Thực hiện chủ trương đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, giành độc lập dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đã sớm thiết lập quan hệ với các lực lượng dân chủ, tiến bộ trong khu vực Đông Nam Á
Thực hiện chủ trương “sẵn sàng bắt tay các dân tộc bị áp bức châu Á (...) đặng cùng các dân tộc ấy thành lập mặt trận liên minh chống đế quốc phát xít”[1], các lực lượng chống phát xít trong khu vực Đông Nam Á, trước hết là ở Lào, Thái Lan, là những lực lượng mà Việt Minh hướng tới trong quá trình mở rộng ảnh hưởng và tìm kiếm đồng minh.
Do chính quyền thuộc địa tăng cường đàn áp, những người Việt sinh sống, làm việc tại Lào (trong đó có nhiều đảng viên đảng cộng sản Đông Dương) bị bắt, bị trục xuất; một bộ phận lánh sang Thái Lan.
Ngày 11/11/1940, trung đội lính khố xanh người Việt Nam đóng ở Viêng Chăn do ông Vũ Hữu Bỉnh (quản Bỉnh) chỉ huy đã bí mật rút sang Thái Lan, có ý định liên lạc với tổ chức cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan và dựa vào Thái Lan để chống Pháp.
Một số sĩ quan, cảnh sát, trí thức và công chức Lào có tinh thần dân tộc chạy sang Thái Lan để tìm đường liên lạc với Đồng Minh chống Nhật, Pháp. Họ liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan và được Đảng Thái tự do[2]. Thái tự do tức “Thái Sêri” hay “Sêrithai”là tổ chức chính trị ở Đông Bắc Thái chủ trương chống Nhật; được Mỹ, Anh giúp đỡ. Tổ chức “Thái Sêri” đã giúp đỡ một số thanh niên trí thức Lào chạy sang Thái từ năm 1941 để liên lạc với Đồng minh nhờ giúp đỡ chống lại Nhật.
Bộ phận người Lào này về sau tập hợp trong tổ chức “Lào Sêri”.
Đầu năm 1942, một số cuộc nổi dậy của các dân tộc bùng lên ở Thượng Lào.
Tháng 1/1943, tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom (Đông Bắc Thái Lan), những Việt kiều hoạt động ở Lào và Thái lập “Ban Vận động Việt kiều Lào-Thái”. Sau đó, các hội Việt kiều được thành lập rộng rãi ở các địa phương có Việt kiều cư trú trên đất Thái-Lào. Ban Vận động bắt đầu xúc tiến gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào, thu hút các đảng viên cũ còn lại và những Việt kiều tích cực, nhằm mục đích tương trợ nhau trong cuộc sống. Một số cơ sở được gây dựng lại ở Thakhek, Xavannakhet, Vientiane.
Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ hoạt động tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan năm 1929
(Ảnh tư liệu TTXVN)
Ngày 28/2/1943, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương nhấn mạnh việc phải chú trọng giúp đỡ thành lập Ai Lao độc lập Đồng Minh (vì Ai Lao độc lập Đồng Minh chưa được thành lập); đồng thời, giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Trung kỳ phải giúp nhân dân Lào phát triển những tổ chức cứu quốc ở Lào.
Giữa năm 1944, Ban Vận động Việt kiều Lào-Thái tiếp nhận được Chương trình, Điều Lệ của Mặt trận Việt Minh do một số đảng viên ở Quảng Bình sang Lào lánh địch truyền đạt. Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Để thống nhất việc chỉ đạo phong trào đấu tranh, xúc tiến việc củng cố và phát triển lực lượng, những người trung kiên trong Hội Việt kiều cứu quốc đã thành lập Đội Tiên phong (còn gọi là Đội Tiền vệ) làm đấu mối lãnh đạo hoạt động của Việt kiều và của những người Lào yêu nước. Phong trào yêu nước trong học sinh, viên chức Lào được nhen nhóm, phong trào yêu nước của Việt kiều ở hai bên bờ sông Mekong phát triển mạnh.
Tháng 2/1945, Đội Tiên phong tổ chức hội nghị mở rộng đề ra chủ trương: Phát triển hội viên cứu quốc vào các tầng lớp nhân dân, nông dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, binh lính, cảnh sát có tinh thần yêu nước và tiến bộ, cùng nhau đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật. Liên hệ với tổ chức “Seri Thai” (Thái tự do) để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ trong việc xây dựng căn cứ bí mật trên đất Thái Lan, tranh thủ số người Lào di tản sang Thái Lan tham gia vào hàng ngũ cứu quốc.
