Muốn tiến về giải phóng Sài Gòn, Quân Giải phóng phải “mở toang” được “cánh cửa thép Xuân Lộc”, nơi Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố và quết tâm trấn giữ trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn
Tầm quan trọng và quyết tâm trấn giữ Xuân Lộc
Sau ngày 1/4/1975, Quân đoàn II chỉ còn lại Ninh Thuận, Bình Thuận, nên được sáp nhập vào Quân đoàn III. Phan Rang và Xuân Lộc trở thành hai cửa ngõ chính Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn bằng quốc lộ 1 và 20.
Xuân Lộc là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh, được tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập vào năm 1957 bằng cách cất bớt phần đất của tỉnh Biên Hòa, mục đích dùng để định cư cho đồng bào Việt, Mường, Nùng Thái di cư từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954.
Tỉnh Long Khánh có diện tích vào khoảng 3.457 km2, đất đai phần lớn là núi thấp, đồi cao, rừng thưa và đồn điền cao su. Long Khánh chiếm một vị trí quan trọng vì là ngã ba của hai quốc lộ 1 và 20, cửa ngõ từ miền Trung, miền Cao nguyên vào Sài Gòn chỉ cách nhau 80 km, do đó Xuân Lộc được xem như là một vành đai bảo vệ Sân bay Biên Hòa và Sài Gòn. Xuân Lộc lại nằm trên tuyến đường liao liên giữa chiến khu C và D của Quân Giải phóng tại Phước Tuy, con đường mạch máu được dùng để nhận tiếp vận bổ sung quân và tiếp liệu bằng đường biển. Vì vậy, Sư đoàn 18 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được bố trí tại tỉnh này để ngăn chặn Quân Giải phóng.
Phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa có Sư đoàn 18 Bộ binh, gồm trung đoàn 43, 48 và 52, lực lượng địa phương quân và các đơn vị tăng phái gồm có Trung đoàn 8, thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, Liên đoàn 7 Biệt động quân, 2 tiểu đoàn pháo binh, liên đoàn 81 biệt kích dù và toàn bộ lữ đoàn 1 Dù gồm có các tiểu đoàn 1,2,8,9 và tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Sư đoàn 4 không quân Việt Nam Cộng hòa từ phi trường Cần Thơ phụ trách không yểm trợ chiến thuật từ trên không. Tất cả các lực lượng trên đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh sư đoàn 18 Bộ binh và hai phụ tá là Đại tá Tư lệnh phó Lê Xuân Mai, Tỉnh trưởng Long Khánh đại tá Phạm Văn Phúc biệt động quân.
Chiến trường Long Khánh gồm cả ba mặt trận chính: Mặt trận ngã ba Dầu Giây do Trung đoàn 52 và một thiết đoàn chiến xa trấn giữ, Mặt trận núi Chứa Chan, Gia Rai, do Liên đoàn 7 Biệt động quân và Trung đoàn 48 Bộ binh, Mặt trận Thị xã Xuân Lộc do Trung đoàn 43 Bộ binh và các tiểu đoàn địa phương quân bảo vệ. Bộ Tư lệnh hành quân của Tướng Lê Minh Đảo được đặt tại Quận, được bảo vệ bởi các đơn vị trừ bị của Sư đoàn, gồm pháo binh và một thiết đoàn chiến xa.
Xuân Lộc là tuyến phòng thủ vững chắc của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tầm quan trọng của Xuân Lộc được báo chí Sài Gòn lúc đó tung hô là “cánh cửa thép” Quân Giải phóng buộc phải vượt qua nếu muốn tiến về Sài Gòn.
Quân đội Sài Gòn tăng cường phòng thủ Xuân Lộc (Ảnh tư liệu)
“Mở toang cánh cửa thép” Xuân Lộc
Để tấn công vào Xuân Lộc, Long Khánh, Quân Giải phóng quyết định tung vào chiến trường Quân đoàn 4 gồm 3 sư đoàn 6,7 341 và các đơn vị có sẵn của Quân khu 7, Thiếu tướng Hoàng Cầm giữ chức Tư lệnh, Chính ủy là Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.
5 giờ 30 phút sáng ngày 9/4 /1975, Quân Giải phóng mở màn tiến công Xuân Lộc bằng hàng nghìn quả đạn pháo đủ loại. Đến 8:00 sáng, Quân Giải phóng tràn ngập thị xã nhưng bị phản kích quyết liệt bởi Trung đoàn 43 Bộ binh và Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 4 địa phương quân Long Khánh. Quân Giải phóng đã thiệt hại một số xe tăng T 54 và PT76, cũng như một số lớn bộ đội thương vong bởi các tên lửa chống tăng M72 và bom từ các phản lực cơ A37, F5 của không quân Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 10/4/1975, Quân giải phóng trở lại tiến công Xuân Lộc với hai Sư đoàn 6 và 2 cùng các trung đoàn xe tăng, xe bọc thép.
Cuộc chiến kéo dài trong nhiều ngày, cả hai phía giành giật từng ngôi nhà, đường phố. Không quân Việt Nam Cộng hòa thực hiện hàng trăm phi vụ ném bom xuống trận địa. Trung đoàn 43 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa, mặc dù bị chia cắt ra thành từng đơn vị nhỏ, nhưng vẫn tiếp tục phản kích mãnh liệt, gây ra nhiều tổn thất cho Quân Giải phóng.
