Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình rồi tìm cách sửa chữa khuyết điểm đó là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Vậy Đảng đã xử lý thế nào trước những sai lầm, khuyết điểm của cải cách ruộng đất ?
Cải cách ruộng đất và việc thừa nhận sai lầm, khuyết điểm
Sau Hiệp định Geneva, miền Bắc được giải phóng, với quan niệm cải cách ruộng đất trước đây đã là động lực đẩy mạnh kháng chiến thì cải cách ruộng đất lại càng cần thiết để phát triển lực lượng, củng cố hoà bình[1], Đảng chủ trương đẩy mạnh phát động quần chúng triệt để giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất hơn nữa, coi cải cách ruộng đất là nhiệm vụ trung tâm để củng cố miền Bắc.
Cải cách ruộng đất được tiến hành từ 1953 đến 1956 với 8 đợt giảm tô và 5 đợt cải cách ruộng đất trên 3.314 xã (sau chia nhỏ thành 3.653 xã) thuộc 22 tỉnh, thành phố. Qua đó, 810.000 ha ruộng đất của thực dân, địa chủ phong kiến, ruộng đất tôn giáo, ruộng đất công và nửa công nửa tư ở miền Bắc đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua và đã được chia cho hơn 8 triệu nhân khẩu tức 72,8% số nông hộ. Ngoài ra, 1,8 triệu nông cụ, hơn 10 vạn trâu bò, hàng vạn nhà cửa cũng được đem chia cho nông dân. Sau cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ đã bị xóa bỏ hoàn toàn, ruộng đất đã thuộc về tay nông dân. Nhiệm vụ “người cày có ruộng” đã hoàn thành ở miền Bắc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cải cách ruộng đất cũng phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm. Trước tình hình đó, Ngày 18/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nêu rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cải cách ruộng đất là thắng lợi to lớn, nhưng đã mắc những khuyết điểm, sai lầm. “Chúng ta cần phát huy những thắng lợi đã thu được, đồng thời chúng ta phải kiên quyết sữa chữa những sai lầm”[2]
Nhìn thẳng vào những sai phạm trong cải cách ruộng đất, Hội nghị lần thứ X Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ tháng 9 đến tháng 11/1956) nhận định: “Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, những sai lầm về những vấn đề nguyên tắc, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở của Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nước nhà”[3].
Hội nghị đã thẳng thắn vạch ra những sai lầm, phân tích những nguyên nhân và gọi đúng tên những sai lầm là tả khuynh. Trên cơ sở đó, Hội nghị đưa ra những biện pháp hữu hiệu và kiên quyết sửa sai. Hội nghị khẳng định: “Chúng ta cần nhận rõ sai lầm, kiên quyết sửa chữa và nhất định sửa chữa được”[4].
Một biểu hiện trước tiên của tinh thần nhìn thẳng, dũng cảm sửa chữa sai lầm là thi hành kỷ luật đối với Ban lãnh đạo Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương. Hàng loạt đồng chí lãnh đạo cải cách ruộng đất bị kỷ luật: Đồng chí Trường Chinh phải thôi chức Tổng Bí thư, các đồng chí khác trong Ban Chỉ đạo cải cách ruộng đất như Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng đều bị kỷ luật.
Trước Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lỗi, xin lỗi nhân dân vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Nhận diện các quan điểm xuyên tạc về cải cách ruộng đất
Những sai lầm trong cải cách ruộng đất đã được Đảng thẳng thắng thừa nhận trong Hội nghị Trung ương 10/1956. Tuy nhiên, trong những nội dung xuyên tạc cải cách ruộng đất, có nội dung không đúng sự thật, như cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh gây ra sai lầm trong cải cách ruộng đất, sai lầm trong việc xử tử bà Nguyễn Thị Năm và phải chịu trách nhiệm chính về những hạn chế, sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lỗi trước Đảng và nhân dân về những sai lầm, khuyết điểm trong cải cách ruộng đất (Ảnh tư liệu)
Đứng trước những quan điểm này, trong hồi ký "Những kỷ niệm về Bác Hồ", đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân lúc đó, đã viết rất rõ về những việc liên quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cải cách ruộng đất đặc biệt là trong vấn đề tử hình bà Nguyễn Thị Năm. Đồng chí Hoàng Tùng kể về thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với án tử hình bà Nguyễn Thị Năm như sau: Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm”.
