Bây giờ, quan điểm về xây dựng hợp tác xã đã đổi mới căn bản, nhưng hẳn nhiều người còn nhớ phong trào xây dựng hợp tác xã kiểu cũ trong những năm 1957-1975 ở miền Bắc với những phong trào thi đua sản xuất hết sức sôi nổi, đã đi vào lịch sử với những thành tựu cũng như hạn chế của nó
Đặc điểm nông nghiệp miền Bắc sau hòa bình lập lại 1954
Tháng 10/1954, Chính phủ kháng chiến tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tháng 5/1955, quân Pháp rút khỏi Hải Phòng. Miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng.
Hòa bình lập lại, nhưng kinh tế miền Bắc, trong đó có kinh tế nông nghiệp, chìm sâu trong tiêu điều, đình đốn.
Phương thức sản xuất phong kiến đã tồn tại ở miền Bắc trong nhiều thế kỷ, trình độ sức sản xuất lạc hậu, lao động thủ công, trâu bò chưa đủ cày kéo, công cụ cầm tay còn thiếu thốn trong từng hộ nông dân, năng suất lao động thấp, ở nông thôn về cơ bản là nền nông nghiệp thuần nông tự cấp, tự túc. Trong nông thôn có một số làng nghề đã hình thành, song làng nghề vẫn gắn chặt với nông nghiệp và đóng kín trong làng quê cổ truyền.
Hình thức bóc lột cho vay nặng lãi, bán lúa non, cầm cố đồ đạc do địa chủ phong kiến chi phối vẫn cò khá phổ biến trong nông thôn.
Phương thức trao đổi mới chỉ ở trình độ chợ làng. chợ huyện. Thực chất quan hệ trao đổi trong nông thôn là sự mua bán nhỏ, tự sản, tự tiêu, thương nghiệp chẳng những không đủ sức làm phân hóa kinh tế tiểu nông, trái lại góp phần duy trì và củng cố nền kinh tế tiểu nông.
Ở miền núi Việt Bắc và Tây Bắc, địa hình chia cắt phức tạp, căn bản vẫn là nền kinh tế tự nhiên, du canh du cư, tự cấp tự túc. .
Trình độ lực lượng sản xuất ở miền Bắc ở vào thời điểm này vốn đã lạc hậu, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nên nền sản xuất ở miền Bắc sau hòa bình lập lại 1954 hết sức thấp kém.
Cảnh nông dân lao động sản xuất tập thể tại miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Những chủ trương của Đảng về khôi phục và phát triển kinh tế
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi trên miền Bắc, Đảng và Chính phủ chủ trương khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao một bước đời sống nông dân. Trong những năm này, nông thôn miền Bắc diễn ra những chuyển động kinh tế xã hội quan trọng.
Cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn đồng bằng sông Hồng, trung du và Khu 4 cũ đã tạo ra những chuyển biến sâu sắc toàn diện đối với nông dân. Nếu kể cả số ruộng đất chia cấp cho nông dân từ năm 1945 đến năm 1957, hơn 2,1 triệu nông hộ đã được chia 81.000 hecta ruộng đất, bình quân mỗi hộ 3.848 m². Thành quả có ý nghĩa rất quan trọng của cải cách ruộng đất là thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”, giải phóng người nông dân thoát khỏi sự cùm trói của phương thức sản xuất phong kiến ngự trị trong nông thôn nước ta nhiều thế kỷ, đưa người nông dân từ thân phận nô lệ làm thuê lên vị trí người nông dân mới làm chủ chính trị, kinh tế, xã hội ở nông thôn.
Đảng và Chính phủ công bố nhiều quyết sách quan trọng tạo ra động lực khôi phục và phát triển nông nghiệp.
