Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (1979-1989) chống lại hành động chiến tranh ồ ạt tháng 2-tháng 3 năm 1979 và hành động chiến tranh xâm lấn, chiến tranh làm chảy máu trong những năm sau đó. Trong cuộc chiến khốc liệt và kéo dài đó, cái tên Vị Xuyên chỉ thực sự được nhắc đến nhiều và nhớ đến nhiều từ năm 1984
Vị Xuyên - mặt trận nóng bỏng, khốc liệt
Trong cuộc đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979-1989), tỉnh Hà Tuyên thành trọng điểm của tuyến đầu, trong đó Vị Xuyên là huyện diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất, đặc biệt giai đoạn từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989. Mặt trận Vị Xuyên trở thành "thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí" của quân Trung Quốc. Âm mưu của Trung Quốc là “tập trung tiến công vào khu vực vừa phải, dùng hỏa lực mạnh để sát thương bộ đội chủ lực, phá hoại việc khôi phục kinh tế của Việt Nam”.
Trung Quốc lựa chọn lựa chọn Vị Xuyên làm điểm tiến công lấn chiếm và là chiến trường trọng điểm, bởi các lý do: Một là, Trung Quốc cho rằng đây là một khu vực mà việc hoạch định biên giới giữa 2 nước chưa thật rõ ràng, Bắc Kinh tuyên bố “Lão Sơn” (điểm cao 1509) và “Giả Âm Sơn” (điểm cao 1250) là của Trung Quốc; do đó Trung Quốc được quyền chiến đấu để "thu hồi đất đai". Hai là, đánh chiếm Vị Xuyên, Trung Quốc dễ lừa bịp dư luận trong nước và quốc tế bởi vì khu vực này trên thực tế chúng đã lấn sâu vào đất ta tới 2 km, rõ ràng đi xâm lược, lấn chiếm nhưng chúng cố dựng lên những lý do phi thực tế để che đậy và lừa bịp dư luận về hành động xâm lược. Ba là, Trung Quốc cho rằng đánh vào Vị Xuyên tạo thành điểm nóng biên giới thì ta buộc phải đưa lực lượng lớn đến để đối phó, nhưng khu vực này xa hậu phương, đường quốc lộ 2 hẹp và độc đạo nên việc bảo đảm cho hậu cần một đội quân lớn rất khó khăn; trong khi đó Trung Quốc chủ động cả về lực lượng, không gian, thời gian, luôn duy trì được thế mạnh, gây được áp lực lớn đối với ta nhưng không ảnh hưởng đến chương trình 4 hiện đại hoá.
Vì vậy, từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, mặt trận Vị Xuyên là điểm chính diện cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc với chiều dài khoảng 10 km, sâu vào nước ta 5 km. Trung Quốc đưa hơn 50 vạn quân của 8/10 đại quân khu[1], tiến công toàn diện biên giới Hà Tuyên, tập trung là huyện Vị Xuyên. Chúng cũng huy động khoảng 800 khẩu pháo tập trung đánh vào trận địa hẹp của ta, hòng vẽ lại đường biên giới tới phía bắc suối Thanh Thủy.
Vị Xuyên trở thành chiến trường khốc liệt của quân và dân tỉnh Hà Tuyên nói riêng và cả nước nói chung.
Mặt trận Vị Xuyên suốt 10 năm trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, đặc biệt 5 năm cuối (1984-1989), với không gian chiến trường chỉ khoảng 10 km², chiều sâu hơn 2 km đã diễn ra các trận đánh ác liệt và gian khổ của quân ta. Ta giành giật với đối phương từng điểm cao, từng căn hầm, từng mét hào, hốc đá, ụ đất. Bởi vì nơi đây lực lượng hai bên tác chiến trực tiếp tiếp xúc liên tục, có nơi chỉ cách nhau chừng 10-20 m, như ở khu vực Bốn Hầm, Bình độ 1100, Điểm cao 1059. Địa hình nơi đây cũng cực kỳ phức tạp, các trận đánh hầu hết diễn ra trên các ngọn núi đá có độ cao từ 600m đến hơn 1.000m, thấp nhất là 200m-300m. Mặt trận Vị Xuyên, hầu như chưa một ngày nào im tiếng súng. Nếu như mặt trận Quảng Trị mùa Hè “đỏ lửa” năm 1972 kéo dài 81 ngày đêm thì mặt trận Vị Xuyên từ tháng 2/1984 đến tháng 5/1989 có tới hơn 1.800 ngày đêm dưới bom đạn, pháo kích, giành giật, lấn chiếm và chống lấn chiếm.
