Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Nam “Thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau” được Người gửi gắm những tình cảm tin cậy và yêu thương đặc biệt. Không lúc nào Người nguôi nhớ tới miền Nam, hướng về miền Nam với khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chứng kiến nỗi đau mất nước của dân tộc, nỗi đau mất quyền con người của nhân dân Việt Nam, Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
Trải qua những năm tháng khảo nghiệm thực tiễn bôn ba ở hải ngoại, bằng nhãn quan sáng suốt, trí tuệ và bản lĩnh, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam theo khuynh hướng vô sản. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt có tính chất quyết định cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Năm 1941, sau 30 năm xa đất nước, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân chuẩn bị mọi mặt để giành chính quyền khi thời cơ đến. Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi mau chóng trong cả nước.
Với khí thế sôi động của những tháng ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn đã đứng dậy giành lại chính quyền vào ngày 25/8/1945. Nhưng niềm hạnh phúc hưởng sự độc lập, tự do của nhân dân miền Nam chưa được bao lâu, ngay chiều 2/9/1945, thực dân Pháp đã cho lính bắn vào quần chúng nhân dân đang tham gia buổi mít tinh mừng độc lập, làm nhiều người bị chết và bị thương. Với bản chất xâm lược và mưu đồ xâm chiếm lâu dài đất nước ta, tối ngày 22/9, rạng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam Bộ và Quốc gia tự vệ cuộc, chính thức quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Tàu Đô đốc Latouche-Tréville, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
bắt đầu với nghề phụ bếp ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh tư liệu)
Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở Nam Bộ, kịp thời đề ra chủ trương, chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Cả nước hướng về miền Nam thân yêu bằng những đoàn quân “Nam tiến”, sẻ chia, đồng lòng cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến, quyết bảo vệ độc lập, tự do.
Đặc biệt, với sự quan tâm sâu sắc đồng bào Nam Bộ, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 10/1945 đến tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tới đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ ba bức thư và hai lời kêu gọi[1] khẳng định: miền Nam là của nước Việt Nam thống nhất, độc lập. Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư biểu dương tinh thần yêu nước của nhân dân Nam Bộ và kêu gọi nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Trong thư, Người đã đặt niềm tin vào nhân dân Nam Bộ: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ…Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…”[2]. Lời động viên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ kịp thời đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ kháng chiến.
Trong bất cứ lúc nào, ở đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ thái độ nhất quán và thống nhất với hoạt động thực tiễn là độc lập dân tộc không thể tách rời với thống nhất Tổ quốc. Người kiên định lập trường chân lý: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"[3] Bởi vì, “Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Không ai có thể chia rẽ con một nhà… không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”[4].
Trước đông đảo các nhà báo tại Paris trong chuyến sang thăm nước Pháp (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Nam Bộ là lãnh thổ của Việt Nam, đó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi, điều đó là dựa trên những nguyên nhân về nguồn gốc, chủng tộc, lịch sử và văn hóa... không có lực lượng nào chia rẽ được Nam Bộ của Việt Nam, không có xứ Nam kỳ mà chỉ có nước Việt Nam, một lịch sử thống nhất của Việt Nam. Nam Bộ là của Việt Nam, nước Việt Nam là một! Nam Bộ là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể chia cắt của Tổ quốc Việt Nam. Lời của Bác trở thành lời hịch, kêu gọi toàn dân, toàn quân đứng lên bảo vệ độc lập, thống nhất non sông.
Người nghĩ nhiều về đất nước mến yêu, về miền Nam anh dũng, về cuộc đấu tranh gian khổ vì độc lập, tự do và thống nhất. Người luôn luôn bày tỏ tình cảm sâu sắc với đồng bào Nam Bộ và quyết tâm thống nhất đất nước, Bác luôn trăn trở với miền Nam: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”; “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi". Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc"[5].
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 6 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (1952) và bày tỏ: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ”[6]. Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được hòa bình, nhưng miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bác dặn dò bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954) với một lời hứa và cũng là niềm mong mỏi của Người: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”[7].