Tháng 5/1955, Quốc hội ban hành nhiều chính sách liên quan thiết thân đến người nông dân và sản xuất nông nghiệp. Nổi bật là bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất, tự do thuê mướn nhân công, tự do vay mượn, tự do thuê và cho thuê trâu bò, khuyến khích khôi phục nghề thủ công truyền thống, bảo vệ vào khuyến khích lao động làm ăn khá giả, khen thưởng chiến sĩ thi đua, nghiêm cấm phá hoại sản xuất, phát triển rộng rãi các hình thức đổi công tương trợ. Vụ Chiêm năm 1955, Chính phủ ban hành chính sách thuế sửa đổi với một số nội dung: thu nhiều đóng nhiều, thu ít đóng ít, nghèo quá miễn thuế, giảm bớt thang bậc và khoảng cách trong bậc thuế nhằm giảm mức đóng góp của nông dân, phát động khai hoang phục hóa, ruộng hoang miễn thuế 3 năm, đất hoang miễn thuế 5 năm, vận động nông dân phát triển chăn nuôi, tăng thêm sức kéo, sửa chữa đê điều, làm thủy lợi nhỏ, khôi phục các hệ thống thủy nông lớn bị chiến tranh tàn phá.
Hình thành phổ biến các hình thức tổ chức vần công, đổi công tự nguyện, thực chất là sự kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ vốn có trong làng xã, phù hợp với tâm lý, tập quán, nguyện vọng của nông dân vừa thoát khỏi phương thức sản xuất phong kiến, đã thể hiện được vai trò và tác dụng tích cực trong nông thôn như khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi nhỏ. Khi sửa sai cải cách ruộng đất năm 1956, phong trào có lắng xuống, đến cuối năm 1957, phong trào được phục hồi. Tháng 12/1958, miền Bắc có 24.336 tổ đổi công, chiếm 65% số hộ nông dân tham gia các hình thức vần công, đổi công (hợp tác giản đơn).
Ở vào thời điểm này, nước Việt Nam non trẻ vừa trải qua cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, vừa có hòa bình trên miền Bắc. Sự tác động của công nghiệp, khoa học kỹ thuật chưa có gì, nguồn vốn đầu tư Nhà nước còn rất ít ỏi, nhưng đã tạo ra bước phát triển nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Các chỉ tiêu sản xuất và thu nhập bình quân đầu người về lương thực đã vượt năm 1939, thời điểm được coi là có bước phát triển cao nhất dưới thời thuộc Pháp.
Cụ thể là 85% diện tích ruộng bỏ hoang trong chiến tranh đã được phục hóa, ba công trình thủy lợi lớn Sông Cầu, Bái Thượng, Đô Lương được phục hồi sửa chữa, 14 công trình thủy nông được xây dựng. Hệ thống đê sông Hồng, sông Đáy được gia cố 30 triệu mét khối đất đá. Năm 1959, sản xuất lương thực đạt 6,4 triệu tấn, riêng lúa đạt 5,2 triệu tấn, đến gần 20 năm sau nông nghiệp miền Bắc không vượt được năm 1959. Bình quân lương thực, riêng thóc trên đầu người qua các năm 1957 275 kg; 1958 304,6 kg; 1959 334 kg. Đàn trâu từ 788.000 con tăng lên 1.238.000 con. Đàn bò từ 563.000 con tăng lên 902.000 con.
Đạt kết quả to lớn đó chủ yếu là do Đảng đã có những chính sách nông nghiệp đúng đắn gần với những chính sách NEP của Lênin. Những chủ trương phù hợp giữa “ý Đảng lòng dân” đã tạo ra động lực và bước tiến quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội nông thôn những năm cuối thập kỷ 1950.
Xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải năm 1958 (Ảnh tư liệu)
Bước thử nghiệm và sự hình thành quan điểm đường lối của Đảng về hợp tác hóa 1958-1959
Tháng 8/1955, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hànhTrung ương Đảng (Khóa II) quyết định việc thí điểm xây dựng 6 hợp tác xã ở ba tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Năm 1956, xây dựng được 26 hợp tác xã, tháng 10 /1957 tăng lên 42 hợp tác xã. Ở bước thí điểm có 9 hợp tác xã tan vỡ. Tháng 10/1956, Hội nghị sơ kết việc xây dựng hợp tác xã thí điểm đã rút ra một số kết luận sau:
Về sản xuất, nhìn chung hợp tác xã chưa hơn tổ đổi công, so với các hộ trung nông có đủ điều kiện sản xuất, vốn, công cụ, trâu bò, thì hợp tác xã vẫn còn kém nhiều.