Pháo binh của bộ đội ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (Ảnh tư liệu)
Đặc biệt, từ ngày 2 đến ngày 27/4/1984, Trung Quốc tiến hành đợt pháo kích lớn nhất, liên tục xuống địa bàn huyện Vị Xuyên. Sáng 28/4/1984, trên hướng Vị Xuyên, chúng bắn gần 12.000 viên đạn pháo chi viện cho bộ binh tiến công các điểm phòng ngự của ta ở phía bắc suối Thanh Thủy. Trên những điểm cao, hai bên giằng co nhau từng tấc đất một, địa hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau cày xới suốt ngày đêm. Cuộc tiến công, xâm lấn biên giới của Trung Quốc kéo dài 5 năm sau đó đã rót khoảng trên 2 triệu quả đạn pháo, đạn cối xuống biên giới Vị Xuyên. Có những đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Có nơi như điểm cao 685, hằng ngày Trung Quốc bắn vào hàng nghìn quả đạn pháo, khiến đá nát thành vôi bột, người hay cỏ cây đều không thể sống sót, ngọn núi bị bạt đến 3 mét, trở thành "lò vôi thế kỷ"; hay đỉnh 772, còn gọi là “đồi thịt băm”, “cối xay thịt” ghi dấu trận đánh ngày 12/7/1984, khiến hơn 1.000 chiến sỹ của ta ngã xuống khi thực hiện chiến dịch MB-84 để giành lại những điểm cao mà Trung Quốc lấn chiếm và chiếm giữ; đó là “Ngã ba cửa tử”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”... Những tên gọi của những địa danh đó, nó đã nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên cương Tổ quốc trên mảnh đất Vị Xuyên.
“Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”
Nhân dân Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại cầm vũ khí đứng lên bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Vị Xuyên trở thành chiến trường tập trung của ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của quân và dân tỉnh Hà Tuyên và cả nước. Cả nước hướng về Vị Xuyên, dồn sức, dồn lực cho biên giới, với tinh thần “Cả nước vì Hà Tuyên và Hà Tuyên vì cả nước”, “Hà Tuyên gọi thanh niên cả nước sẵn sàng lên đường”, Quân với dân một ý chí, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược… đó là những khẩu hiệu được vang lên thôi thúc toàn dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên.
Những người lính Vị Xuyên, mang trong mình khát vọng độc lập dân tộc, bảo vệ từng tấc đất, mỏm đá biên cương thiêng liêng của Tổ quốc lên đường ra trận, sống và chiến đấu với phương châm “một tấc không đi, một ly không rời” và lời thề bất tử “Sống bám đá, chết hóa đá”.
Chiến đấu ở một địa bàn khó khăn như vậy, việc xây dựng trận địa, vận chuyển đạn dược, hậu cần, thương binh, liệt sĩ và tiếp tế lương thực, thực phẩm đều dùng sức của đôi vai người lính. Do khoảng cách giữa những điểm chốt giữ của ta và địch cách nhau không xa, có những nơi chỉ cách 20-30m, hơn nữa, địch ở trên cao, ban ngày quan sát rất rõ trận địa phòng ngự của ta, nên chiến sĩ vận chuyển đạn dược, thức ăn lên chốt chỉ đi vào ban đêm, vượt qua các làn hỏa lực của địch để lên chốt. Còn các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các trận địa phòng ngự, ngoài việc phải chịu đựng căng thẳng, ác liệt khi chiến đấu, còn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Nhiều điểm chốt, chiến sĩ thường xuyên phải ăn cơm nắm, lương khô dài ngày. Có những người cả tháng nằm trong hang, không được tắm, ăn uống kham khổ, đến khi trở về thì ai nấy râu tóc tua tủa, cứ như “người rừng”. Có những lúc hậu cần không tiếp tế do pháo địch bắn dữ dội, người lính đành nhịn đói, nhịn khát. Trong khi đó, chỉ cách khoảng 20 km nhìn về phía thị xã Hà Giang, là cuộc sống không bom đạn với ánh đèn lung linh và tiếng nhạc. Người lính cầm súng nơi chiến hào chỉ cần ngoảnh lại phía sau, là cuộc sống hoàn toàn khác – một cuộc sống bình yên là niềm mơ ước của mọi người lính. Đây là yếu tố tác động lớn đến tư tưởng của người lính, đặc biệt với những chiến sĩ trẻ. Chưa kể là, tháng 7 ở Vị Xuyên, đặc biệt tháng 7/1984, mưa lớn bất thường, bộ đội cứ đào hầm, che tăng bạt xong là mưa làm sập.
Dù có vô vàn khó khăn, sống và chiến đấu ở nơi đặc quánh mùi khói pháo và thuốc súng, với những tiếng nổ của bom đạn hằng ngày, “Pháo địch bắn như ngô rang”, nhất là ở điểm cao 772, 685, nhưng những người lính vẫn kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa để bảo vệ các điểm cao và chống lại sự tiến công, lấn chiếm của địch, với một tâm thế: “ai cũng đau đáu một điều rằng phải giữ đất, không cho kẻ thù tràn xuống Hà Giang”. Điều đó chỉ có thể giải thích được bằng chính khát vọng của mỗi người lính Vị Xuyên: độc lập và bình yên cho Tổ quốc! Đó là động lực to lớn để mỗi người lính chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, bám trụ ngày đêm nơi chiến hào. Chỉ có lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì Tổ quốc của lớp thanh niên được kế tiếp mạch nguồn truyền thống vinh quang của Bộ đội Cụ Hồ, của dân tộc Việt Nam anh hùng mới hun đúc nên bản lĩnh của người lính trên Mặt trận Vị Xuyên.