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là nỗi trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã từng nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”. Từ cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi biếu, Bác trồng cây vú sữa ngay cạnh ngôi nhà ở góc vườn Phủ Chủ tịch. Khi chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn, Bác cho chuyển cây vú sữa về trồng cạnh nhà sàn để hằng ngày chăm sóc và luôn cảm thấy gần đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Từ con đường Bác đi bộ hằng ngày trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, Bác đặt tên là con đường “Trường Sơn” để rèn luyện sức khỏe, mong có dịp được trở lại miền Nam. Vào các dịp lễ tết, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam…
Năm 1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam vào thăm Bác, kính tặng một chiếc lọ bằng vỏ đạn. Bác nhận quà quý của đồng bào miền Nam và đặt bàn tay lên ngực trái mình rồi cảm động nói: "Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Năm 1963, trong bữa cơm với Thượng tướng Trần Văn Trà trước khi vào Nam chiến đấu, Bác gửi hộp xì-gà quà quý của Chủ tịch Phiđen Caxtơrô tặng và nói: “Bác gửi chú món quà này mang về cho anh em trong đó hút để nhớ Bác và nhớ đến Cu Ba anh em. Cố gắng giải phóng nhanh để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam”. Năm 1965, đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, cả đoàn đều khóc vì sung sướng, cảm động và vây quanh Bác; Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Năm 1969, Đoàn Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam vào thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác rất vui mừng nêu rõ ý chí: “Phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh đến khi Mỹ - Nguỵ thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Trong bữa cơm thân mật của Đoàn, Bác dặn xúc cơm cho thật đầy bát và ăn cho hết thức ăn; riêng Bác cũng cố gắng ăn hai bát cơm để mọi người tin rằng Bác vẫn khỏe và đồng bào miền Nam yên tâm.
Bến cảng Nhà Rồng và Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa (Ảnh Internet)
Người đề nghị chưa nhận Huân chương Sao Vàng và Huân chương Lênin, vì chừng nào miền Nam chưa giải phóng, đất nước chưa thống nhất, Người chưa thấy niềm vui trọn vẹn.
Tháng 8/1969, trên giường bệnh, Người vẫn nghe báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam. Chiếc đài bán dẫn chiến lợi phẩm chiến thắng Phước Thành tháng 9/1961 gửi ra biếu Bác, trở thành người bạn hằng ngày cung cấp tin tức trong nước, tin thế giới và nhất là tin tức chiến trường miền Nam. Mỗi khi tỉnh dậy sau cơn mệt nặng, bao giờ Bác cũng hỏi tin tức về miền Nam.
Nặng lòng với miền Nam và luôn dành cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam những tình cảm thiêng liêng, cao quý, luôn mong muốn đất nước thống nhất với ý định “đến ngày đó tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc”.
Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”[8]; "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"[9].
Từ lúc ra đi từ bến cảng Nhà Rồng đến lúc đi xa, ngót 60 năm Bác chưa có điều kiện trở lại mảnh đất miền Nam đau thương mà quật khởi, tuy vậy, hình ảnh đồng bào và chiến sĩ miền Nam luôn luôn in đậm trong trái tim Người.
Đáp lại tình cảm của Bác, đồng bào, chiến sĩ miền Nam, cùng với quân dân cả nước chiến đấu anh dũng, kiên cường, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cán bộ, chiến sĩ thấy như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.Trong ngày Đại thắng mùa Xuân 1975, nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện di nguyện thiêng liêng Người hằng mong ước.
Song Nguyễn
[1] Các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Gửi đồng bào Nam Bộ (26/9/1945); Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ (29/10/1945); Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ (30/10/1945); Thư gửi đồng bào Nam Bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến, và Ủy ban Hành chính Nam Bộ (10/3/1946); Thư gửi đồng bào Nam Bộ (1/6/1946).
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 29.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 280
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 470
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.470
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.496
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXb Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 9, tr.60
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.618
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.623