Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ xây dựng vào đầu triều Lý (1010 - 1225), mang giá trị lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu trữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Ngày 16/5/2012, bộ mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ bộ mộc bản gồm có 3.050 ván khắc rời được làm bằng gỗ thị với 34 đầu sách. Phần lớn của bộ mộc bản là của bộ Đại phương quảng Phật, Hoa Nghiêm kinh (có trên 2.800 bản), còn lại là mộc bản của 8 bộ kinh, sách, luật giới khác như: A Di Đà kinh, Tỳ khâu ni giới kinh, Sa di ni giới kinh, Yên Tử nhật trình, Thiền tông bản hạnh,… Ngoài các mộc bản kinh, sách, luật thì còn có vài chục bản là sớ, điệp và lịch pháp xem ngày giờ tốt xấu trong năm được chế tác thành nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có kích thước không đồng đều. Bản khắc lớn nhất là các loại sớ điệp chiều dài 100cm, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15x20cm nhưng phần lớn mộc bản bộ kinh Hoa Nghiêm (hơn 2800 bản) có kích cỡ 33x23x2.5cm. Chữ khắc trên mộc bản đều bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm, số ít khắc xen cài chữ Phạn. Chữ được khắc ngược trên hai mặt của mỗi ván gỗ (số ít khắc một mặt) với độ sâu từ 1 – 1,5mm. Nhiều bộ ván in được chạm khắc cầu kỳ những hoa văn và họa tiết thể hiện triết lý của đạo Phật.
Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
Mộc bản bằng chữ Nôm, chữ Hán trên gỗ thị hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm, mà cốt lõi là sự giác ngộ của các cao tăng hướng tới việc từ bỏ cách tu hành dựa vào mê tín, thần bí, siêu nhiên và đề cao lòng lạc quan với cuộc sống thực, sống thuận theo quy luật của tạo hóa. Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đánh dấu quá trình Việt Nam hóa Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc. Nhờ vậy, tư tưởng Phật giáo nhập thế thâm nhập sâu sắc vào dân gian Việt Nam, gắn bó với dân tộc kể cả lúc binh đao loạn lạc hay trong thời thái bình an hòa.
Mộc bản còn là nơi lưu giữ bền vững nhiều tác phẩm văn học Thiền tông có giá trị. Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn…, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI. Ngoài ra, trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn có sách Kính tín lục ghi chép các phương thuốc cấp cứu, chữa bệnh là tinh túy về y dược được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian, nhiều tài liệu có giá trị về mỹ học, y học , quá trình giao thoa văn hoá,…
Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.
Mộc bản có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hoá của dân tộc. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với những giá trị to lớn trên nhiều phương diện ngôn ngữ, văn học, y học, phong thuỷ, mỹ học,… có tính xác thực, tính quý hiếm độc đáo về mặt tôn giáo và ý nghĩa quốc tế vừa phản ánh đặc trưng của văn hoá Việt Nam vừa khẳng định bản lĩnh tự chủ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hoá nước ngoài.
Khánh An