, dân chủ và hòa bình”[4].
Liên minh ra đời nhưng không làm lu mờ vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam mà tô đậm thêm vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp lực lượng vào khối đại đoàn kết nhân dân miền Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong khi thực hiện liên minh, liên hiệp hành động rộng rãi ở các đô thị và những vùng nông thôn do chính quyền Sài Gòn kiểm soát với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam giữ thái độ độc lập đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, “đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, không phân biệt xu hướng, chính kiến, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, đoàn kết trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập và chủ quyền dân tộc hiện nay cũng như trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau này”[5].
Tập hợp lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các thành phố lớn
Cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Liên minh đoàn kết các tầng lớp nhân nhân miền Nam, chủ yếu ở đô thị, đấu tranh đòi độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình cho Việt Nam.
Thành phần của Mặt trận 2 bao gồm giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và học sinh trí thức, những người tiến bộ thuộc tầng lớp trên của các giáo phái, những nhân sĩ thuộc các giai cấp, tầng lớp, tạo nên lực lượng chính trị vững chắc.
Mặt trận 2 tập trung xây dựng lực lượng vững chắc trong công nhân, thanh niên, phụ nữ, sinh viên, học sinh và lớp nghèo thành thị, thậm chí vận động cả các bộ phận tiến bộ trong giai cấp tư sản dân tộc, những người tiến bộ thuộc tầng lớp trên của các giáo phái, những nhân sĩ, trí thức để mở rộng Mặt trận thành một lực lượng chính trị vững chắc trong các đô thị.
Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong Lễ thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Tại Huế, Mặt trận 2 ra đời, đã nhanh chóng tập hợp, xây dựng lực lượng chính trị vững chắc. Phong trào đấu tranh chính trị đã huy động 10 vạn lượt người tham gia, giương cao các khẩu hiệu: "Hòa bình, hòa hợp dân tộc", "Mỹ rút hết quân"... Những tháng cuối năm 1971, các cuộc bãi khóa, bãi công diễn ra liên tục, nhất là phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", với lực lượng nòng cốt là học sinh, sinh viên. Đông đảo thanh niên, tiểu thương, nhân sĩ trí thức đã liên tiếp xuống đường hô vang khẩu hiệu chống Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn…Các cuộc đấu tranh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có cả những người thuộc hoàng tộc, những nhà tư sản…
Tại Sài Gòn-Gia Định và nhiều đô thị lớn ở miền Nam, các phong trào “Sử ca”, “Kháng chiến ca”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” của hàng vạn thanh niên vang rền đường phố đã lôi cuốn người dân hướng về cách mạng.
Trong những năm 1969-1970, trong bối cảnh cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, vai trò đấu tranh chính trị tại các đô thị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các cuộc đấu tranh chính trị của công nhân, nhân dân lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, tín đồ Phật giáo,... tại các đô thị, nhất là Sài Gòn-Gia Định phát triển thành cao trào như: Cuộc bãi công của 400 nhân viên bệnh viện đòi tăng lương, trả tiền hộ sản (tháng 1/1969); cuộc đấu tranh của trên 10.000 đồng bào Sài Gòn biểu tình đòi vãn hồi hòa bình, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, lập nội các hòa bình ngày 25/01/1969; phong trào đấu tranh chính trị trong giới Phật giáo (24/2/1969)[6]. Phong trào đấu tranh của hàng nghìn sinh viên, học sinh thành phố Huế, Đà Lạt, Cần Thơ,…, Liên minh đã vận động, thu hút những người có tinh thần yêu nước, thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, tôn giáo….khác nhau trong các đô thị miền Nam, góp thêm sức mạnh cho khối đoàn kết toàn dân.
Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước, là ngọn cờ hiệu triệu mới đối với các tầng lớp, giai cấp khác nhau ở miền Nam, nhất là giới trí thức.
Cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã xây dựng, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hường Mỹ
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 29, tr 60.
[2] Ngô Kha (Chủ biên), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế, tập II (1954-1975),Nxb, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 262
[3]Tạ Văn Sỹ: Vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy 1968, Kỷ yếu Hội thảo 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nội dậy Mậu Thân (1968-2018) Tầm vóc và giá trị lịch sử, Nxb , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.292.
[4] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Biên niên sự kiện Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 855
[5]Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 797.
[6] Trần Trọng Tân (Chủ biên): Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 262