Tiếp nối những trang sử vẻ vang trong giai đoạn 1955-1975, trong những năm 1975-1986, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục vai trò phát huy quan trọng trong việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo nên những thành tựu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Mặt trận Tổ quốc góp phần thực hiện đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhất nước nhà
Với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo về Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nước ta có nhiều dân tộc, nhiều giai cấp, nhiều thành phần kinh tế, xã hội, tín ngưỡng mang những đặc điểm, nguyện vọng và lợi ích cụ thể khác nhau. Đó chưa kể do mấy chục năm chiến tranh, do sự chia rẽ của kẻ địch không chỉ để lại những hậu quả nặng nề về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn để lại cả những vướng mắc, những thành kiến và cả những mặc cảm của không ít người, nhất là với những người đã từng cộng tác với chế độ cũ.
Trong tình hình đó, yêu cầu cấp bách tiếp tục mở rộng mặt trận đoàn kết đã được hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh cách mạng. Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong điều kiện mới vẫn phải phát huy vai trò và tác dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”1.
Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh, (2/1977) nhất trí thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền, thành một mặt trận chung, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm đại diện các tổ chức thành viên, đại diện tổ chức mặt trận các địa phương, các nhân vật tiêu biểu của các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo và đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài. Trong Ủy ban Trung ương còn có một số ủy viên trước đây sống trong chế độ cũ ở miền nam, chưa tham gia tổ chức Mặt trận nào.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều vấn đề mới được đặt ra, nhất là việc xác định đường lối cách mạng nói chung và chủ trương, chính sách công tác mặt trận nói riêng. Những khó khăn không chỉ trong việc làm chuyển biến nhận thức, mà còn đòi hỏi sự thay đổi phương thức lãnh đạo, quản lý, công tác cho phù hợp với bước chuyển cách mạng.
Hoạt động của tổ chức Mặt trận không chỉ bó hẹp trong công tác tuyên truyền chính trị, động viên nhân dân đoàn kết, mà đi sâu vào quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh các phòng trào hành động cách mạng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thể hiện vai trò và tác dụng to lớn, tổ chức Mặt trận, với kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được, tiếp tục có những giải pháp mới, cách nghĩ và cách làm mới, tiếp tục phát triển theo hướng mở rộng và củng cố, nhằm đoàn kết các tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân thuộc giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, xã hội, tôn giáo, dân tộc và đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài cùng nhau đồng tâm, hiệp lực, thống nhất hành động vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là khối liên minh toàn thể nhân dân, toàn thể dân tộc đã giành quyền làm chủ đất nước và nay lại cùng nhau sử dụng quyền làm chủ ấy để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam họp từ ngày 31/01 đến ngày 04/02/1977 (Ảnh tư liệu)
Mặt trận Tổ quốc động viên toàn dân tiến hành cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc (1977-1979)
Sau ngày miền Nam giải phóng, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do tập đoàn Pôn Pốt phát động kéo dài hai năm, gây cho nhân ta nhiều thiệt hại về người và của. Hành động trên đây của tập đoàn Pôn Pốt nhằm gây ra mối hận thù dân tộc, chia rẽ hai nước, hai dân tộc, phá hoại công cuộc xây dựng lại đất nước của nhân dân ta.
Trước những phức tạp của tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Mặt trận chủ trương đẩy mạnh phong trào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Thành tích nổi bật của Mặt trận các cấp là đẩy mạnh giáo dục, động viên nhân dân hăng hái làm tốt nghĩa vụ quân sự, huy động toàn dân tham gia xây dựng các xã, ấp chiến đấu, xây dựng các huyện tuyến biên giới. Mặt trận và các thành viên tăng cường phối hợp tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân nâng cao cảnh giác, chống mọi luận điệu chiến tranh tâm lý; kịp thời hỗ trợ chính quyền trấn áp lực lượng phản động lưu manh, côn đồ và các âm mưu phá hoại gây bạo loạn, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội; tăng cường đoàn kết quân dân, động viên nhân dân chăm sóc bộ đội, thương binh và làm tốt công tác hậu phương quân đội trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Mặt trận các cấp.
Vai trò của Mặt trận còn thể hiện trong các hoạt động đối nội, đối ngoại nhằm động viên cổ vũ tinh thần đoàn kết, yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận và các đoàn thể góp phần nêu cao lập trường chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, tăng cường tình đoàn kết với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân ta với nhân dân Trung Quốc và nhân dân Campuchia. Thông qua nhiều hình thức hoạt động, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể còn góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết quốc tế kết hợp với chủ nghĩa yêu nước chân chính, động viên nhân dân làm tốt nghĩa vụ quốc tế.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy tinh thần sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân khắc phục mọi trở ngại và tìm kiếm con đường đổi mới
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 2/1977 là sự biểu dương thắng lợi to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; là mốc đánh dấu bước phát triển của Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới của cách mạng. Nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức thành viên là phải củng cố và mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về mặt chính trị và tinh thần trong xã hội, phát huy nhiệt tình cách mạng và ý thức làm chủ, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Về nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội chỉ rõ: Phải phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội , trong cuộc đấu tranh ngăn ngừa những hành động vi phạm đường lối, chính sách, vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào hành động cách mạng.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đại hội đề ra, hoạt động của Mặt trận góp phần tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong xã hội ta; vận động mọi tổ chức, mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền ở miền Nam, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước; tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, chống văn hóa nô dịch và bài trừ các tệ nạn xã hội do đế quốc, thực dân và phong kiến để lại.