Hồi ký Làm người là khó của ông Đoàn Duy Thành- Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) viết: “Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp, Bác nói đại ý: Chẳng lẽ cải cách ruộng đất không tìm được một tên địa chủ cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao ? Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời “Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả !” Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm”[5].
Sau này, bước vào thời kỳ đổi mới, trong việc tử hình bà Nguyễn Thị Năm, Đảng cũng cho rằng có sai lầm và phải tiến hành sửa chữa sai lầm. Theo tinh thần ấy, tháng 3/1987, Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo tỉnh Bắc Thái xem lại vấn đề thành phần của bà Năm trong cải cách ruộng đất, ghi rõ là theo đề nghị của các ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ. Tháng 6/1987, tỉnh xác định lại thành phần giai cấp của bà Nguyễn Thị Năm là “tư sản địa chủ kháng chiến". Năm 1998, ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát, hai con trai của bà Năm đã được công nhận là cán bộ hoạt động lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa.
Bên cạnh việc bôi xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong cài cách ruộng đất, những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là trên mạng xã hội, các thế lực thù địch vẫn không ngừng thổi phồng những sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất, nhằm hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, kích động, gây chia rẽ mất đoàn kết giữa những gia đình bị oan sai trong cải cách ruộng đất đối với Đảng… Một số nhà văn viết về cải cách ruộng đất, nhưng một số nội dung phản ánh chưa chính xác về sự kiện lịch sử quy mô và phức tạp này.
Năm 1994, Kết luận số 148-BBK/BCT ngày 25/5/1994, của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ 1954-1975” một lần nữa khẳng định: “Căn cứ tình hình thực tế nông thôn miền Bắc nước ta sau năm 1954, căn cứ vào số ruộng chia cho nông dân trong cải cách ruộng đất, căn cứ tác hại rất nghiêm trọng của sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, thì chủ trương cải cách ruộng đất như đã làm là không cần thiết”[6].
Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đánh đổ đế quốc, phong kiến để giành độc lập tự do cho dân tộc và hạnh phúc của của nhân dân và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, trong quá trình lãnh đạo Đảng khó tránh khỏi những sai lầm và khuyết điểm. Nhưng trước những sai lầm, khuyết điểm đó Đảng đã dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, đúng như tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”[7]. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[8].
Thực tế lịch sử đã chứng minh, với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng ta một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, đến cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đưa lại kết quả tốt. Nông thôn dần dần ổn định. Nội bộ Đảng đoàn kết nhất trí. Niềm tin của quần chúng đối với Đảng và nhà nước được khôi phục. Sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Năm 1957 là năm được mùa lớn. Khối liên minh công- nông được củng cố, chính quyền nhân dân ổn định. Sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.
Việc sửa chữa, khắc phục sai lầm cùng với những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi, kịp thời có những chủ trương đúng đắn đưa nông thôn miền Bắc tiến lên. Vì vậy, trong giai đoạn 1954-1975, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện miền Nam và góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuấn Đạt
[1] Hoàng Quốc Việt: Đẩy mạnh cải cách ruộng đất để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất và xây dựng đất nước, năm 1954, hồ sơ 3908, Phông Bộ Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.236
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 17, tr. 540
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.17, tr.555
[5] Theo Hồi ký Đào Duy Thành, chương 5
[6] Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận về tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ và một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ 1954-1975, (ngày 25/5/1994). Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, t.4, tr. 66.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, t.5, tr. 301.