Cũng trong tháng 2/1945, Đại hội đại biểu Việt kiều cứu quốc ở cả Thái Lan và Lào thống nhất thành lập Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái-Lào-một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh, nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập của xứ sở. Tổng hội Việt kiều cứu quốc chủ trương xuất bản báo Độc lập, lập chiến khu, tổ chức quân giải phóng, liên lạc với các tổ chức của người Lào yêu nước để phối hợp đấu tranh chống phát xít, giành độc lập cho mỗi nước.
Sau ngày Nhật đảo chính, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái-Lào, tiến hành bắt mối với tổ chức Seri Thai để tranh thủ sự ủng hộ của họ nhanh chóng xây dựng và củng cố các chiến khu ở các tỉnh Nakhon Phanom, Noong Khai, Xakon Nakhon... để huấn luyện quân sự cho nam nữ thanh niên, cấp tốc xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào.
Ngược lại, tổ chức Thái Sêri muốn sử dụng lực lượng ngày càng lớn mạnh của Việt kiều ở Thái Lan để chống Nhật nên đã đặt mối liên hệ và tích cực giúp đỡ Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái-Lào.
Ngày 11/5/1945, tại chiến khu Na Ke (Nakhon Phanom), lực lượng vũ trang cách mạng của Việt kiều được thành lập lấy tên là Việt Nam độc lập quân.
Đến tháng 7/1945, chiến khu này giải thể, lực lượng vũ trang chiến khu phân tán trong Việt kiều trở về Lào gây dựng cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoàng thân Souphanouvong ngày 4/9/1945 tại Hà Nội (Ảnh sách Quan hệ đặc biệt Việt Nam -Lào, Nhà xuất bản Thông tấn)Tháng 4/1945, tại Thái Lan, nhóm người Lào đang hoạt động tại đây thành lập tổ chức Lào Ítxala (Lào tự do), tập hợp các công chức, học sinh có tinh thần yêu nước, chủ trương dựa vào phe Đồng Minh chống Nhật để giành độc lập. Tháng 5/1945, một tổ chức yêu nước khác của người Lào cũng ra đời là LàopênLào (nước Lào của người Lào), gọi tắt là Lopolo, gồm những công chức, trí thức, sĩ quan người Lào tập hợp nhau để đấu tranh giành độc lập cho Lào. Đội Tiên phong, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái-Lào đã tiến hành liên hệ với các tổ chức Lào Ítxala và LàopênLào để bàn việc phối hợp hoạt động, thu hút và tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự cho thanh niên Lào- Việt.
Ngay khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc họp từ ngày 14 đến 15/8/1945 tại tỉnh Tuyên Quang (Việt Nam). Đại biểu các tổ chức cứu quốc ở Thái Lan và Lào về tham dự có các ông Dương Trí Trung, Trần Đức Vịnh. Sau Hội nghị, Trần Đức Vịnh được cử làm đại diện đặc biệt của Tổng bộ Việt Minh và ngày 28/8/1945 trở về Lào hoạt động.
Tiếp đó, ngày 16/8/1945, Tổng bộ Việt Minh tổ chức Quốc dân Đại hội Tân Trào nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới, thành phố Viêng Chăn, đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.
Ngoài Lào, Thái Lan, cán bộ Việt Minh đã bắt đầu có những hoạt động ở Campuchia, chủ yếu ở tỉnh Battambang (phía Tây Bắc Campuchia, sát Thái Lan). Ban Vận động Việt kiều cũng được thành lập trong cộng đồng Việt kiều Campuchia. Tuy vậy, hoạt động của Việt Minh ở Campuchia không thu được nhiều kết quả và Việt Minh cũng ít có ảnh hưởng tại đây.
Đến cuối năm 1944, Mặt trận Việt Minh đã từng bước mở rộng liên lạc với phong trào dân tộc chống Nhật ở một số nước như Myanmar, Malaysia, Philippines, Indonesia...
Như vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đã thực hiện xuất sắc chủ trương đoàn kết với các lực lượng dân chủ, tiến bộ tại khu vực Đông Nam Á, chủ yếu tại Thái Lan, Lào và Campuchia, đứng về phía Đồng Minh đấu tranh chống kẻ thù chung là quân phiệt Nhật.
Đây cũng là những hoạt động quốc tế làm cơ sở cho quan điểm và chủ trương “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Lương Thị Thương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461.