Khu vực Đông Nam Á, chiếm 1/10 dân số thế giới với gần 700 triệu người[i], đang khiến các nhà nghiên cứu phải quan tâm, trở thành một hiện tượng trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Nằm sát với nguồn gốc của dịch bệnh – Trung Quốc và điểm nóng của dịch hiện nay - Ấn Độ, tuy nhiên các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia Phật giáo hoặc có ảnh hưởng từ Phật Giáo như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam lại cho thấy khả năng chống dịch ấn tượng.
Thái Lan, với 70 triệu dân, chứng kiến con số 58 người tử vong trong hơn 3400 ca nhiễm, và hơn 40 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Một quốc gia nghèo khó hơn, Myanmar chỉ có 6 ca tử vong với gần 700 ca nhiễm. Việt Nam có số tử vong cao hơn một chút, 32 trên hơn 1000 ca nhiễm, tuy nhiên chủ yếu con số này đến từ các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng. Lào và Campuchia cũng lần lượt có 22 và 273 ca nhiễm, chưa có bệnh nhân tử vong. So sánh tương quan với những con số của các quốc gia còn lại trong khu vực, dễ dàng nhận thấy các quốc gia Phật giáo và ảnh hưởng từ Phật giáo đang có diễn biến khả quan hơn trong công tác chống dịch. Các quốc gia còn lại trong khu vực, ngoại trừ Brunei và Đông Timor với dân số rất bé, đều có số lượng người nhiễm rất lớn. Malaysia xuất sắc nhất trong nhóm này, nhưng cũng có đến hơn 9000 ca nhiễm và 125 ca tử vong. Singapore với nền y tế ưu việt, mới chỉ có 27 ca tử vong, nhưng số lượng nhiễm đã vượt 56000 và tiếp tục tăng lên. Philippines dẫn đầu khu vực về số lượng người nhiễm và tốc độ lây nhiễm, hiện đã có hơn 213000 người nhiễm, chiếm đến 45% tổng số bệnh nhân COVID-19 của toàn bộ Đông Nam Á. Tuy chỉ xếp thứ 2 về số lượng nhiễm, nhưng Indonesia lại dẫn đầu về số lượng tử vong, với hơn 7200 ca. Các con số tuyệt đối đã cho thấy kết quả tích cực hơn hẳn của nhóm quốc gia Phật giáo trong đại dịch. (Hình 1)
Nguồn: WHO[ii]
Nếu phân tích trên quy mô dân số, tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong của các quốc gia Phật giáo vẫn cho thấy tình hình lạc quan hơn rất nhiều so với các quốc gia còn lại. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhiễm bệnh của các quốc gia Phật giáo đều chỉ xấp xỉ 0% (cao nhất là Thái Lan, với 0,05 người nhiễm và 0,001 người chết trên 1000 dân). Cả 2 tỷ lệ này ở các quốc gia còn lại đều cao hơn (trừ Đông Timor với dân số chỉ hơn 100 ngàn), nổi bật là tỷ lệ nhiễm bệnh của Singapore (1% dân số) và tỷ lệ tử vong của Indonesia và Philippines (xấp xỉ 0,03 người chết trên 1000 dân). (Hình 2)
Nguồn: WHO[iii]
Vậy điều gì giải thích thành công này của các quốc gia Phật giáo ở Đông Nam Á?
Thành công của các nước Đông Nam Á có được bất chấp mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Nhiều hoạt động trao đổi giữa 2 bên, được dự đoán là sẽ làm lây nhiễm bệnh dịch ở mức nghiêm trọng. Ở các quốc gia như Lào, đất nước quá nhỏ bé để chống lại sự bành trướng của hàng hóa Trung Quốc; hay Myanmar, nơi tràn ngập các thương nhân và hàng buôn lậu Trung Quốc; hoặc Campuchia, nơi có thủ tướng Hun Sen, là lãnh đạo có mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc nhất trong khu vực. Hoạt động xây dựng của Trung Quốc đang định hình lại các quốc gia này, tất cả đều chịu áp lực không thể đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay cả khi đại dịch lan rộng. Ông Hun Sen đã đến Bắc Kinh vào tháng Hai, vào lúc cao điểm của đại dịch Trung Quốc. Thái Lan cũng có giao thương rất lớn với Trung Quốc, và đã chào đón du khách Trung Quốc trở lại vào tháng Ba. Biên giới của Myanmar với Trung Quốc cực kỳ mong manh. Tại sao du khách đến từ Trung Quốc không gieo rắc thêm các đợt bùng phát dịch bệnh ở Đông Nam Á?