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai họp từ ngày 12 đến ngày 14/5/1983 (Ảnh tư liệu)
Ủy ban Mặt trận các cấp còn trực tiếp vận động một số giới và tầng lớp như các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, những người có uy tín trong các tôn giáo, các dân tộc, những người thuộc diện cải tạo xã hội chủ nghĩa, những người đã cộng tác với chế độ cũ ở miền Nam và người Việt Nam sống ở nước ngoài.
Hoạt động của Mặt trận đi vào thiết thực, hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư, đồng thời, bước đầu làm rõ những vấn đề về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận, vấn đề phối hợp và thống nhất hành động, giữa các tổ chức thành viên; tăng cường quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền các cấp và hoạt động Mặt trận ở cơ sở.
Trong những năm này, đất nước vẫn phải đương đầu với những thử thách to lớn. Các thế lực phản động quốc tế vẫn đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống nước ta. Tình hình kinh tế, xã hội vẫn khó khăn nghiêm trọng, các sai lầm, yếu kém mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng chỉ ra chậm được khắc phục, làm cho lòng tin của nhân dân giảm sút. Trong tình hình đó, Ủy ban Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên ra sức vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết phấn đấu, góp sức với Đảng và Nhà nước cố gắng vượt qua thử thách, khắc phục khó khăn, đi sâu phát hiện và sửa chữa sai lầm, đạt một số thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đi đôi với những tuyên bố về chủ trương chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc, Đảng, Nhà nước và tổ chức Mặt trận hai miền còn đặc biệt chú trọng thực hiện nhiều hoạt động nhằm an dân, ổn định tình hình, trước hết là quan tâm thăm hỏi, động viên những gia đình có những người con ưu tú đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Mặt trận đã phối hợp với chính quyền ở hai miền vận động nhân dân hăng hái phục hồi sản xuất, góp phần đề ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh khôi phục sản xuất, ổn định đời sống hằng ngày.
Mặt trận và đoàn thể ở miền Nam tích cực đẩy mạnh công tác mặt trận, góp phần thực hiện công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội; phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động tiểu thương, tiểu chủ để họ hiểu chủ trương, chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, yên tâm làm ăn buôn bán theo chính sách và pháp luật của Nhà nước. Mặt trận còn tham gia giải quyết vấn đề ruộng đất ở miền Nam nhằm xóa bỏ những tàn dư của chế độ thực dân, phong kiến, phối hợp chặt chẽ với đảng bộ, chính quyền, nông hội xã, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để tiến hành tịch thu, trưng thu, trưng mua, vận động hiến, thu hồi và chia cấp ruộng đất, xóa bỏ tô, tức, đúng chủ trương, chính sách.
Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể đã tăng cường vận động nhân dân tự nguyện, thương lượng, nhân nhượng giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất ở nhiều địa phương một cách hợp lý, có tình. Đối với những hộ không có ruộng đất, thì được cấp ruộng đất do tịch thu, trung thu, trưng mua, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những gia đình nông dân có nhiều ruộng san sẻ bớt một phần cho người thiếu ruộng hoặc không có ruộng; hướng dẫn, giúp đỡ một số người đi xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp. Những gia đình thương binh liệt sĩ quân đội cũ, nhân viên chính quyền cuc cũng được chia cấp ruộng đất như gia đình nông dân lao động khác nhằm tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống và góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức Mặt trận Tổ quốc nhiều nơi tích cực chăm lo củng cố đoàn kết quân dân, lương giáo, dân tộc, đoàn kết trong làng xóm, phố phường. Các cuộc vận động nhân dân phát triển sản xuất và dịch vụ, tổ chức đời sống ở địa bàn dân cư, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, trồng cây, mua công trái xây dựng Tổ quốc,.. đã có tác dụng thiết thực đối với sản xuất và đời sống nhân dân.
Cũng trong thời kỳ này, một trong những chủ trương mang tính đổi mới được thực hiện và khẳng định, đó là mở rộng Mặt trận Tổ quốc về hoạt động thực tiễn về tổ chức, đã phát huy vai trò Mặt trận trên hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an quốc phòng. Các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, phát động tuy chưa lớn về quy mô, hiệu quả chưa thật cao, nhưng đã góp phần đáng kể vào việc khắc phục những khó khăn về kinh tế, đời sống. Các phong trào dân sinh, dân chủ, dân trí do Mặt trận phát động chẳng những mang lại và bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhân dân, mà còn hỗ trợ những cải cách về cơ chế quản lý kinh tế, góp phần khắc phục tình trạng tập trung quan liêu, bao cấp, đặc quyền đặc lợi và kiềm chế tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Cũng chính trong thời kỳ khó khăn này, thử thách này, Mặt trận đã đề ra chủ trương hướng về cơ sở, đưa công tác mặt trận đến địa bàn dân cư, hộ gia đình, do vậy chỉ trong một thời gian ngắn mạng lưới công tác mặt trận đã được phủ khắp các địa phương trong toàn quốc. Đây là chủ trương đúng, là bước chuyển chưa từng có. Tuy còn những quan niệm, nhận thức khác nhau, nhưng tác dụng hiệu quả của chủ trương đổi mới này là không thể phủ nhận.
Trong chặng đường 10 năm (1975-1986), Mặt trận các cấp đã vươn lên tìm tòi, khảo nghiệm và xác định nội dung, mô hình đổi mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị- xã hội, tăng cường sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, ủng hộ con đường đổi mới dần trở thành khuynh hướng chủ đạo trong xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nhân tố quan trọng nhân lên sức mạnh của mỗi người dân và của cả dân tộc.
Nguyệt Ánh
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, t.9, tr.103.