Xung quanh sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ trước đến nay có một số vấn đề còn gây tranh luận trong giới khoa học cũng như trong đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, với những tư liệu mới, những kết quả nghiên cứu khoa học lịch sử Đảng cho đến nay, chúng ta có thể làm rõ nhiều vấn đề xung quanh sự kiện đặc biệt quan trọng này, trong đó nổi bật tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Nguyễn Ái Quốc trong sự kiện ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng ra đời khi nào ?
Khi trả lời cho câu hỏi: Đảng ta ra đời khi nào? Đa số đều trả lời rằng: Ngày 03/02/1930. Đây là một câu trả lời đúng nhưng chưa thật đầy đủ và chính xác.
Ngày 03/02/1930 là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Do đó, có thể hiểu đây là ngày Đảng ta ra đời cũng đúng. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu có thể nhận thầy ngay là chưa đủ. Bởi vì:
Thứ nhất, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), Đảng ta mới quyết định chọn ngày 03/02/1930 là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng (Trước đó, ngày 06/01/1930 là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng hằng năm).
Thứ hai, về mặt lịch sử, Hội nghị thành lập Đảng không diễn ra trong một ngày mà diễn ra trong khoảng thời gian dài (06/01-07/02/1930). Do đó, ngày kỷ niệm thành lập Đảng có thể lấy một ngày, thường là ngày mở đầu (06/01) hoặc ngày kết thúc (07/02), làm ngày kỷ niệm thành lập. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy ngày 03/02 không phải là ngày mở đầu và kết thúc.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, rất ít khi dùng một ngày cụ thể (06/01 hoặc 03/02) để nói về sự kiện Đảng ta ra đời. Người thường có 02 cách đề cập đến sự kiện này:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”. (Diễn văn kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/1960).
Thứ hai, Đảng ra đời vào mùa Xuân năm 1930.
Như vây, từ phân tích ở trên cho thấy, khi trả lời câu hỏi: Đảng ra đời khi nào? có thể có hai cách trả lời. Cách thứ nhất, nói đến một ngày cụ thể - Ngày Kỷ niệm thành lập Đảng, (03/02/1930). Cách này đúng nhưng chưa thật đầy đủ. Cách thứ hai, nói đến sự kiện Đảng ra đời – Hội nghị thành lập Đảng, với thời gian dài và đầy đủ hơn, biên độ rộng hơn, chính xác hơn (đầu năm hoặc mùa Xuân năm 1930). Từ đó, cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức tinh tế và vô cùng chính xác khi đề cập đến sự kiện thành lập Đảng – mùa Xuân năm 1930. Đảng ra đời vào mùa Xuân năm 1930 vừa khái quát đầy đủ cả sự kiện thành lập Đảng một cách chính xác (06/01-07/02/1930) và gồm cả sự kiện tổ chức Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng sau đó (24/02/1930). Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức tài tình và tinh tế khi gắn sự kiện Đảng ra đời với mùa Xuân – Đảng ra đời như một mùa Xuân mới, mùa Xuân cách mạng, mùa Xuân khởi đầu của những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tranh vẽ lịch sử mô tả Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Hội nghị thành lập Đảng gồm mấy người ?
Trước đây, có khi nhầm lẫn khi cho rằng Hội nghị thành lập Đảng có 07 người tham dự. Và sau đó, minh hoạ cho điều này là bức tranh miêu tả sự kiện này với hình ảnh 07 người đang bàn bạc sôi nổi. 07 người trong bức tranh được giải mã bao gồm: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, 02 người thuộc An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm), 02 người thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh), 02 đại biểu đang hoạt động ở Hồng Kông (Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu).