Theo một nghiên cứu của Jill Jameson, người phục vụ trong ủy ban điều hành Mạng lưới Quốc tế của những Phật tử dấn thân (International Network of Engaged Buddhists- INEB), một số đức tin trong Phật giáo có thể đã đem lại những kết quả tích cực trong công cuộc chống Covid-19. Cụ thể, có nhiều thực hành tôn giáo trong Phật giáo Đông Nam Á nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh tật, mà Jameson cho rằng “thúc đẩy ý thức giúp đỡ cộng đồng của tất cả mọi người. Thêm một sự giúp đỡ, thêm một sự hy vọng.” Điều này được giải thích bởi Phật giáo luôn khuyến khích con người yêu thương đồng loại, và có ý thức trong việc chia sẻ và giúp đỡ với cộng đồng. Có rất nhiều tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, Thái Lan,… tham gia trong công tác phòng chống dịch, đồng thời hỗ trợ nhóm người khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. [iv]
Ngoài ra, New York Times đã chỉ ra, các biện pháp tạo khoảng cách xã hội đã được gắn vào chính nền văn hóa này. Ví dụ, trong văn hóa Thái Lan, có thói quen chào người khác bằng cách chắp hai lòng bàn tay vào nhau, như thể đang cầu nguyện, thay vì bắt tay hoặc ôm. Điều này cũng khá phổ biến ở các phật tử ở Việt Nam, Myanmar, Lào hay Campuchia. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong việc thực hành tôn giáo cũng khiến Phật giáo không quá khắt khe trong việc buộc các phật tử phải đi lễ thường xuyên hay cùng nhau tập trung cầu nguyện.[v]
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra hiện tượng người dân ở các quốc gia Phật giáo không chỉ có ý thức giúp đỡ cộng đồng, mà còn có nhận thức cao trong vấn đề sức khỏe và bảo vệ bản thân. Phật giáo không chỉ là một tôn giáo, mà còn là một bộ môn triết học, những phật tử không như các tôn giáo khác, có cái nhìn khoa học và hiện đại hơn trong việc dựa vào những tiến bộ về y tế để bảo vệ sức khỏe, thay vì mù quáng gửi gắm bản thân mình cho thần thánh. Một giả thiết nữa cho rằng Phật giáo có tính chấp nhận và ôn hòa, ít tính đấu tranh hơn các tôn giáo khác, điều này khiến cho các Phật tử rất tôn trọng và tuân thủ luật pháp. Từ đó bộ phận người dân theo Phật giáo rất chấp hành những yêu cầu cách ly xã hội hay những chỉ thị phòng chống dịch của Chính phủ các quốc gia sở tại. Điều này cũng góp phần đưa những chính sách của Nhà nước đến với cộng đồng nhanh và sâu hơn, tạo nên kết quả phòng dịch tích cực hơn. [vi]
Ngoài ra, bên cạnh tác động của Phật giáo, không thể phủ nhận tác động của một số yếu tố phi tôn giáo đối với thành công của các quốc gia trên. Như chất lượng chăm sóc sức khỏe của Thái Lan cũng khiến nước này trở thành một điểm đến phổ biến cho du lịch y tế. Hơn nữa, chính phủ Thái Lan cũng đã nhanh chóng thành lập những đội đặc nhiệm, với nhiệm vụ chiến đấu chống dịch rất tích cực, đạt được thành công trong việc phòng dịch. Hay như Việt Nam, mặc dù có đường biên giới dài với quốc gia láng giềng Trung Quốc, nhưng nhờ những sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉ đạo tập trung của Chính phủ cùng sự đồng lòng của người dân, đã giúp Việt Nam có biện pháp phù hợp trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Câu hỏi bây giờ là liệu những thành công của Phật giáo Đông Nam Á có thể vượt qua làn sóng thứ hai hoặc thứ ba của dịch bệnh COVID-19 hay không. Có lẽ, sự lây truyền từ Trung Quốc không phải là “duyên nghiệp”, “quả báo” nào đó - xét cho cùng thì người hàng xóm khổng lồ đã nhanh chóng vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Giờ đây, các nguồn lây nhiễm đang thay đổi. Trên khắp khu vực, bệnh dịch đang đến từ khắp nơi trên thế giới, gieo rắc sự lây truyền tại Đông Nam Á. Tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng các quốc gia Phật giáo hiện vẫn đang làm tốt, và điểm tựa tôn giáo đang là một yếu tố tích cực trong công tác phòng chống dịch. Vậy có lẽ câu trả lời hiện nay nên là “Vạn sự tùy duyên”!
[i] Wikipedia (2020). Đông Nam Á. Truy cập tại:
[ii] WHO (2020). Covid data by countries. Truy cập tại:
[iii] nt
[iv] Jameson (2020). ABC’s Religion and Ethics Report. Truy cập tại:
https://www.abc.net.au/radionational/programs/religionandethicsreport/
[v] DeMaioNewton, Jensen (2020). Buddha Buzz Weekly: Is Buddhist Culture Helping to Fight COVID-19?. Truy cập tại:
[vi] Salguero (2020). How do Buddhists handle coronavirus? The answer is not just meditation. Truy cập tại:
Thanh Lê