Đến ngày thứ tư của cuộc chiến phòng thủ Xuân Lộc, Lữ đoàn 1 nhảy dù gồm các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu đoàn 3 pháo binh Dù được lệnh tăng cường cho Xuân Lộc. Tất cả các trực thăng của hai Sư đoàn 3 và 4 Không quân, gồm 100 chiếc trực thăng bán phản lực đã thả hơn 2.000 quân Dù từ Trảng Bom vào trận địa, các pháo đội Dù cũng được trực thăng chiến đấu Chinook vận chuyển đến Bộ Chỉ huy hành quân đóng gần Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh. Hai tiểu đoàn dù đầu tiên nhảy xuống để chiếm lại Bảo Định trên quốc lộ 1, nơi 2 trung đoàn thuộc Công trường 6 Quân Giải phóng đang tập trung tiến công Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh tại Tân Phong. Một tiểu đoàn dù khác nhảy xuống chiếm lại khu vườn cây của Tướng Lê Văn Tỵ. Ngoài ra, các tiểu đoàn khác nhảy dù vào Xuân Lộc để giải vây cho tiểu đoàn địa phương quân và Bộ Chỉ huy tiểu khu Long Khánh.
Ngày 12/4/1975, tại ngã ba Dầu Giây, Quân Giải phóng tiến công Chiến đoàn 52 Quân đội Sài Gòn. Trước sức mạnh vượt trội của Quân Giải phóng, lần lượt các tiền đồn, phòng tuyến của Trung đoàn 52 từ Kiệm Tân về tới ấp Phan Bội Châu trên quốc lộ 20 bị Quân Giải phóng tràn ngập. Cuộc chiến trở nên ác liệt, đẫm máu xảy ra chiều ngày 15/4/1975 ngay tại xã Dầu Giây, ngay tại ngã ba quốc lộ 1 và quốc lộ 20.
Bộ đội giải phóng trên đường tiến đánh Xuân Lộc (Ảnh tư liệu)
Chíến đoàn 52 Bộ binh gồm Trung đoàn 52, Lữ đoàn 3 thiết kỵ, các lực lượng địa phương quân Kiệm Tân, Long Khánh, tổng cộng có khoảng 2.000 binh sĩ đã phản kích quyết liệt Quân đoàn 4 Quân Giải phóng trong đó có Sư đoàn 341 vừa từ Thanh Hóa vào do Tướng Trần Văn Trà thay thế Tướng Hoàng Cầm chỉ huy.
Chệnh lệch quân số và hỏa lực khiến cho sức phản kích của Quân đội Sài Gòn yếu dần. Chiến đoàn 52 Quân đội Sài Gòn đã thất trận trong đêm 15/4/1975, phần lớn pháo binh, thiết giáp, binh sĩ đều bị tiêu diệt. 9 giờ đêm 15/4/1975, hầm chỉ huy của Chiến đoàn 52 bị pháo binh Quân Giải phóng bắn sập, Đại tá chỉ huy Chiến đoàn 52 phải ra lệnh rút lui với 200 binh sĩ còn sót lại.
Trước nguy cơ thất thủ, trong cơn tuyệt vọng, Quân đội Sài Gòn đã quyết định sử dụng một loại vũ khí bị cấm là bom hủy diệt BLU-82 (tên tiếng Anh là Daisy Cutter- Người hái hoa cúc) để ngăn chặn bước tiến của bộ đội ta.
Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Phạm Huấn sau ngày 30/4/1975, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 đã cho biết vào lúc 10 giờ 00 sáng ngày 16/4/1975, không quân Việt Nam Cộng hòa gọi về Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 báo cáo về việc Quân Giải phóng đang tập trung một cách khá lộ liễu trong xã Dầu Giây để chuẩn bị tiến về Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn đã có cố gắng cuối cùng là ném hai quả bom hủy diệt khổng lồ xuống Xuân Lộc.
11 giờ ngày 16/4/1975, hai máy bay C130 được lệnh mang hai quả bom khổng lồ, xuất phát từ phi đạo 39 tại phi trường Tân Sơn Nhất thả xuống vùng tập trung quân giải phóng.
Việc thả hai trái bom sát thương khổng lồ đã gây thương vong lớn cho Quân Giải phóng. Các ước tính cho biết có từ 250 đến 500 bộ đội giải phóng hy sinh tại chỗ, con số bị thương lên đến hàng nghìn.
Tuy nhiên, những cố gắng trong tuyệt vọng của Quân đội Sài Gòn trong những ngày cuối cùng không thể ngăn chặn đà tiến công như vũ bão của Quân Giải phóng. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc đã “mở toang”. Người hùng tử thủ Xuân Lộc Lê Minh Đảo từng tuyên bố “Cộng sản sẽ húc vào đá tại Xuân Lộc”, rằng bản thân ông ta “sẽ chết đường phố Xuân Lộc”đã bỏ chạy trối chết. Vài ngày sau, biết không thể cứu vãn sự sụp đổ đang đến rất gần, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Lịch sử Việt Nam cộng hòa bước vào những trang cuối.
Lê Minh