Với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Hội nghị tổ chức trong rừng Khuổi Nậm, thuộc Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng). Dự Hội nghị có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Vũ Anh và một số đồng chí khác.
Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông dương lần thứ VIII (5/1941) quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh (Ảnh Tư liệu BTLSQG).
Các đại biểu dự Hội nghị đã phân tích nguồn gốc, đặc điểm, tính chất của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, từ đó nhận định phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô và chiến tranh Thái Bình Dương sẽ bùng nổ. Điều này đã được minh chứng là hoàn toàn đúng khi ngày 22-6-1941, Đức quốc xã tiến công Liên Xô và ngày 7-12-1941, Nhật Bản bất ngờ gây chiến với Mỹ bằng trận tiến công Trân Châu Cảng. Mặc dù thế trận của phe phát xít đang rất mạnh, Trung ương Đảng dự đoán phe Đồng Minh chống phát xít nhất định sẽ thắng lợi, phe phát xít nhất định sẽ thất bại, phong trào cách mạng thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ . Hội nghị dự đoán nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã ra đời Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ ra đời nhiều nước xã hội chủ nghĩa, cách mạng nhiều nước có điều kiện thành công.
Hội nghị chỉ rõ nhân dân Đông Dương phải chịu những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh thế giới, vì vậy thái độ chính trị của các giai cấp có thay đổi khá lớn. Mâu thuẫn chủ yếu phải được giải quyết cấp bách lúc này, là mâu thuẫn giữa các dân tộc Việt Nam với đế quốc phát xít Pháp - Nhật. Tiếp tục dòng mạch tư duy được đề ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (11-1939), Hội nghị đề ra quyết sách: "thay đổi chiến lược cách mạng", giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên là nhiệm vụ trước tiên của cách mạng Đông Dương. Nghị quyết Hội nghị viết: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trong Mặt trận đều lấy tên là “Hội cứu quốc” như Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Nhi đồng cứu vong, Hội Quân nhân cứu quốc... Với các dân tộc Lào, Cao Miên, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thành lập Mặt trận ở mỗi nước, tiến tới thành lập một Mặt trận chung Đông Dương.
Nhằm triệt để phát huy yếu tố dân tộc, phân hoá hàng ngũ giai cấp địa chủ, Hội nghị tiếp tục thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu “đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày” thay bằng khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo”, chia lại ruộng công, giảm tô, giảm tức.
Hội nghị xác định cuộc cách mạng Đông Dương sẽ kết thúc thắng lợi bằng một cuộc khởi nghĩa vũ tran. Hội nghị quyết định phải xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, khi thời cơ đến “với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.
Một quyết định quan trọng nữa là Hội nghị đã đặt hẳn vấn đề dân tộc trong khuôn khổ của mỗi nước Việt Nam, Lào, Khơ me, thi hành đúng quyền “dân tộc tự quyết”, với tinh thần liên hệ mật thiết với nhau, giúp đỡ nhau giành thắng lợi....
Hội nghị đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nghị quyết hội nghị đề ra gấp rút đào tạo cán bộ và tăng thêm thành phần vô sản trong Đảng.
Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám kết thúc vào ngày 19-5-1941. Đây cũng là ngày đánh dấu sự ra đời của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Mặt trận Việt Minh có tổ chức khác với cơ chế tổ chức của Đảng. Phương pháp tổ chức các hội quần chúng trong mặt trận rất mềm dẻo, linh hoạt nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân, các đảng phái tham gia Mặt trận. Trong mối quan hệ với Việt Minh, Đảng xác định cũng là một bộ phận trong Mặt trận Việt Minh, nhưng là bộ phận trung kiên và lãnh đạo.
Mười chính sách lớn của Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), năm 1941.(Ảnh Tư liệu BTLSQG)
Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình “Việt Minh kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ và chương trình của Việt Minh và được Tổng bộ Việt Minh thông qua, thời được gia nhập Việt Minh”.
Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm, là một hệ thống chính sách về chính trị, kinh tế, văn hoá và những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, người già và kẻ tàn tật, tư sản, địa chủ, nhà buôn. Tinh thần là “cốt thực hiện được hai điều mà toàn thể nhân dân Việt Nam mong ước: làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941 với những quyết sách lịch sử và sự thành lập Việt Nam độc lập đồng minh là khởi nguồn thắng lợi của cách mạng tháng Tám. Từ núi rừng Pác Bó, ánh sáng cách mạng nhanh chóng soi rọi, lan rộng, tạo lên cao trào cách mạng giải phóng dân tộc mạnh mẽ với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Bình Thi