Về thu nhập, số hợp tác xã khá có nửa số hộ nông dân thu nhập tăng, số còn lại thu nhập giảm sút. Cụ thể là điều tra vụ Chiêm năm 1957 ở 26 hợp tác xã thuộc Thái Nguyên, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa có 101/300 thu nhập kém năm 1956.
Về quản lý, có nhiều lúng túng, không lập được kế hoạch sản xuất, chi phí sản xuất lớn 30 đến 40% so với sản lượng thu hoạch, quản lý tài chính không minh bạch, xã viên kém tin tưởng, tư tưởng nông dân không phấn khởi, nhiều xã viên xin ra khỏi hợp tác xã, kể cả đảng viên. Kết quả điều tra 37 hợp tác xã năm 1957 cho thấy có 42/112 đảng viên xin ra khỏi hợp tác xã.
Từ thực tế đó, Hội nghị đề xuất chủ trương củng cố hợp tác xã thí điểm (chấn chỉnh quản lý lao động quản lý sản xuất quản lý tài vụ) và đề ra mục tiêu năm 1958 xây dựng 234 hợp tác xã, năm 1960 hoàn thành xây dựng tổ đội công, đưa 20% số hộ nông dân vào hợp tác xã bậc thấp, thí điểm một số hợp tác xã bậc cao.
Cùng với thí điểm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, phong trào hợp tác hóa được mở rộng ra các lĩnh vực khác. Tháng 7/1956, theo Chỉ thị của Ban Bí thư, các địa phương bắt đầu xây dựng hợp tác xã tín dụng. Đầu năm 1957, đã có 230 cơ sở ở 22 địa phương. Sau đó, trung ương Đảng chủ trương dừng lại để củng cố.
Sau khi tiến hành cải cách miền biển xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến đối với ngư dân, năm 1958, việc thí điểm xây dựng hợp tác xã nghề cá được tiến hành. Năm 1959, đã đưa 38,3 % số hộ ngư dân vào hợp tác xã, tập thể hóa thuyền bè và ngư lưới cụ theo hình thức tập thể hóa tư liệu sản xuất trong nông nghiệp.
Tháng 12/1958, Trung ương mở Hội nghị nông nghiệp tại Thanh Hóa, rút kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Tháng 4/1959, Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị sơ kết nghề cá ở Kiến An, tháng 5/1959, Trung ương Đảng mở Hội nghị sơ kết hợp tác xã sản xuất nông nghiệp miền núi tại Hòa Bình.
Trên cơ sở các hội nghị đó, Trung ương Đảng đã rút được kinh nghiệm chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thư 16 (Khóa II) bàn về hợp tác hóa.
Ở hội nghị Thanh Hóa, khi đánh giá việc xây dựng tổ đội công và hợp tác xã thí điểm, ý kiến các địa phương nêu lên có khác nhau về yêu cầu đưa nông dân đi vào làm ăn tập thể. Cụ thể là:
-12 địa phương: Thái Bình, Kiến An, Hưng Yên, Hải Dương, Liên khu 4, Hòa Bình, Hải Ninh, Sơn Tây, Khu Thái Mèo cho rằng hợp tác hóa đã trở thành yêu cầu của quần chúng.
-13 địa phương: Vĩnh Phúc, Phúc Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, Khu Lao Hà Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, đánh giá phong trào mới có một vài nơi, mới chỉ có một số cán bộ đảng viên, quần chúng tích cực nhất trí cao, còn đại bộ phận chưa đồng tình vào hợp tác xã.
- Khu Hồng Quảng, quần chúng chưa có yêu cầu hợp tác hóa.
Mặc dù còn nhiều ý kiến, nhưng Hội nghị đã kết luận “Hợp tác hóa ở nông thôn nước ta đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi do vậy phải tích cực đẩy mạnh hợp tác hóa để đáp ứng yêu cầu quần chúng và nhiệm vụ cách mạng”.
Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp miền Bắc tiến lên một bước mới.
Thái Trần