Nay, thông qua các tư liệu chính xác, được xác định lại là Hội nghị thành lập Đảng chỉ có 05 người: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, 02 người thuộc An Nam Cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm), 02 người thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh). Đây là quan điểm chính xác, bởi vì:
Một là, về mặt nguyên tắc, tham dự Hội nghị thành lập Đảng phải thuộc một trong hai thành phần: Hoặc là của các tổ chức Cộng sản trong nước (03 tổ chức); hoặc là đại diện cho Quốc tế Cộng sản (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc).
Hai là, về mặt lịch sử, hai đồng chí (Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu) đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Hội nghị thành lập Đảng (hậu cần, cảnh giới...) nhưng không trực tiếp tham dự Hội nghị này.
Khá nhiều tài liệu trước đây (kể cả tài liệu nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng) đều cho rằng: Nhận được Chỉ thị Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới chủ trì Hội nghị thành lập Đảng.
Nay, với những tư liệu mới, đặc biệt là những tư liệu của Quốc tế Cộng sản lưu trữ tại Liên Xô, đã giải mã cho chúng ta thấy rõ điều này. Điều này khẳng định rõ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong việc chuẩn bị và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng.
Một là, ngay sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lê nin, quyết định lựa chọn con đường cách mạng vô sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến chuẩn bị những điều kiện cần thiết về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng. Do đó, Hội nghị thành lập Đảng là một khâu tất yếu trong hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Hai là, về mặt lịch sử, Chỉ thị Quốc tế Cộng sản dù được ban hành tháng 10/1929 nhưng mãi đến tháng 02/1930 mới về đến Sài Gòn. Hơn nữa, giữa Chỉ thị và Hội nghị thành lập Đảng có 02 điểm khác biệt lớn:
Về phương pháp thống nhất các tổ chức Cộng sản, Chỉ thị Quốc tế chỉ đạo phải giải tán cả 03 tổ chức cộng sản, sau đó kết nạp lại từng người một. Hội nghị thành lập Đảng không dùng phương pháp này mà hợp nhất các tổ chức (kết nạp nguyên khối, không giải tán) thành một Đảng.
Về tên Đảng, Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản chỉ đạo thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị thành lập Đảng không đặt tên Đảng theo Chỉ thị Quốc tế Cộng sản mà đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng ta nên biết rằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là một người hết sức tôn trọng và luôn chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Những diễn biến sau đó (Hội nghị lần thứ nhất tháng 10/1930) đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Từ phân tích ở trên, mặc dù không phủ nhận và không bao giờ được quên những đóng góp to lớn của Quốc tế Cộng sản, cả vật chất và tinh thần, cho cách mạng Việt Nam nói chung, sự kiện thành lập Đảng nói riêng (đào tạo cán bộ, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin; hỗ trợ kinh phí; công nhận Đảng ta là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản; lên án thực dân Pháp khủng bố cách mạng Việt Nam; kêu gọi các Đảng Cộng sản trên thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam .v.v) song vẫn phải khẳng định một sự thật: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hoàn toàn chủ động, sáng tạo, nhạy bén, nắm chắc tình hình trong nước, vững vàng lý luận thành lập Đảng và lý luận về quyền dân tộc tự quyết của chủ nghĩa Mác – Lê nin khi chuẩn bị, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng.
Như vậy, xoay quanh sự kiện thành lập Đảng có những câu hỏi đã dần được giải đáp. Lịch sử càng lùi xa, càng có nhiều thời gian nghiên cứu sẽ càng sáng tỏ hơn. Từ giải đáp các câu hỏi ở trên cho thấy rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với việc chuẩn bị và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Không dừng lại ở đó, Người còn có công rất lớn khi đúc kết từ thực tiễn, chỉ rõ quy luật ra đời chính đảng vô sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến (Chủ nghĩa Mác – Lê nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước).
Từ giải đáp những câu hỏi nói trên còn giúp chúng ta thêm tin tưởng, tự hào vào Đảng Cộng sản việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về Đảng Cộng sản nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định cách mạng Việt Nam tiếp tục làm nên những mùa Xuân thắng lợi mới.
Văn Minh