Phút bình yên hiếm hoi của bộ đội bảo vệ biên giới phía Bắc (Ảnh tư liệu)
Chia lửa với chiến trường Vị Xuyên, lớp lớp thanh niên ở các địa phương khác, trong đó có nhiều sinh viên xếp bút lên đường nhập ngũ, trong đó có cả những chàng trai Hà Nội hào hoa. “Mọi người cứ nói bọn em là lính Hà Nội, là công tử, không thể chiến đấu được. Nhưng chúng em thề sẽ ở đây, chiến đấu đến cùng, không để 1 tấc đất của Tổ quốc rơi vào tay địch”[2]; Đó là chàng trai Phú Thọ, tên là Trần Thực hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, trong thư gửi cho mẹ, anh viết "có một dòng trong và dòng đục nhưng con vẫn chọn dòng trong và đi đến cuối cuộc đời". Trong cuốn nhật ký của anh để lại, anh biết để giữ được biên giới, biên cương Tổ quốc thì phải hy sinh, nhưng anh vẫn kiên quyết đi.
Đó là, Quyết tâm thư của Sư đoàn 356: “Với niềm tin sắt đá, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ luật và truyền thống biết khó vượt khổ của Sư đoàn chúng tôi. Hàng nghìn trái tim nóng bỏng đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, quyết đạp bằng mọi gian khổ, khó khăn, nguyện chiến đấu, hy sinh chi biên cương Tây Bắc, cho Tổ quốc Việt Nam, tô thắm thêm lá cờ của lực lượng vũ trang và viết tiếp trang truyền thống của Sư đoàn 356”.
Đó là, hình ảnh đồng đội của những người lính Vị Xuyên, lúc hy sinh vẫn tư thế tay vẫn cầm súng hướng về phía Trung Quốc.
Gặp người lính Vị Xuyên xuống chốt sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các anh kể lại đánh nhau “như không có gì đáng kể “ và cười “kết luận”: “Bọn em như những con thằn lằn bám vào đá để sống và bảo vệ bằng được từng mỏm đá, mỏm núi của biên cương Tổ quốc”. Thế đấy, kiên cường chiến đấu, chịu đựng đến tận cùng mọi gian nan nhưng luôn thanh thản sống. Các anh xuống chốt, tắm rửa, cắt tóc, cạo râu và lại chuẩn bị cho đợt lên chốt mới. Để rồi, khi lên chốt: “Những luồng đạn thẳng căng, ghê rợn, tiếng nổ của DKZ đanh, khủng khiếp, dữ dội và chúng ta đang gặp tình thế rất khó khăn. Trước tình hình không thuận lợi ấy, đợt xung phong đầu tiên không thành, tuy vậy tinh thần và ý chí của bộ đội ta quyết không hề lùi bước. Nhiều phân đội trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ dũng cảm xông lên, tiến lên không một phút chần chừ”[3].
Đối diện với họng súng quân xâm lược, những người lính tuổi đôi mươi dù lần đầu ra trận vẫn không hề run sợ, quyết cảm tử giữ biên cương Tổ quốc. Họ, trong mỗi người Việt Nam, luôn là những anh hùng!
Cả nước đều hát vang ca khúc Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: “Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom. Ngọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi”, nhưng không có cách nào khác: “Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom. Quyết chiến thắng cho hôm nay cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền”. Từ ngàn đời nay, dân tộc ta là như vậy.
Ngày 12-7 hằng năm, “Ngày giỗ trận” Vị Xuyên, những người lính từng chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên trở lại mảnh đất năm xưa - nơi những đồng đội của họ đang nằm yên nghỉ ở nghĩa trang Vị Xuyên hay ở những điểm cao - thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội, tưởng nhớ về những tháng ngày ác liệt nhưng đầy anh dũng, kiên cường và đầy tự hào. Cầm đàn ghi ta và hát vang cho đồng đội nghe bài hát “Đồng đội ơi” "Đồng đội ơi! Tôi nhớ/ Chiến tranh qua lâu rồi/Lòng vẫn thầm thì gọi/Đồng đội, đồng đội ơi!..."
Vị Xuyên – chiến trường một thời đầy nóng bỏng, ác liệt. Nơi điểm tựa tiền tiêu này, lửa đã cháy trong mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ là lửa tội ác của pháo đạn giặc. Còn là lửa sống của những người lính Vị Xuyên. Lửa chiến đấu hết mình để giữ vững biên cương Tổ quốc. Lửa của tình đồng chí, đồng đội và lòng thiết tha yêu quý hòa bình.
Chi Mai
[1] Gồm lực lượng của 4 quân khu, 4 quân đoàn, 8 sư đoàn chủ lực cùng nhiều lữ đoàn pháo binh, trung đoàn bộ binh độc lập
[2] Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2, phụ trách tác chiến mặt trận Vị Xuyên, Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/chien-dich-phan-kich-mb-84-1250401.html, 12/7/2020.
[3] Nhật lý chiến dịch MB-84 của Đại úy Hồ Văn Thông - Trợ lý tuyên huấn Sư đoàn 356.